Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phường An Tịnh (thị xã Trảng Bàng) là địa phương có hai khu công nghiệp lớn đang hoạt động với hàng chục ngàn công nhân trong và ngoài tỉnh.
Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường bày bán hàng hoá tại ngã tư Suối Sâu gây cản trở giao thông
Những năm qua, An Tịnh được thị xã Trảng Bàng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn phường có một số tuyến đường bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường, cản trở lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho cả người mua lẫn người bán.
Nhiều tuyến đường xuống cấp
Theo phản ánh của người dân hai khu phố An Phú và An Khương, hơn hai năm qua, đoạn đường từ ngã tư Suối Sâu đến khu dân cư An Phú Khương thường xuyên bị hư hỏng. Tuyến đường này kết nối với cổng Khu chế xuất - công nghiệp Linh Trung III (KCX Linh Trung III), vào giờ cao điểm, công nhân ra vào với mật độ phương tiện dày đặc, nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông T.V.U, ngụ khu phố Suối Sâu, phường An Tịnh cho biết, đoạn đường khoảng 100m từ đường vào khu tái định cư đến cổng KCX Linh Trung III bị sụt lún, nhiều “ổ voi” khá lớn, thường xuyên đọng nước. Trước tình trạng trên, một số hộ dân đã góp tiền mua cát, đá và xi măng về trộn, giặm vá tạm. Tuy nhiên, do nhiều phương tiện tải trọng lớn lưu thông nên đoạn đường tiếp tục hư hỏng. Người dân rất mong các cơ quan chức năng sớm có phương án sửa chữa, bảo đảm an toàn giao thông.
Anh Q.T, ngụ tỉnh Long An đang làm việc trong KCX Linh Trung III cho biết, thời gian gần đây, khu vực trước cổng khu dân cư An Khương đến cổng KCX bị xuống cấp, mặt đường bong tróc loang lổ, một số điểm lún sâu. Vào giờ cao điểm, hàng trăm phương tiện chen chúc nhau, vừa đi vừa né ổ gà, nên phải di chuyển rất chậm, thậm chí phải chạy lên nền nhà người dân để tránh mỗi khi có xe tải lớn tới gần. Theo anh T, vào thời điểm công nhân ra vào ca làm việc, lượng phương tiện tập trung đông, trong khi nhiều xe container, xe tải dừng, đỗ dưới lòng đường, khiến người tham gia giao thông phải chen lấn, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Theo người dân tại khu phố An Bình, đoạn đường từ ngã tư An Bình đến khu dân cư An Khương (thuộc tuyến đường huyện 8) là tuyến đường huyết mạch không chỉ của người dân địa phương mà còn kết nối với tỉnh Long An, với hàng ngàn lượt công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Trảng Bàng đi lại mỗi ngày. Mặc dù mới được thị xã Trảng Bàng đầu tư nâng cấp khoảng hơn hai năm trở lại đây, nhưng hiện nay, đoạn đường này tiếp tục xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi” giữa đường. Trong khi đó, nhiều người dân ý thức kém, bày bán hàng hoá lấn chiếm 1/3 mặt đường khiến các phương tiện khi đi qua khu vực này rất khó khăn, đã có nhiều trường hợp bị té ngã.
Bà N.T.H, người dân ngụ khu phố An Khương cho biết, khoảng 3 tháng trước, chính quyền địa phương có sửa chữa, giặm vá những điểm hư hỏng nhưng chẳng được bao lâu, mặt đường lại hư hỏng. Theo bà H, mỗi ngày, trên tuyến đường này có hàng trăm lượt xe ben, xe tải chở đất từ Long An về các lò gạch ở Lộc Hưng.
Một người dân khác cho biết, đoạn cống khu vực tiếp giáp với quốc lộ 22 (ngã tư An Bình) đã bị các xe tải nặng làm vỡ, sụp xuống làm tắc nghẽn dòng chảy nên khi có mưa lớn, đoạn đường này bị ngập sâu, ứ đọng nhiều ngày khiến cho mặt đường nhanh chóng xuống cấp, người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm khắc phục để bảo đảm an toàn giao thông.
Mặt đường bị lấn chiếm trở thành chợ tự phát, cản trở lưu thông
Người dân An Tịnh còn bức xúc trước tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để bày bán hàng hoá, biến những khu vực này thành nơi họp chợ gây kẹt xe, ùn ứ giao thông.
Theo người dân địa phương, chợ tự phát tại ngã tư Suối Sâu và ngã tư An Bình tồn tại từ hàng chục năm qua (từ khi các KCX, KCN đi vào hoạt động), những người dân sử dụng những loại xe đẩy tự chế, với đầy đủ các loại thực phẩm từ thịt cá, rau, củ, quả đến các mặt hàng may mặc, được bày bán dọc hai bên đường. Có người còn mang hàng hoá ra giữa đường bày bán, bất chấp dòng xe cộ đông đúc. Những người đi ngang qua đoạn đường này không khỏi đau đầu bởi tiếng còi xe liên tục phát ra hoà lẫn với tiếng rao bán hàng hoá từ hàng chục chiếc loa phóng thanh.
Chị Trâm Anh, làm việc tại Khu chế xuất - công nghiệp Linh Trung III cho biết, mỗi buổi chiều, khoảng từ 15 giờ 30 đến hơn 18 giờ, khu vực từ cổng KCX Linh Trung III ra đến ngã tư Suối Sâu (tiếp giáp với quốc lộ 22) bị kẹt xe nghiêm trọng, hàng trăm, hàng ngàn xe gắn máy, ô tô nối đuôi nhau di chuyển.
Ông L.V.D, lái xe cho một doanh nghiệp cho biết, đường vào thì hư hỏng đi lại khó khăn đã đành, đường ra thì người dân bày hàng hoá xuống lòng đường, mặt đường đã hẹp, nhiều người đi đường vẫn vô tư tấp, dựng xe vào mua hàng hoá, bất chấp phía sau có nhiều phương tiện đang di chuyển.
Theo chị Hân, công nhân ở trọ tại khu phố An Khương, mỗi chiều khi đi qua điểm chợ gần ngã tư An Bình, chị có thể ghé mua nhanh vài loại thực phẩm để về chế biến cho bữa ăn chiều, từ rau củ quả đến thịt cá có đủ. Người mua chỉ việc dừng xe, mua xong rồi đi, không mất thời gian gửi xe. Tiện là vậy, nhưng mỗi khi đi qua khu vực này, chị cũng gặp không ít khó khăn khi lòng đường bị lấn chiếm hơn nửa, ở giữa lại có nhiều ổ gà, rất dễ bị tai nạn giao thông.
Một người dân ngụ khu phố An Bình cho biết, những người buôn bán tại đây, đa phần là người dân từ nơi khác đến, họ để sẵn hàng hoá trên thùng xe đẩy, khi thấy lực lượng chức năng đến là nhanh chóng tản đi nơi khác nên chính quyền địa phương khó xử lý.
Địa phương đang tích cực khắc phục
Ông Nguyễn Đông Đức- Phó Chủ tịch UBND phường An Tịnh cho biết, tình trạng xuống cấp của đoạn đường từ ngã tư Suối Sâu đến cổng KCX Linh Trung III và đoạn từ ngã tư An Bình đến khu dân cư An Khương đang được UBND thị xã Trảng Bàng triển khai sửa chữa. Riêng đoạn cống ngay ngã tư An Bình, địa phương đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý đường bộ (đơn vị quản lý quốc lộ 22) khảo sát và khắc phục.
Đối với vấn đề lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán, ông Đức cho biết, vừa qua, phường đã cho các hộ dân ký cam kết. Đồng thời, địa phương cũng thành lập Đội trật tự đô thị, hằng ngày, từ 15 giờ đến 18 giờ, Đội sẽ chốt trực tại những đoạn đường thường xuyên bị lấn chiếm, khi phát hiện tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, cản trở giao thông sẽ xử lý theo quy định.
Theo ông Đức, đa phần người dân buôn bán tại những điểm chợ tự phát có hoàn cảnh khó khăn, họ sử dụng các phương tiện cơ động như thùng lôi, xe đẩy nên địa phương khó xử lý.
Ông Trần Thông Trực- Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Trảng Bàng cho biết, đoạn đường từ ngã tư Suối Sâu đến cổng KCX Linh Trung III, thuộc tuyến đường N8, nằm trong dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, nên địa phương sẽ giặm vá tạm thời những điểm hư hỏng. Riêng đoạn từ ngã tư An Bình đến khu dân cư An Khương đang được thực hiện sửa chữa, trong vài ngày tới, khi trời nắng, sẽ tiến hành thảm nhựa lại mặt đường.
Theo ông Trực, do nguồn vốn địa phương còn hạn chế, vừa qua, UBND thị xã Trảng Bàng đã khởi công hai dự án duy tu, nâng cấp đường huyện 12 từ xã Đôn Thuận đi KCN Phước Đông và đường Bình Thuỷ nối hai phường An Hoà và Gia Bình. Trong thời gian tới, Thị xã tiếp tục bố trí vốn sửa chữa những tuyến đường khác, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân đi lại. Riêng đoạn đường 787 đoạn trước cổng Trường tiểu học An Hoà, Sở Giao thông Vận tải đang triển khai thi công mương thoát nước, sau đó sẽ thực hiện thảm lại mặt đường.
Nguyên An