Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tản văn
Quà biếu thầy cô
Thứ bảy: 00:47 ngày 20/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nếu như, trong tháng 11 có một ngày mà hầu như ai cũng nhớ, đó là Ngày Nhà giáo Việt Nam; thì tháng mười âm lịch cũng có một ngày mà nhiều không quên, đó là ngày Rằm “hạ nguơn”, một trong ba ngày Rằm lớn trong năm.

Trừ những năm có tháng nhuận, còn lại theo lịch hằng năm thì “ngày tây” (dương lịch) luôn đi trước “ngày ta” (âm lịch) hơn một tháng. Vì vậy mà lệ thường, hằng năm vào thời điểm tháng 11 dương lịch là thuộc tháng 10 âm lịch. Nếu như, trong tháng 11 có một ngày mà hầu như ai cũng nhớ, đó là Ngày Nhà giáo Việt Nam; thì tháng mười âm lịch cũng có một ngày mà nhiều không quên, đó là ngày Rằm “hạ nguơn”, một trong ba ngày Rằm lớn trong năm.

Ngày Nhà giáo năm nay (20.11) đến sau ngày Rằm tháng mười một ngày (16.10 Tân Sửu). Và chắc chắn, Ngày Nhà giáo năm nay thầy cô giáo và các em học sinh ở nhiều nơi không được vui như những năm trước, vì đại dịch Covid- 19 hoành hành. Mặc dù vậy, đến ngày Nhà giáo, tôi luôn nhớ đến thầy cô- nhất là ở bậc tiểu học và món quà mà khi xưa anh em tôi biếu thầy cô.

Hồi anh em tôi còn học tiểu học, nhà tôi nghèo lắm. Sống giữa vùng ruộng đồng sông nước, mà nhà tôi không có một đám ruộng nào hết. Ngoài đi làm mướn làm thuê đủ việc, ba còn hỏi mướn hơn 50 cao ruộng lầy của một chủ ruộng trong làng để cấy lúa. Khi ấy, khoa học kỹ thuật chưa tiến bộ như bây giờ. Cánh đồng quê tôi mỗi năm làm được có một vụ lúa dài ngày. Tháng năm, tháng sáu âm lịch cấy lúa, đến tháng mười, tháng mười một, tháng Chạp (tuỳ theo giống) mới thu hoạch. Do không có máy móc, nên nông dân quê tôi chủ yếu “lấy sức người đổi lấy chén cơm”.  Mà gian nan nhất là những người mướn ruộng lầy để cấy lúa như ba tôi. Từ khâu làm đất, bắc mạ, dọn ruộng, cấy lúa đến cắt lúa, đập lúa, phơi lúa, giê lúa, đong lúa cho chủ ruộng… đều một tay ba làm hết, không hề thuê mướn ai.

Hồi đó làm ruộng rất vất vả, mà năng suất lúa thấp hơn ngày nay rất nhiều. Lúa thường năng suất thấp rồi, lúa nếp cho năng suất còn thấp hơn. Biết là cấy lúa nếp hay bị thất bát, dù mướn ruộng làm, nhưng để có nếp gói bánh tét, bánh ít… cho các con ăn tết, cũng như đám giỗ ông bà và cúng Rằm, mà trước hết là Rằm tháng mười, ba tôi  dành ra một đám ruộng để cấy nếp. So với lúa thường, lúa nếp thu hoạch sớm hơn. Vào thượng tuần tháng Mười là thu hoạch nếp. Đến Rằm tháng mười là có nếp mới cúng tổ tiên, ông bà... Vì vậy có người còn gọi Rằm tháng mười là “Tết mừng nếp mới”.

Năm nào cũng vậy, thu hoạch lúa nếp xong là ba tôi tranh thủ phơi khô, giê sảy và vác một giạ (khoảng 40 lít) đi chà. Chà nếp về ba lấy hai cái bọc, xúc vô mỗi bọc vài lít gạo nếp để dành đó cho anh em tôi đi biếu thầy cô ăn lấy thảo. Phần còn lại ba để dành đến chiều ngày mười bốn nấu chè, xôi cúng Rằm.

Không chỉ biếu nếp, ba tôi còn biếu cá cho thầy cô nữa. Hồi đó cánh đồng quê tôi còn nhiều cá đồng lắm. Tháng mười, mùa đập lúa nếp. Đây cũng là lúc nước hạ lụt, là mùa đánh bắt “cá xuống” (nước hạ lụt, cá từ trên ruộng cao xuống ruộng thấp và ra sông rạch). Lúc này, ba tôi đánh bắt được nhiều cá. Bắt đầu qua mùng mười tháng mười, đi giăng lưới, đặt lờ được cá, ba lựa những con cá ngon rọng riêng ra. Khi có nếp mới, cùng với việc xúc nếp vào hai cái bọc, ba bắt cho vào hai cái bọc khác. Mỗi bọc một mớ cá, gồm tràu, trê và rô… Hồi đó ở bậc tiểu học, mỗi năm học, chúng tôi chỉ học có một thầy (hoặc cô), nên việc biếu quà cho thầy cô cũng dễ, bằng những thứ do chính tay gia đình làm ra, không cần phải đắn đo suy nghĩ biếu thầy này quà gì, cô kia quà gì cho thích hợp.

Chuẩn bị gạo nếp, cá xong, ba kêu anh em tôi mang đến biếu thầy cô. Trước khi đi, ba còn dặn anh em nói chuyện với thầy cô phải lễ phép. Ba dạy anh em tôi nói với thầy cô: “Dạ thưa thầy (hoặc cô), nhân ngày Rằm tháng mười, nhà con có làm nếp mới, và có bắt được cá ngon. Ba con xin biếu thầy (cô) ăn lấy thảo!”. Nghe lời ba, anh em tôi tay xách bọc nếp, tay xách bọc cá thẳng tiến đến nhà thầy cô mình mà biếu quà và nói đúng những lời ba dạy. Nhận quà từ tay anh em tôi, thầy, cô rất vui vẻ trước những món quà quê đầy chân tình này. Và thầy cô không quên gửi lời cảm ơn ba tôi và nhắc nhở anh em tố cố gắng chăm chỉ học hành. Mấy năm học tiểu học, năm nào cũng vậy, đến ngày mười bốn tháng mười, là anh em tôi tay xách bọc cá, tay xách bọc nếp đi biếu thầy cô mình như thế.

Khi anh em tôi học cấp hai, cánh đồng quê tôi không còn sản xuất mỗi năm một vụ lúa mùa nữa, mà chuyển thành 2 vụ lúa ngắn ngày. Tháng mười âm lịch cánh đồng quê tôi còn bỏ không (vì nông dân né nước lụt), nông dân chờ nước cạn xuống sạ lúa Đông Xuân. Vì vậy, tháng mười cũng không còn là mùa thu hoạch nếp. Tất nhiên không có nếp mới cúng Rằm tháng mười. Tháng mười cũng như bao đời nay là lúc nước rã lụt, nhưng con cá đồng quê tôi ngày khan hiếm, đánh bắt rất khó. Ngày nay, dù tôi có muốn bắt chước như ba tôi trước kia là muốn tặng quà “cây nhà lá vườn” cho thầy cô giáo của con cháu mình thì chỉ có nước ra chợ mà mua nếp và cá đồng nuôi. Mà có mua đi nữa, vừa đưa, vừa năn nỉ chưa chắc con, cháu tôi chịu xách những món quà quê đó đi biếu thầy cô như anh em tôi ngày trước.

T.L

Tin cùng chuyên mục