Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Năm 2023, New Zealand hỗ trợ hàng loạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt tập trung vào nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai. Hai nước đang nỗ lực để đưa kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD vào năm 2024.
Nhân dịp đón năm mới Giáp Thìn 2024, phóng viên phỏng vấn nguyên Đại sứ New Zealand Tredene Dobson, vừa hoàn thành nhiệm kỳ tại Việt Nam, về mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước trong năm 2023 và triển vọng hợp tác trong các năm tiếp theo.
Phóng viên: Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand đang phát triển tốt đẹp và hiệu quả, nổi bật là việc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao tiếp tục được duy trì. Xin bà chia sẻ về tương lai của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và triển vọng hợp tác trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 2 tỷ USD trong năm 2024?
Nguyên Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson. |
Trong bối cảnh Kế hoạch hành động sẽ hết hạn năm nay, cả hai bên đang tích cực xem xét những thành tựu và thảo luận về các lĩnh vực trọng tâm trong tương lai. Những năm tiếp theo, chúng tôi cam kết tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương trong các lĩnh vực nói trên, đồng thời cũng tìm hiểu những lĩnh vực mới và mới nổi mà New Zealand muốn hợp tác. Một số lĩnh vực được xác định có tiềm năng mạnh gồm năng lượng xanh, chuyển đổi số, du lịch, công nghệ nông nghiệp, phát triển cảng biển và logistics, đầu tư.
Về thương mại, quan hệ thương mại hai nước đang phát triển mạnh mẽ, thương mại hai chiều hiện đã vượt mức trước đại dịch, đạt 1,59 tỷ USD /năm. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Chúng tôi đang tích cực thảo luận về cách thức để tăng cường hợp tác và liên kết kinh doanh trong các lĩnh vực mà cả hai nước đều có lợi thế cạnh tranh. Đối với New Zealand, đó là ngành thực phẩm và đồ uống, còn đối với Việt Nam là ngành sản xuất và chế biến hàng hoá. Bên cạnh đó, hai nước còn có tiềm năng thực sự trong việc mở rộng sang một số lĩnh vực mới và mới nổi.
Về phía New Zealand, chúng tôi nhận thấy cơ hội ngày càng tăng cho các nhà xuất khẩu New Zealand trong các lĩnh vực như dịch vụ công nghệ nông nghiệp, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cải tiến mới, mỹ phẩm cũng như hàng hóa và dịch vụ hàng không. Hợp tác quốc tế trong giáo dục cũng tiếp tục phát triển và Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ tư của New Zealand dành cho sinh viên quốc tế.
Việt Nam rất quan tâm đến kinh nghiệm của New Zealand về công nghệ, số hóa và năng lượng xanh. Công nghệ là lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ ba của New Zealand. Chúng tôi có một số công ty hàng đầu thế giới đang hợp tác với các đối tác Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau như phần mềm y tế, dự báo khí tượng chi tiết, công nghệ sạch trong năng lượng tái tạo và nông nghiệp thích ứng với khí hậu. Các công ty của New Zealand cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và sẵn sàng chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm của mình với các đối tác của Việt Nam.
Việt Nam và New Zealand được hưởng lợi khi là hai trong số những nền kinh tế hội nhập nhất khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn, như CPTPP, Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand. Ngoài ra, chúng tôi tham gia vào các khuôn khổ khu vực như APEC, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong ASEAN và Hội nghị Á-Âu (ASEM) và gần đây nhất là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), tất cả đều cung cấp nền tảng để giúp đạt được mục tiêu chung 2 tỷ USD thương mại hai chiều vào năm 2024. Tuy nhiên, với vai trò của chính phủ, trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nhà đầu tư có thể tận dụng tối đa các khuôn khổ nói trên. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và đảm bảo rằng khu vực tư nhân của chúng tôi nhận thức được những cơ hội được tạo ra từ các hiệp định thương mại khác nhau mà cả hai nước đã ký kết.
Hơn nữa, các chính phủ cần đảm bảo rằng các hiệp định thương mại đã ký sẽ được thực thi như dự định. Các thỏa thuận này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, từ đó tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. Một ví dụ là việc triển khai chứng thư điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp được giao dịch giữa các nước. Việc triển khai này có thể giúp giải phóng chuỗi cung ứng và đẩy nhanh quá trình thông quan, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và chính phủ hai bên.
Nếu chúng ta cùng nhìn nhận được tiềm năng to lớn trong việc tăng cường hợp tác, đầu tư và thương mại có tính chất bổ sung lẫn nhau giữa các doanh nghiệp New Zealand và Việt Nam, tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu thương mại nói trên.
