Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quan hệ Việt Nam-Lào: Chỉ có thể mô tả bằng hai từ “Tình nghĩa”
Thứ ba: 09:32 ngày 14/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHDCND Lào Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, quan hệ Việt Nam - Lào chỉ có thể mô tả bằng hai từ "tình nghĩa".

Ngày 4/9/1945, đúng 2 ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Viện Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Bác Hồ đã mời Hoàng thân Xuphanuvong đến để bàn về việc hai nước Việt Nam – Lào cùng nhau đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm.

Đây có thể nói là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa lãnh tụ của hai dân tộc, đặt nền móng cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. 60 năm đã trôi qua kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022), đã có nhiều thành tựu và mốc son mà hai nước đã đạt được. Nhân dịp này, phóng viên VOV đã phỏng vấn Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHDCND Lào Nguyễn Mạnh Hùng về tình cảm hữu nghị Việt Nam-Lào trong suốt 6 thập kỷ qua.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng.

PV: Xin ông cho biết những cảm xúc khi sang nhận nhiệm vụ làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại CHDCND Lào?

Nguyên ĐS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi sang Lào nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Việt Nam tại Lào vào tháng 12/2012, đây cũng là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Lào và được hai Đảng, hai Nhà nước xác định là Năm đoàn kết đặc biệt, cách đây đã 10 năm.

Khi tôi sang Lào trong khoảng thời gian đó, điều hạnh phúc của tôi chính là một người Đại sứ được thừa hưởng truyền thống hữu nghị, thừa hưởng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện mà các thế hệ đi trước đã để lại. Tôi cho rằng đó là một vốn rất quý để tôi có thể triển khai, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta giao phó với tư cách là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Lào. Tôi công tác ở Lào từ năm tháng 12/2012 – 12/2016.

Trong 4 năm đó tôi đã đi khắp đất nước Lào, không có tỉnh nào mà tôi không đến thăm, ít nhất là 2 lần, còn nhiều thì không kể hết. Khi đi như vậy, cái mà tôi cảm nhận hết sức sâu sắc đó là tình cảm rất đặc biệt của người dân Lào dành cho Việt Nam. Nói chuyện với ai thì họ cũng đều nhắc đến những kỉ niệm, lớp người già thì nhắc về kỉ niệm thời kháng chiến, kỉ niệm cùng với bộ đội Việt Nam đánh đổi giặc ngoại xâm, từ đánh đuổi thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ. Đến những người trung niên thì họ nhắc đến những kỉ niệm thời học tập tại Việt Nam, kể lại học hành ở VN như thế nào, được các gia đình, người dân Việt Nam chăm sóc ra làm sao.

Sự hợp tác của Lào với các nước rất rộng, ví dụ như về kinh tế, đầu tư của Việt Nam vào Lào chỉ đứng thứ 3, thứ 4 chứ không phải đứng đầu nhưng trong trái tim của người Lào, Việt Nam luôn đứng thứ nhất, đây chính là cái vốn rất quý mà chúng ta phải hết sức trân trọng và vun đắp.

PV: Trong nhiệm kỳ làm Đại sứ của mình, ông đã đi qua rất nhiều vùng và gặp rất nhiều người, vậy có ai, có kỉ niệm nào để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất?

Nguyên ĐS Nguyễn Mạnh Hùng: Một kỉ niệm mà tôi không thể không nhắc đến hôm nay là việc quy tập các hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Hai bên đã lập ra Ban công tác đặc biệt của Chính phủ để triển khai công tác quy tập. Có lúc chúng ta đã đưa ra mốc phấn đấu đến năm 2017 thì hoàn thành toàn bộ công tác quy tập này. Khi thông báo cho bạn Lào chủ trương này để hai bên cùng tiến hành cất bốc, quy tập, cũng là bác Bunnhang Volachit, lúc đó là TBT, CTN nước Lào có nói với tôi rằng: “Chúng tôi rất hiểu mong muốn của người Việt Nam, các ông bố, bà mẹ Việt Nam mong muốn đưa hài cốt con em mình về quê hương, nhưng chúng tôi cũng rất mong để lại hài cốt các anh hùng ở lại đất Lào , chúng tôi cũng có nguyện vọng như thế, để các anh ấy tiếp tục nằm lại đây cùng với chúng tôi bảo vệ đất nước.”

Nguyên Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn VOV.

Hay như tôi đi thăm tỉnh Bokeo, phải qua một cái phà. Bến phà đó không khác gì các bến phà của Việt Nam thời chiến tranh, cũng có các hàng quán lụp xụp. Trong lúc chờ phà, tôi vào quán uống nước, tôi có nói chuyện với bà chủ quán, một người dân bán hàng rất bình thường. Bà ấy biết tôi là người Việt thì kể: “Trước đây sống cùng bộ đội Việt Nam, cùng bộ đội Việt Nam chiến đấu nên biết tiếng Việt. Tôi quý người Việt Nam lắm, mà hôm nay lại gặp người Việt ở đây, anh lại là Đại sứ nữa nên tôi lại càng mừng.” Đấy là cái tình cảm, tưởng tượng xem một người dân rất bình thường, chỉ là người bán nước ở bến tàu nhưng biết tiếng Việt và thể hiện cái tình cảm quý báu. Thật sự tôi rất xúc động.

PV: Theo ông, có thể dùng từ nào để miêu tả về quan hệ Việt – Lào?

Nguyên ĐS Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu gói gọn một từ tôi sẽ dùng từ “ Tình nghĩa”. Vì thực sự tôi cũng đã xử lý rất nhiều mối quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới, thì từ tình nghĩa Việt – Lào không đâu sánh bằng. Cho nên ẩn chứa trong hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt chính là tình nghĩa. Tình nghĩa mà hai bên dành cho nhau. Chính cái chữ tính nghĩa đó mới giúp lúc khó khăn nhất chúng ta đã ở bên nhau và lúc hạnh phúc nhất chúng ta cũng sẽ ở bên nhau.

PV: Trân trọng cảm ơn ông./.

Nguồn VOV5

Tin cùng chuyên mục