Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp
Thứ ba: 20:05 ngày 23/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để công tác phòng chống sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp có hiệu quả cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh vừa ban hành hướng dẫn về đặc điểm nhận diện và phòng trừ sâu keo mùa thu, giúp các địa phương và hộ dân sản xuất hiểu rõ hơn về loài sâu gây hại này.

Hình ảnh cây bắp bị nhiễm sâu keo mùa thu.

Đặc điểm nhận diện sâu keo mùa thu

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sâu keo mùa thu có đặc điểm nhận diện như sau: đối với sâu trưởng thành, phần cánh trước con đực lốm đốm nâu nhạt, xám với một đốm hình bầu dục màu xám trắng - vàng rơm; cánh trước của con cái không có hoa văn rõ ràng. Chúng hoạt động về đêm, có thể bay nhiều km để tìm nơi đẻ trứng, di chuyển xa hàng trăm km nhờ gió. Thời gian sống trung bình 12-14 ngày.

Trứng sâu keo có hình cầu, đường kính 0,75 mm, khi mới đẻ có màu xanh, sau đó chuyển sang màu trắng sữa, trước khi nở chuyển sang màu nâu nhạt. Trứng được đẻ vào ban đêm thành từng ổ có lớp lông che phủ, mỗi ổ trứng có khoảng 50-200 trứng và xếp thành 2 – 3 lớp trứng/ổ. Một con sâu cái trưởng thành có sức đẻ từ 6-10 ổ trứng, tương đương 1.000 - 2.000 trứng. Vị trí ổ trứng thường ở mặt trên của phiến lá hoặc cạnh cuống lá. Thời gian trứng nở 3- 5 ngày.

Sâu non có 6 ngày tuổi, màu xanh nhạt đến nâu sẫm. Sâu non mới nở có thể nhả tơ nhờ gió phát tán đến lá non của các cây khác gần đó để gây hại. Sâu tuổi lớn có tập tính cắn chết sâu tuổi nhỏ. Thời gian sâu non khoảng 14- 21 ngày, tùy điều kiện môi trường.

Cận cảnh sâu keo mùa thu tấn công cây bắp.

Đối với nhộng có hình dạng nhộng bọc, màu nâu cánh dán sáng bóng, đốt bụng cuối cùng có 2 gai. Vị trí hóa nhộng phần lớn trong đất, ở độ sâu 2-8 cm. Thời gian pha nhộng khoảng 7 ngày.

Người trồng bắp cũng cần chú ý về triệu chứng gây hại của sâu keo mùa thu trên cây bắp. Sâu non tuổi 1-2 cạp phần thịt lá, để lại phần biểu bì xơ trắng ở mặt dưới của lá thành các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như “cửa sổ” hoặc đục vào ngọn, trái.

Sâu keo mùa thu không chỉ gây hại trên cây bắp mà còn có thể ăn hơn 300 loài thực vật, bao gồm bông, đậu tương, lúa, mía, cây rau, cà... Tuy nhiên, sâu ưu thích nhất cây bắp, nhất là bắp ngọt, bắp nếp, bắp rau.

Biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn biện pháp phòng trừ đối với loài sâu keo mùa thu bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp theo quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành. Trong đó có biện pháp canh tác làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng bắp để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt; làm đất kỹ, luân canh bắp- lúa nước ngay sau vụ bắp để diệt nhộng trong đất.

Nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn bắp 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy. Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu, như bọ đuôi kìm, bọ rùa, kiến 3 khoang, bọ xít mù xanh,… Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ.

Hình ảnh minh họa đặc điểm gây hại và một số đặc điểm hình thái giải phẫu bộ phận sinh dục nổi bật để nhận dạng sâu keo mùa thu. (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam)

Bên cạnh đó, nhà nông có thể thực hiện biện pháp bẫy, bả như bẫy đèn,  sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành. Ngoài ra còn có thể bẫy cây trồng, như trên cánh đồng trồng bắp thì trồng một số diện tích cỏ voi, bắp nếp sớm hơn so thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng; sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.

Cuối cùng là biện pháp hóa học, nông dân sử dụng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1-3 (giai đoạn bắp 3-6 lá), phun sáng sớm hoặc chiều mát. Lưu ý cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

Hiện nay, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc trừ sâu keo mùa thu. Theo đó Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn cho phép sử dụng tạm thời 4 hoạt chất: Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacard và Lufenuron đến ngày 31.12.2019.

Tính đến nay, diện tích bắp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bị sâu keo mùa thu gây hại là 169 ha, tại các xã Thạnh Đức (57 ha), Tân Đông (16 ha), Tân Phú (5 ha), Cầu Khởi (24 ha), Bến Củi (62 ha) và Truông Mít (4 ha). Do đó việc nhận biết và áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu trong thời gian tới rất quan trọng và cấp bách.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục