Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong lúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang gấp rút khởi động các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng về việc "phi hạt nhân hóa nhanh chóng bán đảo Triều Tiên", một cố vấn hàng đầu của Mỹ, người đã nhiều lần tới thăm tổ hợp nguyên tử của Bình Nhưỡng, cảnh báo quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.
Người đưa ra cảnh báo trên là Siegfried S. Hecker, cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm Los Alamos ở New Mexico, hiện là giáo sư giảng dạy tại Đại học Stanford danh tiếng kiêm cố vấn cho chính quyền Mỹ.
Ông Hecker từng được phép tham quan mê cung nhà máy hạt nhân bí mật Yongbyon của Triều Tiên tới 4 lần và hiện là nhà khoa học Mỹ duy nhất từng được tận mắt nhìn thấy cơ sở làm giàu urani, nhiên liệu chế tạo bom nguyên tử, của Bình Nhưỡng. Các cơ quan tình báo Mỹ đã không hay biết về việc xây dựng nhà máy hạt nhân này.
Triều Tiên khoe một quả tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại một cuộc diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
Báo New York Times dẫn lời ông Hecker nhận định, điều tốt nhất Washington có thể hy vọng là việc giải trừ hạt nhân theo giai đoạn, bao gồm cả những phần nguy hiểm nhất trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng trước tiên.
Các bước giải trừ hạt nhân Triều Tiên cũng như thời gian biểu cho chúng đã được ông Hecker cùng hai đồng nghiệp tại Trung tâm An ninh và hợp tác quốc tế thuộc Đại học Stanford (Mỹ) nêu rõ trong một báo cáo mới lưu hành ở Washington.
Lộ trình đề xuất đối lập với những yêu sách ban đầu của Mỹ về "điểm mấu chốt" cho bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh nào giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, cố vấn Hecker cho biết, việc công khai báo cáo nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp Stanford nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận về một chủ đề phức tạp, sẽ là tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore nếu sự kiện được tổ chức.
Theo ông Hecker, quá trình phi hạt nhân hóa không chỉ liên quan đến việc đóng cửa hay phá hủy hàng chục cơ sở, hàng trăm tòa nhà, mà còn bao gồm cả việc chấm dứt xuất khẩu tên lửa cũng như nhiên liệu hạt nhân (plutoni, urani) và bố trí công việc mới cho hàng ngàn chuyên gia, kỹ thuật viên hạt nhân của Triều Tiên.
Chìa khóa cho quá trình này là "thiết lập một mối quan hệ khác biệt với Triều Tiên, trong đó an ninh của nước này có thể được đảm bảo bằng thứ gì đó khác ngoài các vũ khí hạt nhân".
Ông Hecker lưu ý, lộ trình giải trừ hạt nhân do ông và các cộng sự đề xuất để ngỏ nhiều điểm cho đàm phán, ví dụ như cách phân ranh giữa các hoạt động hạt nhân dân sự và quân sự.
Ban đầu, chính quyền Tổng thống Trump đòi Bình Nhưỡng phải từ bỏ hoàn toàn việc làm giàu urani, nhiên liệu không chỉ giúp chế tạo bom mà còn cả các lò phản ứng phục vụ chiếu sáng các đô thị.
Song, tuần trước, khi điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lần đầu tiên tuyên bố ông cần "khoảng trống thương thuyết" đối với vấn đề này.
Giới phân tích chỉ ra rằng, ông Trump đã xé bỏ thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran, viện dẫn lí do thỏa thuận cho phép quốc gia Hồi giáo này sản xuất nhiên liệu nguyên tử sau năm 2030, một "rủi ro không chấp nhận được".
Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào người đứng đầu Nhà Trắng có thể cấm Iran sản xuất nhiên liệu hạt nhân phục vụ nhu cầu dân sự, trong khi cho phép Triều Tiên làm điều đó.
Trong báo cáo của mình, ông Hecker và các cộng sự đề cập đến 3 giai đoạn giải trừ hạt nhân Triều Tiên chồng chéo, mất tổng cộng 10 năm. Giai đoạn đầu tiên dự kiến kéo dài tới 1 năm, bao gồm việc chấm dứt các hoạt động quân sự, công nghiệp và nhân sự liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Giai đoạn hai dự kiến mất 5 năm, tập trung vào việc giảm dần hoạt động của các cơ sở và vũ khí hạt nhân. Giai đoạn cuối cùng và cam go nhất, dự kiến kéo dài tới 10 năm sẽ là loại bỏ hoặc hạn chế các nhà máy và chương trình liên quan.
Ông Hecker nói thêm, việc khử độc và vô hiệu hóa một nhà máy có nguyên liệu phóng xạ, thường cần tới ít nhất một thập niên để hoàn tất.
Ông Hecker tin, cách an toàn duy nhất để tiêu hủy các đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên là giao công việc đó cho chính các kỹ sư đã chế tạo chúng thực hiện.
Ngược lại, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, chính trị gia có quan điểm diều hâu và ủng hộ việc giải trừ hạt nhân nhanh chóng, lại yêu cầu Bình Nhưỡng phải chuyển các vũ khí này tới phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge của Mỹ ở bang Tennessee để tiêu hủy.
Nguồn vietnamnet