Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Qua miền Đôn Thuận
Thứ bảy: 00:25 ngày 30/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đôn Thuận là một trong ba xã cánh Đông của thị xã Trảng Bàng. Nhìn trên bản đồ hành chính Tây Ninh, Đôn Thuận là một xã nhỏ với diện tích tự nhiên 62,28km2 và có vị trí đắc địa trong vùng tam giác Tây Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương.

Điểm du lịch tâm linh Chùa Tây Pháp - Thuỷ Hoa Viên ở ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng. (Ảnh: Facebook Chùa Tây Pháp - Thuỷ Hoa Viên)

Ở Tây Ninh, không mấy ai không biết đến cái tên Đôn Thuận của thị xã Trảng Bàng. Đây không những là vùng quê trù phú, xinh đẹp hữu tình mà còn là nơi lưu dấu văn hoá lịch sử của một thời khai hoang mở cõi.

Đôn Thuận là một trong ba xã cánh Đông của thị xã Trảng Bàng. Nhìn trên bản đồ hành chính Tây Ninh, Đôn Thuận là một xã nhỏ với diện tích tự nhiên 62,28km2 và có vị trí đắc địa trong vùng tam giác Tây Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương.

“Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” của Nguyễn Đình Tư ghi chép khá cụ thể như sau: “Đôn Thuận thôn thuộc tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, triều Minh Mạng.

Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đổi thuộc tổng Hàm Ninh Thượng cùng huyện. Đầu Pháp thuộc đặt thuộc hạt thanh tra Quang Hoá, rồi Trảng Bàng, rồi Tây Ninh. Từ 5-1-1876 gọi là làng thuộc hạt tham biện Tây Ninh. Từ 1-1-1900 thuộc tỉnh Tây Ninh.

Từ 1903 thuộc quận Trảng Bàng. Từ 1930 đổi thuộc quận Thái Bình. Ngày 21-10-1940 chia thành 2 làng: làng ở phía Nam vẫn giữ tên Đôn Thuận; làng ở phía Bắc lấy tên là Thuận Lợi kể từ 1-1-1941.

Ngày 10-3-1943 làng Đôn Thuận đổi thuộc tổng Hàm Ninh Hạ, quận Trảng Bàng. Sau 1956 gọi là xã vẫn tổng, quận, tỉnh như cũ. Ngày 29-11-1960 đổi thuộc tổng Thanh Bình, quận Khiêm Hanh, tỉnh Tây Ninh. Sau 30-4-1975 đổi thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh...” (sđd, trang 367-368, NXB Chính trị quốc gia 2007).

Xin nói thêm rằng, năm 1940, làng Đôn Thuận chỉ còn lại phần đất phía Nam, phần đất phía Bắc lập thành làng mới Thuận Lợi vẫn thuộc tổng Hàm Ninh Hạ, đến 1943 thì thuộc về tổng Triêm Hoá cùng quận Trảng Bàng.

Từ sau 1956, xã Thuận Lợi thuộc về quận Gò Dầu Hạ (huyện Gò Dầu ngày nay), nhưng sau 1975 giải thể. Ngày 12.1.2004, hai ấp Cầu Xe, Bùng Binh và một phần của hai ấp Sóc Lào, Trảng Cỏ thuộc xã Đôn Thuận hợp nhất với phần đất của xã Lộc Hưng lập xã Hưng Thuận.

Như vậy, Đôn Thuận chỉ còn lại 5 ấp là Sóc Lào, Bến Kinh, Bà Nhã, Thuận Lợi, Trảng Cỏ. Quyết định số 1903/QĐ-UBND ngày 10.10.2012 của UBND tỉnh Tây Ninh thành lập 9 ấp mới của các xã thuộc huyện Trảng Bàng, trong đó xã Đôn Thuận có thêm ấp Trảng Sa, trên cơ sở tách ra từ ấp Thuận Lợi. Hiện nay, xã Đôn Thuận có tổng cộng 6 ấp là Sóc Lào, Bến Kinh, Bà Nhã, Thuận Lợi, Trảng Cỏ và Trảng Sa.

Như trên đã nói, nếu tính từ thời Minh Mạng thành lập phủ Tây Ninh (1836) đến nay, Đôn Thuận có lịch sử hình thành khoảng 180 năm. Mảnh đất này có liên quan tới một sự kiện vào thập niên ba mươi của thế kỷ XIII, để rồi mai sau hình thành nên địa danh Sóc Lào, thuộc Đôn Thuận. Đó là sự kiện Prea Sot, một thủ lĩnh người Lào ở Chân Lạp, xúi giục người Khmer nổi lên cướp phá và đánh vào Gia Định.

Về sự kiện này, sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức có chép như sau: “Trước đây vua Cao Miên là Keo Hoa Yêm vì già yếu, uỷ thác việc nước cho con là Nặc Tha giữ quyền nhiếp chính lỵ sở tại thành La Vách.

Ngày 18 tháng 4 mùa hạ năm Tân Hợi (1731) [đời Túc Tông năm thứ 7, Lệ phí đế (Duy Phương) Vinh Khánh năm thứ ba, Đại Thanh Ung Chính năm thứ 9], người Lào Sá (Xá) khởi loạn tại Cầu Nôm, cùng người Cao Miên ở rừng hoang kéo xuống Gia Định cướp giết dân Việt.

Lúc ấy trong nước đang yên ổn nên không phòng bị, khi giặc đến bất thần, quan dân đều hoảng sợ. Quan điều khiển vội chỉ huy Cai cơ là Đạt Thành hầu đem binh chống giữ ở Bến Lức, vì thế cô, không có binh viện nên bị giặc giết.

Thống binh Định Sách hầu Trần Đại Định bèn đem thuộc tướng Long môn chặn đánh ở Vườn Trầu, phá được tiền binh của địch, chận được nhuệ khí hung hãn của chúng; Đại Định cho đắp luỹ đất một mặt ở Hoa Phong để chống cự; Thống suất Vĩnh Trường hầu Trương Phúc Vĩnh lại điều động Giám quân Cai đội Triêm Ân hầu Nguyễn Phúc Triêm đến ứng cứu quân ở Bến Lức, giết được giặc Lào và đẩy chúng lui về Vũng Gù.

Phúc Vĩnh chia quân đi 3 đường, tự mình cầm thuỷ quân theo đường Tiền Giang, Phúc Triêm theo đường giữa Bát Chiên, Đại Định theo đường bộ Quang Hoá nhất tề tiến công khiến binh Lào thua chạy trốn vào rừng sâu” (sđd, trang 225 - Cầu Cao Miên - NXB Tổng hợp Đồng Nai 2006, Lý Việt Dũng dịch).

Đường vào ấp văn hoá Sóc Lào.

Theo đoạn sử trên thì Trần Đại Định đưa quân đường bộ tiến đánh vào Quang Hoá, khiến quân Lào thua chạy và trốn vào rừng sâu. Nhưng thực tế, chỉ có một nhóm tàn quân Lào trốn vào rừng Quang Hoá ẩn nấp, sống trà trộn trong cộng đồng người dân Khmer, về sau nơi đó gọi thành Sóc Lào.

Còn lại phần lớn quân của Sá Tốt chạy về đất Chân Lạp, sau đó tiếp tục nổi lên cướp bóc. Sách “Đại Nam thực lục tiền biên” có ghi như sau: “Thống binh Trần Đại Định (con Trần Thượng Xuyên) suất lĩnh các thuộc tướng Long Môn đi đánh giặc ở Phù Viên [Vườn trầu].

Giám quân Nguyễn Cửu Triêm lại do sông Lật Giang đánh nhau với giặc. Giặc lùi chạy về Cù Ao. Trương Phúc Vĩnh bèn cùng Trần Đại Định cùng Nguyễn Cửu Triêm chia quân làm ba đường để tiến.

Quân giặc thua to, chạy trốn. Đại Định tiến giữ Cầu Nam. Nặc Tha nước Chân Lạp (con Nặc Yêm) sợ chạy đến Sơn Bô… Mùa xuân tháng giêng 1732, giặc Lào lại hợp quân cướp phá ở Cầu Nam.

Trương Phúc Vĩnh tiến đánh và trách Nặc Tha dung túng cho giặc… Tháng 4, Trần Đại Định tiến quân đến Lô Việt. Thế giặc cùng quẫn. Nặc Tha góp sức đánh bắt, bắt được hết…” (sđd, trang 142, tập 1, NXB Giáo Dục 2007, phiên dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính Đào Duy Anh).

Trên là sự kiện liên quan đến địa danh Sóc Lào của 290 năm trước. Trong giai đoạn kháng chống Pháp và chống Mỹ, Đôn Thuận là nơi được chọn thành lập Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại rừng Bời Lời thuộc ấp Trảng Sa ngày nay.

Tài liệu “Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh” do Sở VH,TT&DL ấn hành 2015, ở trang 21, có đoạn chép về căn cứ Bời Lời như sau: “Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nơi đây là căn cứ của Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Tây Ninh; của Phân Liên khu miền Đông, một bộ phận Xứ uỷ Nam bộ thời chống Pháp và một bộ phận Trung ương Cục thời chống Mỹ.

Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định và một số cơ quan của Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định cũng đã từng đặt căn cứ tại đây. Bời Lời còn là căn cứ của Huyện uỷ Trảng Bàng và Gò Dầu trong thời kỳ kháng chiến.

Tuy có di chuyển nhiều nơi, nhưng Bời Lời là nơi mà Tỉnh uỷ Tây Ninh có thời gian trú đóng lâu nhất. Chính nơi đây, từ năm 1946 đến năm 1975 đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng. Nhiều hội nghị Khu uỷ, Tỉnh uỷ tổ chức tại đây và ra các nghị quyết quan trọng, lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng qua các giai đoạn”.

Trong giai đoạn từ năm 1960 đến trước khi đất nước được giải phóng, quân đội Mỹ thực hiện hàng trăm cuộc càn quét với nhiều quy mô khác nhau vào mật khu căn cứ này. Rừng Bời Lời bị tàn phá nặng nề bởi chất độc hoá học, bom đạn, nhưng ta vẫn bảo toàn được lực lượng cho đến ngày toàn thắng. Với chiến tích, công trạng trên, ngày 26.1.1999 Bộ Văn hoá Thông tin ban hành Quyết định số 02/QĐ-BVHTT, công nhận di tích Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại rừng Bời Lời là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Tạm rời Căn cứ Bời Lời về ấp Bà Nhã. Bà Nhã là lấy nhân danh để làm địa danh. Liên quan tới vị nhân thần của địa phương này, có một câu chuyện rất hay về việc bà đỡ cứu cọp: “Bà Nhã vốn họ Võ, là vợ của một vị hương chức trong vùng.

Sinh thời bà làm nghề mụ vườn, một đêm nọ có một con cọp đực đến bắt bà mang vào rừng sâu. Bà hoảng sợ ngất đi, khi tỉnh dậy thấy mình trong một cái hang có con cọp cái đang đau đớn chuyển dạ.

Bà Nhã nhanh trí hiểu ý của cọp đực bèn tiến tới đỡ đẻ cho cọp cái. Với sự trợ giúp của bà, cọp cái mẹ tròn con vuông. Ngay hôm đó cọp đực cõng bà trở lại nhà. Tối hôm sau cọp còn quay lại tại ơn bà đầu con heo rừng lớn, bà trở nên nổi tiếng trong vùng.

Khu vực bà Nhã sống ngày xưa được dân gian gọi là Bà Nhã. Ngôi mộ của bà hiện vẫn còn tại ấp Bà Nhã, nằm khiêm tốn trong một khu vườn cao su ven đường nhựa lớn và được người dân hết sức thành kính coi sóc.

Ngôi mộ trước kia chỉ là mộ đất, năm 2008 có người phụ nữ sống tại thị xã Tây Ninh nhận là cháu nhiều đời của bà đã xuống đây bỏ công sức, tiền bạc để xây lại. Trên ngôi mộ còn đề một bài thơ nêu sự tích kỳ lạ và hành trạng của bà.

Người trong xóm nói lại, bà rất linh thiêng, dân chúng chứng kiến đã nhiều lần xảy ra chuyện lạ về bà trong vùng” (theo “Trảng Bàng phương chí” của Vương Công Đức, trang 452, NXB Tri Thức 2014).

Thực ra, mô típ của câu chuyện này xuất hiện khá nhiều nơi, nhất là vùng Nam kỳ lục tỉnh, nhưng cái cốt lõi ở đây là lưu dấu của một thời khai hoang mở cõi, con người vừa chinh phục vừa chung sống hoà đồng với thế giới thiên nhiên.

Khung cảnh bình dị ở Thuỷ Hoa Viên. (Ảnh Facebook chùa Tây Pháp - Thuỷ Hoa Viên)

Sát sườn với Bà Nhã là ấp Bến Kinh, gần đây xuất hiện một điểm du lịch tâm linh là chùa Tây Pháp - Thuỷ Hoa Viên. Vườn hoa trăm sắc của nơi này kết hợp giữa suối rạch tự nhiên với những ngôi nhà mang phong cách Hàn Quốc, thu hút rất nhiều bạn trẻ đến tham quan, tìm những giây phút thư thái nơi vùng quê.

Đi một vòng Đôn Thuận, lần giở trang cổ sử mới biết nhiều giá trị của một miền đất cổ xưa.

Đào Thái Sơn

Tin cùng chuyên mục