Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quá nhiều súng – Sự thật khiến Mỹ không thể giảm bạo lực súng đạn
Thứ tư: 20:29 ngày 07/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cấm vũ khí tấn công và kiểm tra lý lịch không đủ để giảm bạo lực súng đạn ở Mỹ xuống mức có thể chấp nhận được.

Theo nhận định của tờ Vox, một loạt nghiên cứu cho thấy một thực tế là người Mỹ có ngày càng nhiều súng. Thống kê khiến người ta giật mình: Mỹ chiếm 4,4% dân số thế giới nhưng gần một nửa người dân có súng. Thậm chí, tính tỷ lệ thì mỗi người dân Mỹ sở hữu hơn 1 khẩu súng.

Người dân tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở El Paso, bang Texas, Mỹ ngày 5/8. Ảnh: THX/TTXVN

Để kế hoạch kiểm soát súng đạn có tác dụng giảm mức bạo lực súng đạn ở Mỹ về bằng mức ở châu Âu, người ta sẽ phải tước đi một số lượng lớn súng khỏi tay một số lượng lớn chủ sở hữu.

Các nước khác đã thực hiện điều này. Ví dụ như Australia thực thi động thái yêu cầu người dân bắt buộc phải bán lại súng cho chính phủ, nhờ đó tỷ lệ tự tử do vũ khí giảm. Có thể nói những gì mà những nước như Australia làm mạnh mẽ hơn rất nhiều điều mà các chính trị gia Mỹ đang kêu gọi thực hiện.

Năm 2013, Mỹ bình quân có 106,4 người tử vong do súng đạn trên 1 triệu dân. Cùng năm đó, Anh có 144 trường hợp, tương đương 2,2/triệu dân. 

Để đạt được tỷ lệ ở Anh, Mỹ cần giảm 98% số vụ thiệt mạng vì súng đạn. Nếu muốn đạt mức như ở Thụy Sỹ, nước có tỷ lệ tử vong vì súng đạn cao thứ ba trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ cần giảm 71% trường hợp tử vong/triệu dân.

Sự thật mà không chính trị gia nào muốn thừa nhận: Ngay cả những người ủng hộ kiểm soát súng đạn nhất cũng không thúc đẩy những biện pháp có thể thu hẹp khoảng cách trên.

Bài học từ Australia

600.000 vũ khí đã được Chính phủ Australia mua lại. Ảnh: AFP

Nhiều nghiên cứu cho thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa số lượng súng trong một khu vực và tỷ lệ chết vì súng đạn. Các nước càng có nhiều súng thì càng có nhiều người chết vì súng. Các bang càng có nhiều súng thì càng có nhiều người chết vì súng. Cá nhân có súng trong nhà thì có khả năng giết người hoặc bị giết bằng súng.

Luật kiểm soát súng đạn năm 1996 của Australia dựa trên nguyên tắc đơn giản: tước đa số súng của người dân. 

Sau vụ xả súng khiến 35 người chết ở Tasmania, Thủ tướng Australia khi đó John Howard và đảng Tự do của ông đã cấm nhập mọi loại súng ngắn, súng trường tự động và bán tự động, thực hiện chương trình mua lại bắt buộc trên toàn quốc với các loại súng này, thuyết phục chính quyền các bang cấm thẳng tay các loại vũ khí này. Tổng cộng 650.000 vũ khí (20% tổng số vũ khí trong cả nước) đã được mua lại, tịch thu và phá hủy. 

Đánh giá sau cải cách cho thấy biện pháp trên có tác dụng. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia cho thấy cứ mua lại 3.500 súng/100.000 dân thì làm giảm mạnh tỷ lệ tự tử vì súng – 74%. Không có vụ xả súng hàng loạt nào xảy ra ở Australia từ đó tới nay.

Mỹ không thể áp dụng bài học của Australia. Tòa án Tối cao đã bác lệnh cấm súng cầm tay của Washington DC năm 2008.

Theo ông Adam Winkler, giáo sư luật trường UCLA, nói: “Tòa án nhất quán ủng hộ lệnh cấm súng trường bán tự động kiểu quân đội nhưng các vũ khí khác được coi là hữu ích trong phòng vệ. Kiểm soát súng đạn không phải bị đình trệ do Tu chính án thứ hai. Nó đình trệ vì các quan chức sẽ không thông qua luật mới và hiệu quả để giảm bạo lực súng đạn”.

Cựu Tổng thống Barack Obama từng lấy Australia làm ví dụ khi thảo luận về kiểm soát súng đạn, song ông và phe Dân chủ lại đưa ra những đề xuất không thấm vào đâu so với Australia.

Biện pháp nhỏ không mấy tác dụng

Tổng thống Trump (phải) hối thúc cải cách luật quản lý bệnh nhân tâm thần để hạn chế các vụ xả súng. Ảnh: AFP/TTXVN

Không thể áp dụng biện pháp mạnh tay làm giảm 20% súng trong dân như ở Australia, Mỹ chỉ có thể thông qua những thay đổi nhỏ, dễ dàng được các nghị sĩ bỏ phiếu. Các biện pháp này có thể cứu mạng sống nhưng tác dụng không nhiều.

Sau khi bang Connecticut thông qua luật yêu cầu người mua súng xin giấy phép, tỷ lệ tử vong do súng giảm 40% và tỷ lệ tự tử bằng súng giảm 15,4%.

Khi bang Missouri bãi bỏ một luật tương tự, tỷ lệ tử vong do súng tăng 23% và tự tử tăng 16,1%.

Theo nghiên cứu, cấm vũ khí tấn công trên toàn quốc không làm giảm trường hợp tử vong vì súng đạn ở Mỹ. 

Luật cấm súng cầm tay rẻ tiền ở bang Maryland có thể làm giảm trường hợp tử vong do súng đạn nhưng ảnh hưởng của luật này không nhiều vì khách hàng đổ xô đi mua súng trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Theo Vox, nói tóm lại nghị trình của Mỹ dường như không thể giảm tỷ lệ tử vong do súng đạn xuống mức như ở châu Âu.

Ông David Hemenway, giáo sư trường Harvard, cho rằng Mỹ có khi phải mất hàng chục năm để giảm tỷ lệ bạo lực súng đạn về mức ở châu Âu vì Mỹ có quá nhiều súng, vì Mỹ có văn hóa súng đạn. Người Mỹ có xu hướng dùng súng thường xuyên hơn trong nhiều tình huống hơn công dân các nước phát triển khác.

Ông nói: “Kiểm tra lý lịch, yêu cầu giấy phép và các biện pháp tích cực tương tự giúp cứu mạng sống và các ban cần thông qua. Nhưng Mỹ vẫn sẽ là một nước nổi bật về bạo lực súng đạn, kể cả khi có các biện pháp trên.

Trừ khi có một thay đổi gì đó mạnh mẽ, nếu không bạo lực súng đạn vẫn sẽ là vấn đề hàng ngày trong phần còn lại của cuộc đời người dân Mỹ, dù có kiểm tra lý lịch người mua súng hay không.

Nguồn Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục