Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Theo gương Bác
Phong trào tặng ảnh Bác ở Tân Thành
Thứ tư: 08:49 ngày 10/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở ven hồ Dầu Tiếng hiện có hơn 100 gia đình di dân tự do từ Campuchia. Những gia đình tiêu biểu, đều được Hội Nông dân xã Tân Thành và Chi bộ ấp Tà Dơ tặng ảnh Bác Hồ.

Những lúc rảnh rỗi, ông Tỷ thường lấy ảnh Bác ra ngắm nghĩa và suy ngẫm lời dạy của Người.

Một khung ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu kèm theo lời dạy của Người. Đó là phần thưởng mà người dân ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu nhận được khi tham gia mô hình “Gia đình tôi học tập và làm theo lời Bác”. Những hình ảnh, câu nói của Bác đặc biệt có giá trị đối với những gia đình di dân tự do từ Campuchia về sinh sống ở ấp này.

Những ngày này, đến ấp Tà Dơ đều dễ nhận thấy điểm chung rất thú vị trong từng gia đình ở đây. Đó là khung hình lộng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu được treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Trong nhà ông Vũ Văn Nhần- Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp Tà Dơ. Ở gian nhà trước, có một tủ thờ bằng gỗ quý với kích thước khá lớn, thờ cha mẹ ông và nhạc phụ, nhạc mẫu.

Trên 4 bức ảnh thờ là cờ Tổ quốc và khung ảnh chân dung của Bác. Cạnh đó, phía trên lối ra vào, ông treo khung ảnh khác, trong đó có hình Bác Hồ xắn quần, chống gậy lội qua suối. Kế bên bức ảnh là 4 câu thơ trong bài thơ Giã gạo của Người: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Ông Nhần chia sẻ: “Bác là lãnh tụ kính yêu, là vị cha già của dân tộc nên tôi phải dành vị trí trang trọng, xứng đáng nhất. Hằng ngày, tôi thắp hương cho bố mẹ và Người”. Đối với người chủ nhà 62 tuổi này, hoạt động tặng ảnh và lời dạy của Bác như thế này rất có ích, vì qua đó, mỗi người tự thấy mình cần phải học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác nhiều hơn. Ông Nhần rất thích bài thơ Giã gạo của Bác, những câu thơ ấy như một lời dạy rất chí lý, luôn luôn đúng với tất cả mọi người, mọi hoàn cảnh, mọi thời đại.

Ở ven hồ Dầu Tiếng hiện có hơn 100 gia đình di dân tự do từ Campuchia. Những gia đình tiêu biểu, đều được Hội Nông dân xã Tân Thành và Chi bộ ấp Tà Dơ tặng ảnh Bác Hồ. Gia đình ông Lâm Văn Tỷ là một trong những trường hợp như thế. Khi chúng tôi đến thăm, thấy ông cụ 80 tuổi này đang ngồi uống trà và ngắm nghía bức ảnh Bác Hồ mặc áo nâu giản dị, đầu đội nón cối, xắn quần quá đầu gối, vui vẻ đứng dưới ruộng điều khiển chiếc máy cấy lúa trước hàng chục nông dân.

Phía dưới bức ảnh này là đoạn văn lời dạy của Bác: “Việc gì, dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng lại thành lợi to”.

Ông Tỷ tâm sự, trước đây, gia đình ông sinh sống ở Campuchia. Năm 1973, cả nhà ông về Kà Tum (xã Tân Đông, huyện Tân Châu) lập nghiệp. Những năm xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, gia đình ông tản cư, kéo nhau về đây cư ngụ. Ông Tỷ luôn nhớ công ơn của Bác Hồ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Được Hội Nông dân xã với Chi bộ ấp tặng ảnh với lời dạy của Bác, ông vui mừng lắm.

“Mấy ngày nay, tôi còn để ảnh Bác trên đầu tủ chứ chưa treo lên tường. Cứ mỗi khi rảnh rỗi là tôi lấy ảnh Bác xuống ngắm và đọc lời dạy của Người. Càng ngắm hình Bác và càng nghiền ngẫm những lời dạy của Bác càng thấy thấm thía”- ông Tỷ nói. Lão nông này còn khoe, con cháu ông đã lớn, đã lập gia đình ra ở riêng. Trong đó, có hai người con tên Lâm Thị Chanh và Lâm Văn Lến cũng vừa được tặng ảnh Bác Hồ.

Người viết bài này cùng ông Trần Văn Hiệp, Bí thư Chi bộ ấp Tà Dơ đến thăm gia đình anh Lâm Văn Lến, con đầu lòng của vợ chồng ông Tỷ. Trong nhà anh Lến có chiếc tủ kính khá sang trọng. Ở ngăn trên cùng của tủ, anh đặt chân dung Bác kèm theo lời dạy của Người.

Ông Hiệp cho biết: “Anh Lến là thành viên Ban giám sát nhân dân ấp Tà Dơ, anh luôn làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Anh cũng là người chuyên cần lao động, sản xuất. Anh là một trong những người đi tiên phong trong việc đầu tư xây hồ nuôi ba ba, và nhờ vậy mà đưa kinh tế gia đình từ nghèo khó trở nên khá giả.

Những năm gần đây, ba ba tuột giá, anh chuyển sang nghề đi mua bò con, bò ốm về nuôi vỗ béo bán thịt hoặc bán bò kéo xe cho người khác. Gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng. Chính vì gia đình anh Lến tiêu biểu như vậy, nên được Chi bộ ấp và Hội Nông dân xã xét tặng ảnh Bác”.

Anh Lến giọng đầy tự hào: “Hôm trước, tôi được mời lên trước đông đảo bà con, được nêu thành tích và tặng hình Bác, tôi cảm thấy vinh hạnh lắm. Tôi hứa trong lòng từ nay cố gắng phấn đấu noi theo gương Bác, sống cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.

Trao đổi với chúng tôi về hoạt động tặng ảnh Bác cho người dân trong xã, ông Nguyễn Viết Hùng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành cho biết, từ đầu năm 2018, Hội Nông dân huyện đã triển khai kế hoạch đến tất cả các xã, thị trấn trong huyện về việc xét tặng ảnh và lời dạy của Bác cho những gia đình nông dân tiêu biểu, để góp phần tuyên truyền, thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thực hiện kế hoạch này, Hội Nông dân xã kết hợp với Văn phòng Đảng uỷ xã lên mạng internet tìm kiếm ảnh chân dung Bác và những lời dạy, câu thơ của Người, sau đó in ghép những nội dung này vào ảnh của Bác, lộng vào khung, kết hợp với Chi bộ ấp Tà Dơ xét tặng cho 15 gia đình hội viên Hội Nông dân và người dân tiêu biểu trong ấp. Việc làm này đem lại giá trị tinh thần rất lớn.

Ông Hùng cho biết thêm, sắp tới, Hội sẽ in thêm 150 ảnh tương tự để tổ chức trao tặng cho những gia đình di dân tự do từ Campuchia hiện sinh sống ở Khu tái định cư Đồng Kèn II. Sau đó sẽ nhân rộng ra, tặng ảnh chân dung, ảnh đời thường và lời dạy của Bác cho khoảng 60% gia đình hội viên Hội nông dân xã. Đặc biệt, trong những lần tặng ảnh Bác tiếp theo, Hội Nông dân xã còn kết hợp với Đoàn Thanh niên xã, đem theo khoan điện, tắc-kê, vít để đính khung ảnh Bác lên vách tường cho những gia đình được tặng.

Có thể nói, với mô hình “Gia đình tôi học tập và làm theo lời Bác”, Hội Nông dân xã Tân Thành đã góp phần tuyên truyền, vận động nhiều gia đình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác rất thiết thực. Đồng thời, qua cách tuyên truyền trực quan sinh động này làm lan toả sâu rộng những giá trị cao đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhân dân.

ĐẠI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh