PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh:
Quản lý đất công còn nhiều bất cập, tỷ lệ ly hôn gia tăng
Thứ bảy: 06:19 ngày 09/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Chánh án Toà án nhân dân (TAND) tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu tại hội trường

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm điều hành phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10.

Quản lý, sử dụng đất công

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Văn Tiến Dũng- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, quá trình quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo phân cấp, theo địa giới hành chính, theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương.

UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức, tổ chức kinh tế, UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã đấu giá cho thuê đất đối với diện tích 5% đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn xã theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 (thời hạn không quá 5 năm).

Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định và được công bố, công khai. Thông qua việc giao đất, cho thuê đất đã góp phần không nhỏ vào việc thu ngân sách, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, ổn định xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Hằng năm, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định giao đất, cho thuê đất; định kỳ 1 năm, 5 năm, UBND tỉnh tổ chức thống kê, kiểm kê đất đai, chỉnh lý diện tích đất công để thiết lập hồ sơ quản lý theo quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất công được các sở, ngành và UBND cấp huyện, xã tổ chức thực hiện định kỳ hằng năm, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất công hoặc lấn chiếm, sử dụng đất công không đúng quy định.

Còn hạn chế trong việc khai thác và sử dụng

UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là tập trung rà soát quỹ đất công do Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh, thông qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện và xử lý một số trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất công được tăng cường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vì vậy, tình trạng lấn chiếm đất công mới cơ bản không còn.

Việc sử dụng, khai thác quỹ đất có hiệu quả thông qua việc giao đất, cho thuê thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất góp phần thu ngân sách để đầu tư phát triển các lĩnh vực khác, đặc biệt là các lĩnh vực xã hội hoá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, hiệu quả khai thác và sử dụng đất công chưa cao. Cụ thể, việc giải quyết các hành vi vi phạm về lấn, chiếm đất công ở một số địa phương chưa thật sự kiên quyết, kéo dài nhiều năm làm hạn chế hiệu lực quản lý và gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Công tác theo dõi, kê khai đăng ký đất đai, đo đạc, cắm mốc ranh đất công (chủ yếu là 5% đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích) tại các xã không đầy đủ hoặc chưa kịp thời; việc cho thuê, cho mượn còn chưa phù hợp quy định, sử dụng đất không đúng mục đích gây lãng phí, chưa khai thác hết hiệu quả sử dụng đất, chưa tạo được nguồn thu cho ngân sách.

Nguyên nhân một phần từ thực tế nhiều diện tích đất công còn nhỏ lẻ, nằm rải rác và xen lẫn giữa đất dân nên việc quản lý, khai thác và sử dụng còn gặp nhiều khó khăn, chưa chặt chẽ, trong khi kinh phí tổ chức đo đạc, cắm mốc ranh đất và quản lý mốc còn hạn chế.

Thu gom, xử lý rác thải trong khu dân cư

Trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trong khu dân cư được quy định như sau: “UBND các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của luật”.

“Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi”.

UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Quản lý đất công còn nhiều bất cập

Đại biểu cũng đề cập đến hiện tượng sợ trách nhiệm, sợ rủi ro trong việc giải quyết thủ tục đất đai. Trả lời câu hỏi, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, trong lĩnh vực đất đai, việc lấn chiếm đất công không phải vấn đề mới nhưng thực tế cho thấy công tác quản lý đất công còn nhiều bất cập.

“Chúng ta quản lý không chặt, việc lấn chiếm là đương nhiên, rồi sau đó xảy ra tranh chấp, kiện tụng”- Giám đốc Sở TN&MT Văn Tiến Dũng phát biểu. Đối với việc tiếp nhận đất từ người dân cho, tặng để làm công trình công cộng, công trình giao thông, ông Văn Tiến Dũng bình luận, người dân hiến đất là nghĩa cử đẹp nhưng thực tế số người hiến, tặng đất cho Nhà nước không nhiều.

Ông Văn Tiến Dũng đề cập đến hiện tượng hiến đất, tặng đất cho Nhà nước làm đường nhưng thực tế họ muốn nhân việc này để phân lô bán nền. “Hôm nay tôi nói điều này có truyền thông, báo chí ở đây, có những ý kiến “cử tri bức xúc” nhưng thực tế là “cò đất bức xúc”.

Tỷ lệ ly hôn có chiều hướng tăng cao

Sau Sở TN&MT, Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân trả lời chất vấn.

Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh.

Sau khi trình bày bằng văn bản (tóm tắt), Chánh án TAND tỉnh trả lời trực tiếp một số câu hỏi của đại biểu. Đại biểu Thành Từ Dũ nêu, tổng số vụ ly hôn từ đầu năm đến nay chiếm 29% tổng số vụ án, “bà chánh án nghĩ gì về điều này?”.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Nam đặt câu hỏi, đã có cán bộ nào trong ngành Toà án bị kỷ luật chưa? Đại biểu Võ Thị Kim Huệ đề nghị cho biết có bao nhiêu án bị huỷ, sửa.

Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng nêu, doanh nghiệp có tranh chấp nhưng không tìm đến toà để giải quyết vì họ sợ chạy án, vấn đề này liên quan đến việc kiểm soát quyền lực trong cơ quan phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Kim Thị Hạnh đề nghị cho biết tỷ lệ án phải huỷ, sửa năm 2023 bao nhiêu phần trăm, số lượng bao nhiêu vụ.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Linh phát biểu chất vấn.

Trả lời chất vấn, Chánh án TAND tỉnh cho biết, tổng số vụ ly hôn trong mấy năm gần đây không biến động, trên bốn ngàn vụ và dưới năm ngàn vụ mỗi năm. Nguyên nhân ly hôn rất nhiều, khó liệt kê hết.

Có trường hợp hợp rồi tan, tan rồi hợp, phải hoà giải nhiều lần. Việc hoà giải, lãnh đạo TAND tỉnh cho biết, tỷ lệ hoà giải thành công thấp, chỉ khoảng hơn 600 vụ (năm 2023) trên tổng số hơn 4.000 vụ. Để hạn chế tình trạng ly hôn, cần nhiều giải pháp khác nhau với “sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”, trong đó tăng cường vai trò của công tác hoà giải.

Việc án phải huỷ, sửa, Chánh án TAND tỉnh cho biết, đã giảm so với trước, năm 2023, có tất cả 55 bản án phải huỷ hoặc sửa. Đối với câu hỏi doanh nghiệp sợ chạy án, Chánh án TAND tỉnh cho biết, cơ quan này đã có báo cáo cấp trên và đề ra giải pháp để ngăn chặn tiêu cực, qua đó cải thiện chỉ số cạnh tranh. “Thực tế cho thấy số lượng vụ án liên quan đến doanh nghiệp trên không nhiều”- lãnh đạo TAND tỉnh thông tin.

Sau khi Chánh án TAND tỉnh hoàn thành phần trả lời chất vấn, Chủ toạ kỳ họp đề nghị ngành Toà án thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương trong đạo đức công vụ, đồng thời nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm tranh tụng tại toà.

Việt Đông - Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục