Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt vùng có nguy cơ thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh giúp cơ quan quản lý kịp thời đề xuất các giải pháp, phương án cảnh báo phòng, tránh ngập lụt, có nguy cơ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đối với vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, mưa, bão...
Mưa bão gây thiệt hại nhiều diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Tân Biên. Ảnh chụp tháng 5.2021
Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 công trình thuỷ lợi, gồm 3 hồ chứa, 1 đập dâng, 10 trạm bơm cùng với hệ thống kênh tưới, tiêu thoát nước và 23 tuyến đê bao phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 148.214 ha, cấp nước công nghiệp khoảng 5,4 triệu m3/năm.
Ngoài ra, còn có dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi cho người dân 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu.
Nhìn chung, hệ thống tưới tương đối hoàn chỉnh, riêng mạng lưới kênh tiêu nội đồng còn thiếu rất nhiều và chưa tương xứng với hệ thống tưới. Hiện tại, tỉnh chỉ có khoảng 369 tuyến kênh tiêu với tổng chiều dài 874km; sông, suối, rạch tự nhiên khoảng 562 tuyến, với chiều dài khoảng 961km. Công tác nạo vét, duy tu sửa chữa hệ thống kênh tiêu rất cần thiết, tuy nhiên, nguồn kinh phí còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn. Do đó, xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ một số khu vực.
Điển hình, trong 2 ngày 25-26.11.2018, do ảnh hưởng cơn bão số 9, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài, lượng mưa từ 150mm đến hơn 300mm, gây thiệt hại 13.172 ha cây trồng, trong đó có 7.176 ha cây hằng năm, riêng cây mì 7.118 ha, 2.389 ha lúa, 51 ha cây lâu năm, 209 ha hoa màu, 45 ha cây ăn quả lâu năm; tổng giá trị thiệt hại 9.667 triệu đồng.
Qua khảo sát thực tế, nguyên nhân chính gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh được cho là nhiều vùng đất sản xuất nông nghiệp đã được người dân chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn, cây ăn quả, rau màu; hệ thống kênh tiêu nước trước đây được thiết kế chủ yếu là tiêu cho cây lúa; tình trạng lấn chiếm đất kênh, suối, rạch làm thu hẹp dòng chảy; nước lũ từ phía nước bạn Campuchia tràn sang những tháng mưa, bão; triều cường…
Theo quy hoạch thuỷ lợi Tây Ninh giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035, để giải quyết vấn đề ngập úng, cần nạo vét, nâng cấp 42 tuyến kênh tiêu cho 48.400 ha và 38 đê bao bảo vệ 18.654 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới thực hiện 13 tuyến kênh tiêu thuộc phân kỳ đầu tư giai đoạn 2016-2020.
Việc xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt vùng có nguy cơ thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh giúp cơ quan quản lý kịp thời đề xuất các giải pháp, phương án cảnh báo phòng, tránh ngập lụt, có nguy cơ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đối với vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, mưa, bão, đồng thời phục vụ công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trình thuỷ lợi, tiêu thoát nước kết nối đồng bộ với hiện trạng hệ thuỷ lợi hiện có vào sông, suối, rạch...
Đồng thời, hỗ trợ cơ quan quản lý, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch, định hướng chiến lược dài hạn, phục vụ quy hoạch các ngành liên quan và công tác chỉ đạo điều hành trong ứng phó thiên tai.
Ngoài ra, bản đồ sẽ giúp cơ quan quản lý điều tra, khảo sát hiện trạng các khu vực bị ngập, úng trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của thiên tai (mưa, bão, nước lũ từ Campuchia tràn sang...); đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai (mưa, ngập lụt, úng...) gây ra trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015-2020.
Bản đồ này còn ứng dụng công nghệ mô hình hoá, công cụ GIS để xây dựng bản đồ ngập lụt hiện trạng, bản đồ nguy cơ ngập lụt với các kịch bản tần suất mưa xảy ra trên lưu vực có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu; đề xuất các giải pháp tiêu thoát nước cho khu vực sản xuất nông nghiệp và điểm kết nối tiêu thoát nước vào công trình thuỷ lợi hiện có; xác định hướng tiêu thoát nước mưa cho các khu đô thị trên địa bàn tỉnh.
Phạm vi nghiên cứu xây dựng bản đồ là toàn bộ diện tích 404.165 ha thuộc 9 đơn vị hành chính tỉnh, cụ thể: thành phố Tây Ninh 13.992 ha (10 phường/xã), huyện Dương Minh Châu 43.560 ha (11 thị trấn/xã), Tân Biên 86.146 ha (10 thị trấn/xã), Tân Châu 110.320 ha (12 thị trấn/xã), Châu Thành 58.095 ha (15 thị trấn/xã), Gò Dầu 25.996 ha (9 thị trấn/xã), Bến Cầu 23.750 ha (9 thị trấn/xã), thị xã Hoà Thành 8.292 ha (8 phường/xã) và thị xã Trảng Bàng 34.014 ha (10 phường/xã).
Nhi Trần