Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép tản mạn:
Qua bến Băng Dung
Thứ sáu: 12:49 ngày 30/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Và giờ đây, tôi đã đứng chờ phà ở bến Băng Dung. Con đường dốc trải đá vữa xi măng trườn xuống mép sông. Nhỏ thôi nhưng tấm biển sơn xanh cắm nơi này lại lớn và có vẻ còn mới lắm.

Sang sông chuyến này, tôi chọn bến Băng Dung. Bởi bến Cây Ổi đã biết rồi, hai đầu bến đã liền lạc đường đá nhựa. Chỉ hơi tiếc là không gặp lại những con phà Bến Ðình đã từng cần mẫn đưa tôi từ Cẩm Giang qua Tiên Thuận.

Nơi ấy hồi cuối tháng tám năm ngoái, tôi đã đứng trên cây cầu mới để ngắm con phà ấy đi chuyến cuối. Ông chủ nhiệm HTX có con phà bảo: phà sẽ di chuyển lên bến Cây Ổi, chưa phải là thất nghiệp.

Và giờ đây, tôi đã đứng chờ phà ở bến Băng Dung. Con đường dốc trải đá vữa xi măng trườn xuống mép sông. Nhỏ thôi nhưng tấm biển sơn xanh cắm nơi này lại lớn và có vẻ còn mới lắm. Biển nhắc nhở người qua sông phải mặc áo phao.

Chờ! Vì tôi đã lỡ chuyến phà có vẻ đông nhất trong ngày. Chụp ảnh với theo, về zoom lớn lên đếm được những năm người và ba xe máy. Chuyến quay trở lại, chỉ có một người sang. Ngó quanh, chỉ thấy một mình, ngỡ phải đợi thêm người đến. Ai hay từ buồng lái, người lái phà gọi vống lên: muốn qua liền thì xuống!

Trước khi tới bến, tôi cũng đã kịp ghé thăm nhà bác Ba Soái, “ông già” của anh Phan Thành Thương, người thanh niên nổi tiếng vì nghị lực “Vượt lên chính mình” mà nhiều người Tây Ninh đã biết. Ông Ba nay đã tuổi 75. Ông bảo: Băng Dung hử? Thời kháng chiến còn quen gọi là Băng Ðung cơ. Thì thời Pháp, Phước Vinh còn thuộc tổng Tabelyul. Nên có lẽ, từ cái tên đọc lên nghe hay hay ấy được đọc trại ra thành tên bến.

Thưa ông Ba! Ba tên ấy cái tên nào đọc lên nghe cũng hay hay cả. Nhất là trước một bến sông đẹp và thơ mộng thế này. Hồng hào nước đổ phù sa. Phía thượng nguồn mặt nước tinh khôi lai láng, tịnh không một cọng lục bình. Xa xa, rừng cao thâm nghiêm in bóng. Phía hạ, sông ngoặt một khúc cong về phía xã Phước Vinh làm thành một vịnh nhỏ cho nhiều chiếc ghe to neo đậu.

Dưới những rặng cây cao thấp thoáng mái nhà tường vôi, chắc là thôn ấp đã đông vui. Nhưng tất cả cũng chỉ có thế thôi, như vài nét thuỷ mặc điểm trang trên bức tranh sông chỉ có mênh mang mặt nước với mây trời.

Băng Dung! Từng có thời vui hơn thế nữa, khi còn những bè nuôi cá của vài năm trước đây. Bống tượng hẳn hoi nhé! Một ký tới hai trăm năm chục ngàn đồng.

Vui hơn nữa là vào độ tháng năm của khoảng hơn mười năm trước. Khi ấy còn giống cá hồng vện sơ sinh trôi nổi từ thượng nguồn sông đổ xuống. Mỗi con chỉ bé như một đầu tăm, trong suốt như hạt nước. Vậy mà ghe thuyền từ mọi nơi đổ về khúc sông này để vớt. Ghe xuồng như lá tre sát sạt bên nhau. Thương lái thu mua tại chỗ. Nghe nói đem về ươm nuôi thì trở thành loại cá kiểng có giá đem đi xuất khẩu. Bây giờ, cá hồng vện và cả bống tượng đã đi đâu, để lại một bến sông buồn?

Giờ mới nhìn lại con phà chở mỗi mình tôi đang chầm chậm trôi qua khoảng trăm mét rộng ngang sông. Cũng là một con phà “bài bản” với đầy đủ dây xích, cần treo, lan can sắt viền quanh.

Buồng lái chỉ là một mái lều tôn che mưa nắng cho người lái. Cầm vô-lăng con phà bữa nay là một bà cỡ chừng trên dưới tuổi sáu mươi, gương mặt phúc hậu, hiền lành.

Bà bảo: đã lái phà qua bến Băng Dung được ba mươi năm rồi đó. Cán bộ xã kể, ngày xưa phà còn có tên gọi là phà Mười Hỏi, do ông này đứng ra xin lập bến phà. Nay ông Mười đã đi đâu rồi, trả lại cho bến cái tên xửa xưa là bến Băng Dung.

Qua sông là tới ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Từ tả ngạn tôi đã qua bên hữu ngạn sông Vàm. Nghe cái tên ấp bên ấy thấy quen quen. Sau nhớ ra là có bài báo Tây Ninh đã đăng, nói ấp Rạch Tre là ấp duy nhất của Tây Ninh được công nhận là ấp khó khăn đặc biệt.

Lên phà, nào thấy đường sá gì đâu, ngoài những lối đường mòn nho nhỏ. Bà lái phà đã lên bến ngồi đợi khách, bảo: cứ theo lối này đi, thấy đường đất thì quẹo phải.

Từ đây tới ấp Bến Cầu còn khoảng ba cây số. Vậy mà tôi đã chạy xe trên những con đường khấp khểnh Rạch Tre khoảng ba cây số rồi mới gặp một người nữa để hỏi thăm đường. Anh thanh niên ấy lại bảo: từ đây về ấp Bến Cầu còn… ba cây số nữa!

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục