Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phóng viên Mỹ kể về 'những người Việt bước ra từ trong ảnh'
Chủ nhật: 19:16 ngày 15/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Catherine Karnow, người có 30 năm chụp ảnh về Việt Nam, có "những cuộc gặp gỡ kỳ diệu" với những người từng xuất hiện trong ảnh của bà.

Một tối cuối tuần tháng 12/2019, Catherine tất bật đón khách đến dự buổi nói chuyện nhân kỷ niệm gần 30 năm chụp ảnh Việt Nam của bà, trong căn phòng ấm cúng của một khách sạn gần Hồ Gươm. Buổi nói chuyện mang chủ đề "Những bức ảnh và câu chuyện sau 30 năm của một Việt Nam đang thay đổi".

Catherine là phóng viên ảnh của National Geographic, con gái của nhà sử học, nhà báo Mỹ Stanley Karnow. Ông Karnow viết cuốn sách được xem là tác phẩm toàn diện nhất về chiến tranh Việt Nam, mang tên "Vietnam: A History". Tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim tài liệu và ông từng giành giải Pulitzer. Catherine là người nước ngoài duy nhất được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Điện Biên năm 1994, qua sự giới thiệu của cha cô. 

"Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là năm 1990. Việt Nam khi đó mới bắt đầu mở cửa, giống như một cô gái trẻ nhút nhát nhưng đang sẵn sàng đón nhận thế giới", Catherine kể lại. 

Trong hành trình rong ruổi ở Việt Nam năm đó, Catherine đi trên chuyến tàu Thống Nhất, tìm kiếm những khung hình mà không có ý tưởng cụ thể nào. Đột nhiên cô bị thu hút bởi một cô gái ngồi gần cửa sổ cùng đám trẻ, Catherine tiến lại gần và ra hiệu là mình muốn chụp ảnh vì không có phiên dịch đi cùng. Cô gái Việt tỏ ra thoải mái và họ gần như cùng tận hưởng không gian trên tàu.

Cô gái Việt suy tư trên tàu Thống Nhất. Ảnh: Catherine Karnow.

Ở khung hình thứ nhất, cô gái Việt trầm tư trông ra xa, một đứa trẻ ôm từ phía sau. Có phải cô ấy nhìn về phía trước trong lúc có một vấn đề ở sau lưng? hay cô ấy đang trông theo hướng con tàu đi đến? Chúng tôi đang nhìn ra phía trước hay nhìn ra phía sau? Catherine đặt ra hàng loạt câu hỏi.

"Tôi luôn yêu bức ảnh này vì nó thể hiện sâu sắc cách tôi cảm nhận về Việt Nam, cách tôi nghĩ về Việt Nam", Catherine nói.

Sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đối mặt với một loạt thách thức. Một trong những trở ngại lớn khi đó là làm sao bình thường hóa quan hệ với Mỹ, cựu thù trong nhiều thập kỷ, để mở cửa và phát triển. 

Con tàu Thống Nhất năm ấy, với Catherine và cô gái Việt, sau nhiều ngày di chuyển với tốc độ chậm, đi đến đoạn lên cao rồi lao xuống. Mọi người đều phấn chấn với làn gió mát và không khí trong lành. Đó là lúc Catherine có khung hình thứ hai, cô gái và bọn trẻ đều cười lớn, không giấu được niềm vui sướng. 

Bức hình thứ hai này được xuất bản rất nhiều lần trong suốt nhiều năm sau đó, trên những tạp chí nước ngoài viết về Việt Nam. Catherine luôn muốn chia sẻ với cô gái Việt về "độ nổi tiếng" của bức ảnh nhưng không may cô đã đánh mất thông tin liên lạc.

Cô gái Việt và đám trẻ vui đùa trên tàu Thống Nhất. Ảnh: Catherine Karnow.

Bất ngờ đến vào năm 2010, Catherine nhận được một tin nhắn trên mạng xã hội từ một người tên Thảo, nói rằng "cô gái trong bức ảnh kia là mẹ tôi, bà tên là Trần Thị Điệp". Năm sau, Catherine và "cô gái Điệp" tái hợp. Năm 2018, khi con gái của bà Điệp kết hôn, Catherine đã bay từ Mỹ sang dự đám cưới. 

"Tôi nhận ra rằng mọi điều ở Việt Nam luôn có sự kết nối. Làm sao chúng tôi có thể gặp nhau trên tàu và gặp lại cơ chứ? Chúng tôi đã trở thành bạn tốt của nhau", Catherine nói.

Khi Catherine giới thiệu con gái và con rể của bà Điệp thay mặt mẹ bị ốm đến dự cuộc nói chuyện, cả khán phòng rộ lên tràng vỗ tay không ngớt.

Chia sẻ với VnExpress qua điện thoại, bà Điệp, cho biết bà gặp Catherine trên chuyến tàu năm 1990 khi đi công tác từ Nam ra Bắc, cùng cơ quan và các con của đồng nghiệp. "Cô gái trên tàu Thống Nhất" năm đó 27 tuổi và chưa có gia đình.

Khi thấy một cô gái người nước ngoài xinh đẹp - là Catherine - ra dấu xin chụp ảnh, bà cảm thấy rất vui và đồng ý. Sau khi chụp ảnh, Catherine tặng Điệp hộp bút sáp và bưu thiếp làm kỷ niệm. Đến 2009, bà Điệp mới biết bức ảnh của mình được đăng trên tạp chí nước ngoài sau khi một người bạn mua tặng. Năm 2010, biết Catherine là tác giả bức ảnh, con gái của bà Điệp đã liên lạc. Năm 2011, Catherine lần đầu đến nhà bà Điệp và hầu như lần nào sang Việt Nam cũng đến thăm bà. Catherine để lại ấn tượng "như một người Á Đông", khiến bà Điệp có thể cảm nhận rất rõ tình cảm của Catherine dành cho mình và gia đình.

"Tôi gặp Catherine, đến từ bên kia bán cầu, trên một chuyến tàu rồi trở thành bạn bè của nhau. Điều đó chỉ có thể lý giải là có duyên", bà Điệp nói.

Catherine (giữa) gặp lại bà Điệp, cô gái trên tàu Thống Nhất năm xưa (ngoài cùng bên trái) và con gái bà Điệp vào tháng 12/2019. Ảnh: Ngan Do.

Một vẻ đẹp khác ở Việt Nam mà Catherine phát hiện là vào năm 1994, khi cô tìm ảnh minh hoạ cho bài viết của cha mình, nhà báo Stanley Karnow. Catherine muốn tìm một cô gái Việt đẹp tự nhiên, có thể lên trang bìa, nhưng không phải người mẫu. Khi thấy một cô gái trẻ đi xe máy trên phố, Catherine nhận ra đây chính là người mình cần tìm và lập tức chạy xe theo, đề nghị chụp hình. Họ dành hẳn một ngày khác để chụp và Catherine đã có bức ảnh trang bìa như mong muốn. Cô gái tên là Hà Minh Thu, 24 tuổi, từng là kế toán và có một cửa hàng bán các sản phẩm từ nhựa.

Minh Thu trên bìa tạp chí Mỹ năm 1996. Ảnh: Catherine Karnow.

Có trong tay mảnh giấy ghi địa chỉ của Minh Thu và tấm ảnh trang bìa, năm 1999, Catherine quyết định tìm lại cô gái. Khi gặp mặt, Minh Thu ôm lấy Catherine và nói "tôi vô cùng vui mừng khi thấy cô".

"Và Minh Thu cũng có mặt trong ngày hôm nay", Catherine nói, mang lại một bất ngờ khác cho mọi người. Khán phòng một lần nữa rộ lên tràng pháo tay nồng nhiệt, khi Minh Thu đứng lên chào mọi người. 

Trong hơn 30 phút trò chuyện, Catherine dành nhiều thời gian nhắc đến chất độc da cam, miêu tả đây là "một di sản bi thảm khác của chiến tranh để lại". Đầu tháng này, Catherine cũng gặp lại bà Võ Thị Nhâm và hai cậu bé bị nhiễm chất độc da cam là Tân Tri và Tân Hậu. Họ từng xuất hiện trong các bức ảnh của Catherine năm 2010. Tân Tri và Tân Hậu giờ đây đang ở độ tuổi thanh niên nhưng cuộc sống vẫn phụ thuộc vào bàn tay của người mẹ. Catherine nhận ra sau 9 năm, tình hình không được cải thiện nhiều, bà Nhâm vẫn canh cánh nỗi lo khi bà già đi, không có ai chăm sóc con mình. Catherine mong muốn Việt Nam và Mỹ sẽ quan tâm hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân da cam, cùng với việc tẩy độc môi trường.

Trước thềm 2020, một năm quan trọng khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, 45 năm kết thúc chiến tranh, Catherine dự định tổ chức một số sự kiện triển lãm, hội thảo để góp phần chào mừng hợp tác mạnh mẽ của hai nước. Bà cũng hy vọng có thể trao đổi với các nhiếp ảnh gia ở Việt Nam về kỹ thuật để có những câu chuyện bằng ảnh về những người dễ bị tổn thương. 

"Tôi muốn tiếp tục theo đuổi việc chụp những bức ảnh mang chủ đề nhân đạo, trong đó có vấn đề chất độc da cam ở cả Việt Nam, Lào và Campuchia", Catherine nói.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục