Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ðội mũ bảo hiểm cho trẻ:
Phụ huynh vẫn xem nhẹ
Thứ hai: 06:07 ngày 27/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua những số liệu thống kê cho thấy việc đội MBH để bảo đảm an toàn của trẻ vẫn còn bị nhiều phụ huynh bỏ quên, xem nhẹ. Ðây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thương tích do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em đang có xu hướng tăng cao trong thời gian qua.

Phụ huynh chở cùng lúc nhiều trẻ nhưng không em nào đội MBH.

Theo số liệu thống kê tai nạn, thương tích (TNTT) của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tây Ninh, năm 2017, trong 15.094 vụ TNTT xảy ra trên địa bàn tỉnh có 6.421 vụ xảy ra nguyên nhân do TNGT, trong đó có 273 trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi, chiếm tỷ lệ 6,2% số vụ TNGT. Bên cạnh đó, trong số 15.094 nạn nhân bị TNTT có 3.870 nạn nhân bị chấn thương ở vùng đầu, mặt, cổ, trong đó có 499 trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi, chiếm tỷ lệ 12,8%.

Ngoài ra, theo thống kê của Phòng CSGT tỉnh, trong 8 tháng vừa qua, Cảnh sát Giao thông (CSGT) trên địa bàn tỉnh đã xử lý 2.372 trường hợp và nhắc nhở 600 trường hợp người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Trong đó, có hơn 100 trường hợp phụ huynh bị nhắc nhở do không đội mũ bảo hiểm cho trẻ.

Những số liệu thống kê trên cho thấy việc đội MBH để bảo đảm an toàn của trẻ vẫn còn bị nhiều phụ huynh bỏ quên, xem nhẹ. Ðây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thương tích do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em đang có xu hướng tăng cao trong thời gian qua.

An toàn của trẻ bị bỏ quên

Từ năm 2015, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ từ 6 tuổi trở lên khi đi xe gắn máy, xe đạp điện có hiệu lực. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vẫn còn tái diễn. Nhiều phụ huynh thiếu ý thức bảo vệ an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe mô tô, xe máy.

Khảo sát thực tế trên các tuyến đường tại thành phố Tây Ninh, nhất là các tuyến đường có nhiều trường tiểu học, THCS, chúng tôi không khó bắt gặp cảnh phụ huynh chở trẻ không đội mũ bảo hiểm. Khi bị CSGT nhắc nhở thì phụ huynh biện minh với đủ lý do.

Tại một số cổng trường tiểu học trên địa bàn Thành phố trước giờ vào học và vào giờ tan trường, rất nhiều phụ huynh đến đón con đều đội mũ bảo hiểm cho chính mình nhưng còn trẻ thì lại không.

Ðược hỏi về lý do không đội mũ bảo hiểm cho con, chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (phường Hiệp Ninh) giải thích: “Nhà tôi cách trường không xa, đi bộ vài phút là đến. Ðoạn đường quá ngắn nên tôi không cho con đội nón bảo hiểm vì quá cồng kềnh và nặng đầu cháu. Tôi chở cháu đi chậm, cẩn thận là an toàn rồi”.

Còn anh Trần Ngọc Lân- phụ huynh của một học sinh Trường tiểu học Trương Ðịnh (phường Ninh Sơn) giải thích: “Vợ tôi thường đưa đón con đến trường. Buổi sáng, vợ tôi chở con đến trường thì có đội nón bảo hiểm. Buổi trưa, tôi đi làm về ghé rước con nên không có sẵn nón bảo hiểm để cho cháu đội. Biết là khi tham gia giao thông phải đội MBH cho cháu nhưng lâu lâu tôi mới đi đón con nên hay quên không đem theo nón cho cháu. Bình thường chở cháu đi đâu xa, tôi đều cho cháu đội MBH”.

Còn khá nhiều phụ huynh khác cho rằng trẻ không thích đội MBH do nón nặng, gây ngứa đầu hoặc ở lớp không có chỗ để nón... Cũng có người cho rằng chưa thấy CSGT xử phạt trường hợp chở trẻ không đội MBH nên vẫn vô tư cho con đội mũ vải hay để đầu trần ra đường.

Từ nghiên cứu thực tế, theo Tổ chức Y tế thế giới, trong trường hợp xảy ra TNGT, người đội MBH đúng quy cách, nguy cơ chấn thương sẽ giảm 69%, nguy cơ chết giảm 42%. Vì vậy, một số phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc đội MBH cho trẻ và chấp hành tốt quy định về đội MBH.

Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh) chia sẻ: “Từ lúc con còn học mẫu giáo tôi đã dạy cháu ra đường phải đội MBH. Vì vậy, hiện tại khi ra đường là cháu đã có thói quen tự lấy MBH đội vào không cần ba mẹ nhắc nhở nữa”.

Phải chăng chế tài chưa nghiêm?

Theo Nghị định 171/2013/NÐ-CP của Chính phủ, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc đội MBH cài quai đúng quy cách. Nếu người điều khiển xe gắn máy không đội MBH có cài quai đúng quy cách cho trẻ em ngồi trên xe từ 6 tuổi trở lên chỉ bị phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng.

Cộng với lâu nay các lực lượng chức năng dường như chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, ít xử phạt các trường hợp này. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan, chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc đội MBH cho trẻ và thực hiện quy định này thiếu nghiêm túc.

Ðại uý Nguyễn Trung Hiếu- Phó Ðội trưởng Ðội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT tỉnh cho biết, việc không đội MBH cho trẻ khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện sẽ khiến các em gặp nguy hiểm khi xảy ra TNGT.

Trẻ em thường là đối tượng bị động, khi xảy ra tình huống va quẹt bao giờ trẻ cũng bị thương nặng hơn. Ðối với tình trạng này, CSGT cũng gặp không ít khó khăn khi xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện chở trẻ em trên 6 tuổi không đội MBH, nhất là việc xác định độ tuổi của trẻ.

Ông Lý Văn Gì- Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, thực hiện năm ATGT với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”, Ban An toàn giao thông tỉnh và Ban ATGT các huyện đã yêu cầu các cơ quan, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông, từng bước xây dựng “văn hoá giao thông” cho toàn xã hội, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh, thiếu niên.

Ðồng thời, quyết tâm kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí, số vụ, số người bị thương từ 5-10%, trong đó giảm tỷ lệ thương vong TNGT đối với trẻ em là 10% so với năm 2017.

Song song đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Ban ATGT tỉnh phối hợp, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19.1.2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

Trong đó, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh MBH không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tăng cường tuần tra, rà soát, xử lý hành vi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội MBH hoặc MBH nhưng không cài quai, không đội MBH cho trẻ em khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

Ðồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền và nhắc nhở các trường hợp đội MBH giả, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình trao MBH cho trẻ em năm 2018 với chủ đề “Giữ trọn ước mơ” của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Ban ATGT tỉnh phối hợp cùng Ban Chỉ đạo chương trình của Trung ương, các sở, ngành và đại lý uỷ quyền của Công ty Honda Việt Nam tại địa phương còn tổ chức trao tặng MBH cho 100% học sinh lớp 1 tại buổi lễ khai giảng năm học mới 2018-2019.

Về phía lực lượng CSGT, Ðại uý Nguyễn Trung Hiếu- Phó Ðội trưởng Ðội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông cho biết, trong năm học 2018, Phòng CSGT tỉnh, các huyện đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục các huyện đi đến các cơ sở trường học phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh.

Ðối với từng cấp học, phòng sẽ phổ biến, hướng dẫn các em về quy định ATGT phù hợp. Ðối với học sinh tiểu học, THCS cần nhấn mạnh về quy định đội MBH khi tham gia giao thông, nhận biết biển báo giao thông, các quy tắc khi tham gia giao thông…

Thầy Nguyễn Văn Hùng- Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Ðào tạo về việc tuyên truyền, phổ biến văn hoá giao thông trong học sinh, hằng năm, nhà trường đều phối hợp cùng Phòng CSGT Thành phố tổ chức buổi tuyên truyền về ATGT, đồng thời nghiêm túc thực hiện quy định đội MBH thông qua việc ký cam kết giữa Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên lồng ghép việc giảng dạy, phổ biến pháp luật về ATGT, văn hoá giao thông cho học sinh trong các tiết học Giáo dục công dân, tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần. Ðồng thời trường cũng thường xuyên tuyên truyền bằng cách treo băng-rôn với khẩu hiệu nhắc nhở các em luôn đội MBH khi tham gia giao thông và chấp hành tốt quy định ATGT, văn hoá giao thông.

Việc đội MBH cho trẻ khi ngồi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện hoặc khi tham gia giao thông là điều rất cần thiết. Việc này không chỉ bảo đảm an toàn cho trẻ mà còn tạo được thói quen, ý thức chấp hành quy định ATGT, Luật Giao thông đường bộ.

Ðể làm được điều đó, ngoài sự quan tâm của nhà trường và các cơ quan chức năng, phụ huynh cần nâng cao ý thức và trách nhiệm tự giác đội MBH cho trẻ, cũng như hình thành thói quen đội MBH, ý thức tuân thủ pháp luật cho các em sau này.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục