Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phụ nữ và vẻ đẹp từ tấm lòng
Chủ nhật: 23:25 ngày 20/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với tấm lòng vị tha, nhiều phụ nữ đang miệt mài đóng góp công sức để xã hội thêm đẹp từ những việc lành.

Không ngại cho đi

Đi qua một tuổi thơ cơ cực, bà Lê Thị Nương (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) đã trở thành người phụ nữ mạnh mẽ nhưng vẫn đong đầy tình yêu thương với người khó khăn. Bà nói: “Do ảnh hưởng từ cha mình, tôi có cách sống khá phóng khoáng, không quá để tâm chuyện vui buồn và luôn muốn chia sẻ cùng người còn khó khăn”.

Năm 1973, bà Nương trở thành giáo viên, gắn bó hàng chục năm với ngành Giáo dục rồi nghỉ hưu năm 2004. Nghỉ ngơi chưa lâu, bà Nương được vận động ra công tác tại Hội Người cao tuổi (NCT) xã Phước Đông từ năm 2008 cho đến hiện tại.

Hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội NCT, bây giờ bà Nương đã lui về sau nhưng vẫn là thành viên Ban Thường vụ Hội như một cách tiếp tục đóng góp cho công tác. Ngoài ra, người phụ nữ 72 tuổi này còn tích cực tham gia và giữ nhiều vai trò như Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Suối Cao A, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND xã, cộng tác viên y tế, tổ trưởng tổ vay vốn, tổ trưởng tổ dân cư tự quản.

Và, dù ở vị trí làm việc nào bà cũng luôn hết mình với tinh thần tiên phong của một đảng viên. Mỗi ngày, công việc khiến bà Nương luôn bận rộn nhưng bà thấy vui vì điều đó. Bởi theo bà, có làm việc bà mới có thể đóng góp cho sự phát triển của địa phương, giúp đỡ cho những người còn khó khăn.

Bà Lê Thị Nương đọc sách để bổ sung kiến thức.

 Trong hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội NCT xã, mỗi năm, bà Nương đều vận động mạnh thường quân hỗ trợ một căn nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Công tác chăm lo cho hội viên cũng được bà triển khai thực hiện tốt, từ đó kéo thành tích thi đua của Hội từ top cuối lên top đầu huyện và duy trì nhiều năm liền.

Ở vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, bà Nương hết lòng quan tâm đến các chị em- nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Với tấm lòng thơm thảo, hằng tháng, bà Nương đều giúp đỡ những người khó khăn tìm đến mình- khi thì ít gạo, tã sữa, khi thì chi phí khám bệnh. Bà còn gói bánh giúp một hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong suốt nhiều năm liền.

Chưa hết, khi biết có người gặp khó khăn, bà không ngần ngại tặng đi 2 chiếc xe máy của mình để họ dùng làm phương tiện kiếm sống. Việc bà đi xe máy hàng chục cây số để nhận tiền hỗ trợ cho một hoàn cảnh khó khăn từ mạnh thường quân cũng không còn xa lạ với mọi người. Việc gì bà cũng không nề hà miễn đó là việc có thể giúp được người khác. Bà bộc bạch: “Mình không dư dả để đóng góp vật chất thì bỏ công sức đi vận động, có thể giúp người thì không cần đắn đo làm chi”.

Với sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc, bà Nương tạo được lòng tin nơi lãnh đạo, đoàn thể và người dân tại địa phương. Hàng chục năm làm việc, đến giờ bà Nương vẫn chưa dành thời gian để nghỉ ngơi, bởi bà cho rằng còn sức thì còn làm việc đóng góp cho xã hội, địa phương, còn tuổi tác chưa bao giờ là trở ngại trong công việc của bà. Để nuôi dưỡng “năng lượng” làm việc, bà Nương siêng năng tập thể dục dưỡng sinh, ngồi thiền.

Thường người lớn tuổi sẽ khó tiếp cận công nghệ thông tin, nhưng bà Nương không hề thấy trở ngại khi tiếp cận mạng xã hội. Không những vậy, bà còn thấy mạng xã hội còn có nhiều lợi ích, giúp bà biết nhiều điều hơn để hoà hợp với con cái.

Tính cách phóng khoáng mạnh mẽ, nhưng bên trong bà vẫn là trái tim ấm áp nhiều tình cảm. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà Nương viết về những điều quen thuộc, thân thương như một cách lưu giữ ký ức. Đó là ký ức về gia đình, tình yêu tuổi trẻ, hay trải nghiệm của bản thân với tâm hồn phụ nữ đầy lãng mạn.

Có thể nói, trong bộn bề công việc, người phụ nữ nông thôn này luôn biết tạo cho cuộc sống của mình thêm ý nghĩa và đầy sắc màu từ tình yêu thương.

Duyên lành từ tâm thiện

Trước đây, người phụ nữ nông thôn gầy gò suốt ngày gắn với ruộng đồng Trần Thị Biên (ấp Cầu, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) không nghĩ có lúc mình sẽ trở thành người hoạt động công tác xã hội sôi nổi như bây giờ.

Bà Biên nhớ lại, hơn 20 năm trước bà chỉ ở nhà nội trợ chăm lo cho gia đình để chồng an tâm công tác tại địa phương. Nhưng rồi duyên tới, bà bắt đầu tham gia công tác xã hội khi không còn bận bịu chuyện con cái. Bà bắt đầu với việc làm tại Chi hội Phụ nữ ấp vào năm 2006, rồi Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Tân Phong từ năm 2013. Bây giờ, bà phụ giúp công tác Hội Người cao tuổi khi tuổi ngoài 60.

Tham gia công tác xã hội, bà Biên toàn tâm toàn ý để có thể chăm lo cho những người còn khó khăn trên địa bàn. Không ngại khó ngại khổ, bà đi hết 8 ấp của xã để tìm hiểu những trường hợp còn khó khăn cần giúp đỡ. Vào thời điểm ấy, có nhiều người nhờ bà hỗ trợ mới làm được hồ sơ nhận trợ cấp hằng tháng. Biết số tiền trợ cấp đối với những người có hoàn cảnh khó khăn rất quý giá nên bà Biên luôn nỗ lực để hoàn thành công việc.

Nhớ có lần đi xuống ấp bị trượt xe ngay mé kênh nước rất nguy hiểm nhưng bà không lo nghĩ nhiều mà còn thấy đó là một cách rèn luyện kỹ năng cho bản thân. Bà cũng sẵn lòng dùng tiền phụ cấp hằng tháng của mình để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam khi cần thiết.

Khi được hỏi điều gì khiến bà cảm thấy vui vẻ, người phụ nữ này cho biết đó chính là hiện nay các nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đều được quan tâm, hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, các tổ chức xã hội.

Bà Trần Thị Biên được khen thưởng vì có nhiều thành tích trong công việc.

Bà Biên tâm sự, làm công tác thiện nguyện với mình như là cái duyên vì nhờ đó bà giúp được nhiều người còn khó khăn. Bà cũng có thêm nhiều “đứa con” là những nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn xã. Luôn minh bạch trong công việc nên bà Biên được mạnh thường quân tin tưởng, sẵn lòng đóng góp khi được vận động. Những đóng góp, nỗ lực không ngừng nghỉ của bà được chính quyền, đoàn thể các cấp và hơn hết là người dân ghi nhận. Với bà, đó là hạnh phúc và động lực để làm tốt hơn nữa công việc và làm gương tốt cho con cháu.

Bà nỗ lực làm việc, mang chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tấm lòng của người thiện tâm đến những người còn khó khăn qua các hoạt động của Hội NCT, Hội Phụ nữ để họ thấy được luôn có rất nhiều người quan tâm đến mình. Từ đó, những người có hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực phấn đấu vươn lên. Bà Biên nói: “Tôi luôn mong muốn nhiều hoạt động để có thể “kéo” những người cao tuổi, phụ nữ ra khỏi nhà để ra ngoài nhìn ngắm những đổi thay, tiến bộ”.

Bà Trần Thị Biên (thứ hai từ phải qua) thăm, tặng quà cho người cao tuổi tại địa phương.

Từ một người phụ nữ có chút mặc cảm vì khiếm khuyết cơ thể, nhờ duyên lành của công tác thiện nguyện mà bà Biên dần thay đổi, trở thành con người mới với nhiều năng lượng tích cực đóng góp cho cộng đồng. Từ các hoạt động phong trào của người cao tuổi, của phụ nữ đến hốt thuốc từ thiện, đổ đá vá đường… đều có sự góp mặt của bà.

Bà Trần Thị Biên, bà Lê Thị Nương là 2 trong 4 gương phụ nữ cao tuổi sẽ được Trung ương Hội LHPN Việt Nam biểu dương tại hội nghị biểu dương phụ nữ cao tuổi tiêu biểu toàn quốc trong xây dựng gia đình văn hoá, ấm no, hạnh phúc sắp tới tại Hà Nội.

Họ- những người phụ nữ nông thôn bình dị này tựa như những đoá hướng dương, luôn hướng về mặt trời với vẻ đẹp tâm hồn đáng trân trọng.

Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục