Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quan điểm của Bộ GD&ĐT về việc lãng phí sách giáo khoa
Thứ bảy: 21:09 ngày 22/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài.

TS. Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Thời gian qua, dư luận xã hội có phản ánh tình trạng một số sách giáo khoa (SGK) phổ thông chỉ dùng được một lần, gây lãng phí, TS. Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ điểm lại Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước.

SGK biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành (gọi tắt là Chương trình 2000) được triển khai ở các cơ sở giáo dục từ năm học 2002-2003. Phiên bản SGK hiện nay là phiên bản đã được sử dụng ổn định từ nhiều năm nay.

Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước phát triển.

Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)…

Do đặc thù của môn học, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), đối với một số SGK, nhất là SGK Toán 1, Tiếng Anh (do đặc trưng của các môn học này), các tác giả có đưa vào các dạng bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với “câu lệnh” ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ràng như: Điền/Viết vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn Đúng/Sai, Nối, Khoanh, Vẽ, Đánh dấu, Tô màu…

Các SGK Toán 1 xuất bản giai đoạn 1976-1979; sách Toán 2 xuất bản giai đoạn 1980-1989; sách Toán 1 xuất bản giai đoạn 1990-2002, đều có các dạng câu hỏi, bài tập trên.

SGK Toán của các nước tiên tiến trên thế giới cũng đều thiết kế các dạng bài học với hình thức như trên. Tuy không yêu cầu học sinh làm bài hay viết trực tiếp vào SGK mà cần làm vào vở viết hoặc vở bài tập nhưng nếu giáo viên không hướng dẫn ngay từ đầu năm học và nhắc nhở thường xuyên thì các em sẽ có thói quen viết trực tiếp vào SGK, gây lãng phí như dư luận phản ánh.

Trong sách giáo viên có yêu cầu nhắc nhở học sinh không viết vào sách để SGK có thể sử dụng được nhiều lần.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay ngay từ năm học đầu tiên (2002-2003) triển khai thay SGK mới ở lớp 1, cùng với việc quán triệt trong các khóa bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý chuẩn bị cho việc thực hiện SGK mới, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 6176/TH ngày 19/7/2002 về việc Hướng dẫn thực hiện mục tiêu, kế hoạch dạy học lớp 1 theo Chương trình và sách giáo khoa mới.

Trong Công văn (mục 4. Thiết bị dạy học) có nêu rõ: “Các trường cần xây dựng tủ sách dùng chung để tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách. Sách giáo khoa cần được luân chuyển sử dụng trong nhiều năm”.

Năm học 2004-2005, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Công văn số 7590/GDTH ngày 27/8/2004 về việc Hướng dẫn giảng dạy các môn học ở lớp 3 cho các vùng,  miền và các lớp dạy học 2 buổi/ngày. 

Trong Công văn (mục 4. Sử dụng sách) có yêu cầu: “Giáo viên căn cứ vào văn bản phân phối chương trình môn Tiếng Việt để thực hiện các bài dạy trong SGK Tiếng Việt 3, hướng dẫn học sinh sử dụng SGK một cách có hiệu quả (tận dụng cả kênh hinhg và kênh chữ) nhằm đạt được các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng của môn học. Cần nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn (không được viết, vẽ… vào sách) để sử dụng SGK được lâu bền”.

Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài. Giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn học sinh làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kiểm tra, rà soát đánh giá cụ thể việc in ấn và phát hành SGK để có đề xuất chỉnh sửa cụ thể thiết kế nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK, gây lãng phí.

Sắp tới, khi tổ chức biên soạn SGK theo Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT sẽ quán triệt với các nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK và các Hội đồng thẩm định quốc gia về vấn đề này để khắc phục tình trạng học sinh viết vào SGK, tránh lãng phí như hiện nay.

Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam trao đổi tại cuộc gặp gỡ. Ảnh: VGP

* Chiều 21/9, lãnh đạo Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã gặp gỡ báo chí và cung cấp thông tin về một số vấn đề liên quan đến SGK.

NXB Giáo dục cho biết nội dung của mỗi cuốn SGK tuân theo quy trình biên soạn, biên tập, thẩm định, phê duyệt xuất bản, in và phát hành. SGK không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Nội dung bộ SGK hiện nay được giữ ổn định từ khi biên soạn.

Trongtrường hợp có những thay đổi lớn về quản lí Nhà nước hoặc những phát hiện mới trong khoa học có ảnh hưởng sâu rộng cần phải điều chỉnh liên quan đến kiến thức trong SGK một số môn học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung.

Việc đưa bài tập viết vào trong SGK được NXB Giáo dục lý giải là giúp học sinh làm quen với nhiều dạng bài tập khác nhau, nhất là ở bậc tiểu học, theo xu thế chung của SGK các nước phát triển. Vì vậy, để sử dụng lại được SGK, thì học sinh bắt buộc không được làm bài tập trực tiếp vào SGK. Ở đây có vai trò nhắc nhở rất quan trọng của giáo viên.

NXB Giáo dục cũng cung cấp cho các phóng viên một số thông tin liên quan đến hoạt động phát hành SGK, kết quả kinh doanh mảng SGK; tình trạng cung cấp, phát hành hành sách tham khảo, sách bài tập gây nhầm lẫn cho nhiều phụ huynh khi những loại sách này thường được đóng chung vào một bộ SGK…

Nguồn Chinhphu

Tin liên quan