Đại sứ Tredene Dobson phát biểu tại Hội thảo báo cáo kết quả giai đoạn khởi động pha 3 của Dự án An toàn Đập Việt Nam – New Zealand vào tháng 7/2023. |
Nguyên Đại sứ Tredene Dobson: Thúc đẩy ngoại giao nhân dân thông qua “Ngoại giao kênh 2” (ngoại giao không chính thức giữa các cơ quan nghiên cứu) vẫn là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ song phương Việt Nam – New Zealand. Trong nhiều năm, cả hai nước đã hỗ trợ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và New Zealand thông qua nhiều phương thức như trao đổi đoàn, hội thảo và đối thoại bàn tròn. Những hoạt động giao lưu này tạo cơ hội cho những cuộc thảo luận chuyên sâu về nhiều chủ đề hai bên cùng quan tâm, bao gồm chính trị, an ninh và thương mại, cũng như một số vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu. Năm 2023, Quỹ Asia New Zealand Foundation của New Zealand - cơ quan phi lợi nhuận, phi đảng phái của New Zealand phụ trách vấn đề quan hệ giữa New Zealand và Châu Á - đã có hai chuyến thăm Việt Nam. Đầu tiên là chuyến đi nhằm hỗ trợ Sáng kiến Lãnh đạo Doanh nghiệp Trẻ ASEAN (YBLI) của Chính phủ New Zealand do Quỹ là đầu mối thực hiện. Sáng kiến YBLI là một phần quan trọng trong chiến lược ASEAN của Chính phủ New Zealand, nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại và xây dựng kết nối giữa các lãnh đạo doanh nghiệp và doanh nhân ở New Zealand và Đông Nam Á – bao gồm cả Việt Nam.
Thông qua hoạt động của Quỹ Asia New Zealand Foundation, New Zealand đã và đang hỗ trợ một số doanh nhân trẻ xuất sắc tại Việt Nam. Chuyến thăm của đại diện Quỹ là cơ hội để tăng cường kết nối sâu sắc hơn với những doanh nhân này và lên kế hoạch cho một số sáng kiến thú vị trong tương lai. Và vào tháng 11, một phái đoàn của Quỹ Asia New Zealand Foundation gồm các chuyên gia về biến đổi khí hậu và quan hệ quốc tế tham dự Đối thoại kênh 2 lần thứ 14 với Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), nơi hai bên trao đổi những hiểu biết sâu sắc về một loạt về các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Cũng trong chuyến thăm, phái đoàn New Zealand cũng đã gặp gỡ các cán bộ cấp cao của Đảng, Chính phủ và Tạp chí Cộng sản, cũng như các học giả hàng đầu, các nhà ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia cấp cao khác. Bên cạnh đó, trong năm 2023, các học giả New Zealand đã tham gia một loạt hội nghị quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, như Hội nghị quốc tế về Biển Đông do DAV tổ chức, Diễn đàn quốc tế với chủ đề “Chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên” do Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức.
New Zealand cùng với các đối tác khác đã tài trợ và tham gia Hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 5 về thực thi UNCLOS diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 – nơi tôi rất hân hạnh được chủ trì một phiên họp. Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản cũng đã có những trao đổi hiệu quả với các nhóm nghiên cứu New Zealand trong chuyến thăm New Zealand năm ngoái.
Phóng viên: Chúng tôi được biết dự án về phát triển giống thanh long mới với các đặc tính tốt hơn cho người trồng và người tiêu dùng đã gặt hái nhiều kết quả khả quan. Xin bà chia sẻ thêm về dự án này?
Nguyên Đại sứ Tredene Dobson: Tôi rất vui khi “kể” về dự án này! Với tôi, đây là một trong những ví dụ nổi bật về những gì có thể đạt được khi tập hợp tài năng và chuyên môn từ hai quốc gia.
Trong khuôn khổ dự án này, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm của New Zealand và Viện cây ăn quả miền Nam của Việt Nam đã hợp tác để nhân giống các giống thanh long mới và cải thiện chất lượng quả thông qua các phương pháp trồng mới, xử lý sau thu hoạch và công nghệ bảo quản để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường nước ngoài.
Vào tháng 2 năm ngoái, ba giống thanh long mới được phát triển theo dự án này đã ra mắt thị trường toàn cầu. Cả ba giống mới đều có chất lượng cao với hương vị ngọt hơn, thơm hơn các giống hiện tại và giòn, đặc. Chúng được cho là giống thanh long có khả năng kháng bệnh đốm nâu đầu tiên được thương mại hóa. VentureFruit™, một công ty của New Zealand, đã tham gia hợp tác và được trao quyền thương mại hóa toàn cầu độc quyền cho những giống này.
Hiện nay, tất cả các bên liên quan đang cùng hợp tác để thương mại hóa giống cây này. Ban đầu, các giống mới sẽ được phát triển thương mại tại Việt Nam để phục vụ thị trường xuất khẩu. Các giống mới cũng đang và sẽ được trồng thử nghiệm ở các khu vực sản xuất tiềm năng khác, bao gồm cả khu vực cận nhiệt đới phía bắc New Zealand. Dự kiến trái cây từ các giống mới sẽ được cung cấp cho người tiêu dùng vào năm 2027, với mục tiêu trồng 250 ha vào năm 2030. Nghiên cứu cũng đang được thực hiện để tạo ra nhiều giống cao cấp hơn.
Dự án được hỗ trợ từ chương trình phát triển quốc tế của New Zealand từ năm 2013 đến 2021 và hiện được Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm của New Zealand tài trợ cho chương trình nhân giống.
Phóng viên: Trong những năm qua, New Zealand là một trong những quốc gia viện trợ nhiều dự án cho Việt Nam. Xin bà chia sẻ cụ thể về những dự án mà New Zeland đã viện trợ Việt Nam trong năm 2023 thông qua viện trợ không hoàn lại và Quỹ của Đại sứ quán New Zealand cũng như kỳ vọng về tác động của các dự án viện trợ trong thời gian tới?
Nguyên Đại sứ Tredene Dobson: Tôi rất tự hào về chương trình hỗ trợ phát triển tại Việt Nam với các mục tiêu rõ ràng và đáp ứng nhu cầu hiện tại của Việt Nam, cho phép chúng tôi tạo ra tác động thực chất.
Trong năm 2023, chương trình phát triển của chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam, đặc biệt tập trung vào nông nghiệp, biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai cũng như xây dựng kỹ năng và năng lực cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Chúng tôi đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong dự án “An toàn đập Việt Nam – New Zealand” nhằm nâng cao năng lực quản lý, giảm thiểu rủi ro và tác động của các sự cố hồ, đập ở Việt Nam. Hiện dự án đang bước vào giai đoạn thứ ba với tổng vốn đầu tư 7,5 triệu đô la New Zealand từ Chính phủ New Zealand cho giai đoạn 2022-2027.
Chúng tôi cũng thường xuyên hỗ trợ ngành trồng trọt của Việt Nam thông qua các dự án phát triển trái cây cao cấp ở Việt Nam, bao gồm dự án thanh long mà tôi vừa đề cập và một sáng kiến thú vị sẽ sớm được công bố, được triển khai trên cơ sở những bài học có được từ dự án thanh long.
Đại sứ Tredene Dobson trao quà cho những phụ nữ dân tộc Tày ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, đối tượng thụ hưởng của dự án hỗ trợ khôi phục sinh kế sau đại dịch COVID-19 do Đại sứ quán New Zealand tài trợ. |
Thông qua Quỹ của Đại sứ quán New Zealand, chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án nâng cao năng lực với sự cộng tác của các tổ chức phi chính phủ, tập trung vào trao quyền cho phụ nữ, người khuyết tật và các nhóm dân tộc thiểu số trên khắp đất nước. Các dự án này bao gồm ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và buôn bán người, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương ở Nghệ An và Yên Bái; cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho người khuyết tật tại không gian cộng đồng xanh của Hà Nội; xây dựng khả năng chống chịu với nạn mua bán người trong học sinh dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang; hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại Thành phố Hồ Chí Minh; và mở rộng không gian sống cho thanh niên khuyết tật ở Huế.
Phóng viên: Trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với bà là gì?
Nguyên Đại sứ Tredene Dobson: Với tư cách là Đại sứ New Zealand tại Việt Nam trong ba năm qua, tôi thấy rất may mắn khi có cơ hội đi khắp đất nước tươi đẹp của các bạn và gặp gỡ rất nhiều người Việt Nam, họ thật sự tuyệt vời. Ở New Zealand có một câu tục ngữ trong tiếng Māori (ngôn ngữ của người bản địa Māori) mà tôi rất đồng cảm: "Điều gì quan trọng nhất trên thế giới? Đó là con người, con người, và con người." Tôi tin tưởng rằng con người Việt Nam là tài sản quý giá nhất.
Tôi xin được nhấn mạnh, không thể phủ nhận tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam những năm gần đây rất ấn tượng. Chỉ trong một thế hệ, Việt Nam đã chuyển đổi từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia mới nổi có thu nhập trung bình. Thành tựu này nói lên nhiều nỗ lực và cống hiến chung của Chính phủ và người dân Việt Nam hướng tới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Phóng viên: Nhân dịp Tết cổ truyền Việt Nam 2024, bà có thể chia sẻ lời chúc Tết của mình?
Nguyên Đại sứ Tredene Dobson: Tôi biết rằng trong văn hóa Việt Nam, Rồng là biểu trưng cho sức mạnh, quyền uy, phú quý và sự thịnh vượng. Tôi chúc mọi người một năm Rồng sức khỏe, cát tường, bình an và người dân Việt Nam với đức tính cần cù có những giây phút nghỉ ngơi tuyệt vời bên gia đình, bạn bè trong dịp Tết, tạo nên những kỷ niệm đặc biệt, cùng nhau ôn lại quá khứ và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Chúc mừng năm mới tới tất cả mọi người!
Phóng viên: Chân thành cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn! Kính chúc bà cùng gia đình một năm mới an khang thịnh vượng!
Nguồn dangcongsan.vn