Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quan điểm của Đảng ta về giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay
Thứ hai: 15:11 ngày 02/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, trước diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong đó có tình hình Biển Ðông, vừa qua phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV vào chiều 27.11.2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh “Kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Chiến sĩ Sư đoàn 5 và Quân chủng Hải quân giao lưu văn nghệ trong một buổi cùng phối hợp tuyên truyền về biển, đảo.

Ðây cũng là quan điểm của Ðảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định trong Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, đó là: “...Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”.

Trong những năm qua, bằng chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Ðông thông qua biện pháp hoà bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả thoả thuận quan trọng với các nước trong khu vực và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thời gian gần đây, quan hệ đối ngoại, hợp tác quân sự, quốc phòng của Ðảng, Nhà nước ta ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, Mỹ và một số nước khác cũng đã lên tiếng công khai phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam về tình hình Biển Ðông. Lợi dụng cơ hội này, một số phần tử phản động và thế lực thù địch đã xuyên tạc, nói xấu chế độ, nói xấu Ðảng, Nhà nước, quân đội và đưa ra luận điệu kích động Việt Nam đánh Trung Quốc. Chúng lập luận hết sức phản động rằng: “Việt Nam phải đi theo Mỹ để chống lại Trung Quốc”, “Việt Nam đánh Trung Quốc lúc này, cả thế giới sẽ ủng hộ”.

Do đó, đối với vấn đề tranh chấp trên Biển Ðông hiện nay, chúng ta phải đặc biệt cảnh giác trước chiêu bài của các phần tử phản động và thế lực thù địch. Việt Nam không thể trở thành con bài chính trị - nhất là của hai nước lớn, điều đó sẽ hết sức nguy hiểm cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh: âm mưu độc chiếm Biển Ðông của Trung Quốc không hề thay đổi. Ðối với giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc hiện nay Ðảng, Nhà nước ta đã xác định: giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc là bất di, bất dịch, bất khả xâm phạm.

Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Giữ vững mối đoàn kết với tất cả các nước. Không được để xảy ra xung đột. Không để lệ thuộc về kinh tế; không để bị cô lập về chính trị; không để bị lôi kéo đi theo nước này để chống lại nước khác; không để đối đầu về quân sự.

Quan điểm của Ðảng, Nhà nước ta về giải quyết những mâu thuẫn trên biển hiện nay là thực hiện tốt phương châm: Bốn không, bốn tránh, chín K, bốn giữ vững. Bốn không: không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Bốn tránh: tránh xung đột, tránh đối đầu, tránh bị cô lập về chính trị, tránh bị lệ thuộc về chính trị.

Chín K: kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không để nước ngoài lấn chiếm và không để xảy ra xung đột, đụng độ, không nổ súng trước. Bốn giữ vững: giữ vững chủ quyền quốc gia; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển; giữ vững quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Trung; giữ vững ổn định chính trị trong nước.

Trước vấn đề tranh chấp trên Biển Ðông hiện nay, có quan điểm cho rằng Việt Nam cần phải kiện Trung Quốc ra toà trọng tài quốc tế và phải đánh Trung Quốc. Thực ra, hiện nay Việt Nam chưa kiện, chứ không phải không kiện. Bởi, Việt Nam chủ trương đấu tranh bằng phương pháp hoà bình theo từng cấp độ, theo diễn biến của tình hình và trên cơ sở phương châm 16 chữ (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và 4 tốt (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) trong quan hệ với Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh cả trên thực địa và ngoại giao. Khi cần thiết, chuẩn bị đầy đủ các yếu tố ta sẽ kiện, mà đã kiện là phải thắng.

Hơn bất kỳ một dân tộc nào, dân tộc ta thấu hiểu được sự mất mát đau thương của chiến tranh. Trong điều kiện hiện nay, nếu chiến tranh xảy ra sẽ là vô cùng nguy hại, sẽ là thiệt hại vô cùng lớn cả về con người và cơ sở vật chất, cả về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, ngoại giao; đặc biệt là không còn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước...

Khi chúng ta đã dùng hết mọi biện pháp hoà bình, không còn biện pháp nào khác thì chúng ta buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thố, biển đảo của Tổ quốc. Khi buộc phải đánh, chúng ta sẽ đánh và đã đánh là phải thắng.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, đất nước Việt Nam có Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có nhân dân anh hùng, có quân đội anh hùng. Việt Nam đã có Ðiện Biên Phủ trên bộ, Ðiện Biên Phủ trên không, nếu tình huống xấu nhất xảy ra (dù ta không hề muốn), chắc chắn chúng ta sẽ có Ðiện Biên Phủ trên biển.

Xuân Thu

Tin cùng chuyên mục