Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Qua Suối Dây
Thứ tư: 07:18 ngày 13/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo lối đường 785 từ TP. Tây Ninh đi lên, tới ngã tư Ðồng Pan thì rẽ trái, qua vài cây số hết thị trấn Tân Châu, sang bên kia cầu và đập Tha La là đã tới Suối Dây.

Thánh đường Hồi giáo Suối Dây.

Ðã có 5-6 năm không trở lại nơi đây nhưng tôi vẫn nhớ con đường gập ghềnh đá sỏi và hầu như lúc nào cũng lầm bụi đất. Bạn đồng hành khi ấy thường an ủi nhau:- Xe chở mía, mì rầm rập thế kia thì đường nào chịu nổi. Ấy là con đường từ cầu Tha La qua Suối Dây đi tiếp tới Tân Thành, Suối Ngô một thuở chưa xa.

Hồi ấy, hoặc đi thăm bà con tộc Tà Mun ở Tân Thành mỗi kỳ lễ tết; có chuyến đi thăm Khu di tích Ðồng Rùm, cũng ở Tân Thành nhưng liền sát Suối Dây. Lần duy nhất đi xe máy là lên thăm rẫy cao su của một người bạn mới về hưu.

Ôi chà, nhớ đến tận giờ, bởi vào rẫy mùa mưa thì con đường này đã biến thành một tuyến bùn lầy không thể chạy xe, cũng không thể đẩy tới đẩy lui. Bùn và đất sét Suối Dây cứ bện bám chặt vào bánh xe như thể muốn giữ người ở lại.

Kỷ niệm ấy khiến lần này lên ấp 6 Suối Dây bằng con đường qua phà ngang Lòng hồ, bên này là ấp Tân Long, xã Tân Hưng ngay cạnh đường 785 đã lì láng mặt bê tông nhựa.

Bến phà bên này đã nhường chỗ cho công trường khai thác cát giữa lúc cát ầm ầm lên giá. Bên kia, sau gần một cây số lênh đênh trên mặt nước mất hơn 10 phút đồng hồ vẫn còn thấy một cái bến sông bình dị đợi chờ ta. Gọi bến, nhưng cũng chỉ là một triền bờ loang lổ xanh từng vệt cỏ.

Có lối mòn cho xe máy chạy lên và trên nữa là cả một ngôi nhà có gắn tấm biển sơn: Bến đò Cầu Sập. Hỏi với vào người đàn ông đang đưa võng, ông bảo: cũng còn tuỳ mực nước cao hay thấp.

Nhưng cứ như hôm nay thì mặt nước rộng chừng 800m. Và thế là ta đã ở trên ấp 6, xã Suối Dây của huyện Tân Châu, chỉ cách đường 785 khoảng 4 cây số đường bộ và 800m mặt hồ.

Từ bến lên tới đường xuyên ấp chẳng bao xa. Ðể bánh xe lại được lăn trên đường nhựa. Chẳng lẽ đây là con đường xưa, nơi những chiếc bánh xe này từng bị đất sét quyện chặt vào níu giữ.

Giờ đã là mặt đá nhựa rộng khoảng 6m trên nền sỏi đỏ. Chỉ một ấp 6 thôi mà xe chạy hoài không hết. Thế mới biết là đất Suối Dây thênh thang. Xem trên bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh, in năm 2001 có thông tin: diện tích đất: 11.087 ha.

Tính sơ, Suối Dây lớn gấp hơn 20 lần phường 3, một phường lớn trung bình của thành phố Tây Ninh. Suối Dây còn lớn hơn cả huyện Hoà Thành.

Lạ thay, suốt 6-7 cây số qua ấp 6 mà chẳng gặp nhà cửa ngoài vị trí đặt cổng chào của ấp văn hoá. Hai bên đường lúc là ruộng mía, lúc là vườn cao su tít tắp. Có nơi là một mảnh rẫy của ai đó vừa đốt, để lại màu đất đen thẫm đầy hứng khởi cho mùa sau. Lưới điện giăng dài dọc hai bên đường, dọc ngang trên rẫy ruộng.

Toàn cột điện bê tông tròn thẳng thớm. Ðó đây là những chiếc máy bơm nằm vắt vẻo trên bờ ruộng. Và có lẽ chỉ trừ vườn cao su, các rẫy ruộng còn lại được lắp đặt hệ thống tưới nước hiện đại, bằng dàn ống nhựa đứng gắn với vòi phun xoay tự động… Có phải đây là Suối Dây?

Vâng! Xem Ðịa chí Tây Ninh mới biết thêm rằng:- Suối Dây là xã sinh sau đẻ muộn. Mãi tới năm 1979 mới thành lập xã Suối Dây thuộc huyện Tân Biên.

Ðến năm 1982, Suối Dây được cắt về huyện Dương Minh Châu. Tới khi thành lập huyện Tân Châu năm 1989 thì Suối Dây lại thuộc về huyện mới Tân Châu. Vậy mà cái địa danh này đã có từ rất lâu đời, thậm chí được ghi vào sử sách.

Cuốn sử ấy là tác phẩm Chống xâm lăng của giáo sư Trần Văn Giàu (Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2001). Trong chương Nam kỳ kháng Pháp, có phần mô tả cuộc chiến đấu của Liên quân Trương Quyền - Pô-kum-pô trên đất Tây Ninh vào những năm 1860.

Trang 184 có đoạn: “Quân khởi nghĩa phải rút về vùng Suối- Giây nghèo nàn, dân thưa, lúa ít ở phía bắc Tây Ninh, rồi rút về phía Stung-treng, Samboc gần biên giới Lào. Ngày 28.7.1867, căn cứ Suối- Giây bị địch phá… Nghĩa quân Việt Nam bắt buộc phải rút lui từng toán nhỏ xa dưới vùng Hậu Giang…”.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Long, trong bài “Trương Quyền người anh hùng đất Gò Công” (Tạp chí Xưa nay, số tháng 9.2001), lại kể thêm về cái chết bất khuất của Trương Quyền. Ông viết: “Ngày 28.7.1867, căn cứ Suối Giây thất thủ, liên quân phải rút về Stung-Treng, Sa-Bóc… Quân Pháp kêu gọi Trương Quyền đầu hàng, nhưng ông và các quân sĩ còn lại không chịu khuất phục, chạy vào rừng sâu tiếp tục cuộc kháng chiến, nhưng chẳng may ông bị bệnh sốt rét và chết, hưởng dương 22 tuổi…”.

Dù các tác giả trên viết là Suối Giây, nhưng rõ ràng đây là Suối Dây của hôm nay, vì không còn một địa danh nào khác tương tự.

Vậy là Suối Dây đã từng là căn cứ của nghĩa quân chống Pháp từ hơn 150 năm trước. Ðể đến thời cách mạng, kể từ năm 1951, nơi đây lại thuộc về căn cứ địa Dương Minh Châu lẫy lừng suốt hai thời kháng chiến.

Nếu đi thẳng con đường từ bến Cầu Sập ta sẽ đến được nơi gọi là Ðồng Rùm, nay thuộc về xã Tân Thành. Nơi đây hiện có di tích lịch sử Căn cứ Xứ uỷ Nam bộ (X40 Ðồng Rùm), tồn tại từ năm 1951 đến 1960- đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Qua hết ấp 6 là đã tới ấp Chăm. Dường như có một không gian khác với những mái nhà sàn thấp thoáng giữa vườn cây. Dù vẫn là con đường đá nhựa chạy giữa màu xanh cây trái.

Băng băng trên đường là những cô gái Chăm chở nhau bằng xe máy từ rẫy ruộng về. Nét duyên không thể lẫn với chiếc khăn đặc trưng trùm kín đầu và mặt, chỉ lộ ra đôi mắt đen to đầy bí ẩn.

Chợt nhớ ấp Chăm này cũng chỉ mới có sau khi lập xã Suối Dây (1979). Nhiều người Chăm ở Suối Dây có gốc gác từ làng xưa Ðông Tác, nay là một khu phố thuộc về phường 1, TP. Tây Ninh. Theo chính sách kinh tế mới, người Chăm được cấp đất, ruộng đã về đây sinh sống, lập nên xóm ấp.

Trong khi ở phường 1, khu phố Chăm đã vắng hẳn bóng nhà sàn thì ấp Chăm Suối Dây vẫn còn cả chục ngôi. Nhà gỗ, mái ngói đậm nâu hơn cả màu của đất. Cây xoài nào cũng trĩu trái trước sân.

Lại cũng có những ngôi nhà sàn đã “lai” cho hợp với kinh tế thị trường. Bằng một gian xây gạch lợp tôn nhô ra lề đường phía trước làm nơi hành nghề dịch vụ hay buôn bán…

Nhưng! Ðiều khởi sắc nhất của ấp Chăm chính là ngôi thánh đường mới vừa được khánh thành đầu năm 2018. Ðấy là thánh đường Jamiul Nỉa mah, có biển số nhà là 140 ấp Chăm.

Vẫn trong khuôn viên rộng thênh thang của ngôi thánh đường cũ, nhưng ngôi mới đã nổi bật với ba màu: hồng, xanh cây và trắng. Diễm lệ vươn cao những tháp tròn đỉnh nhọn hoắt và những trụ có ngôi sao xanh trong một mảnh lưỡi liềm trăng.

Những hành lang, tiền sảnh rộng thênh thang được tạo tác từ những vòm cong đỉnh nhọn đặc trưng của kiến trúc Islam. Ðang là tháng chay Ramadal của người Hồi giáo, thánh đường nhộn nhịp người đến dự các nghi thức cầu nguyện. Ấp Chăm Suối Dây vẫn tràn đầy bản sắc riêng có của người Chăm. Mong sao bản sắc ấy không bị phai nhạt đi trong thời đô thị hoá.

Suối Dây đang tiến mạnh trên con đường phát triển kinh tế xã hội. Con đường xuyên qua trung tâm ấp phẳng băng mặt bê tông nhựa, hai làn xe chạy thênh thang.

Tiệm, quán, cửa nhà khang trang. Lưới điện dọc ngang như ở phố. Suối Dây nay đã có đủ các công trình tâm linh tín ngưỡng như nhà thờ xứ đạo Suối Dây, hay thánh thất Cao Ðài. Trường THCS xã trải dài bên mặt lộ với 3 tầng cao hiện đại vôi vàng, ngói đỏ.

Nhìn cột cây số, biết từ trung tâm xã ra đập Tha La còn hơn 6km nữa. Ðể rồi, ra tới đập sẽ thấy mênh mang một vùng hồ. Nhìn lên phía Bắc xã Suối Dây nơi tiếp giáp mặt nước, chỉ thấy một vùng trời nước bao la với một đường chân trời màu xanh lá.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục