Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vừa qua, tại Tây Ninh, Sở Y tế, Hội Y học Tây Ninh phối hợp với Hội Hô hấp Việt Nam và Công ty AstraZeneca tổ chức hội thảo khoa học Quản lý hen- thách thức và giải pháp, có sự tham dự của hơn 100 cán bộ y tế đang công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh.
Sau phần phát biểu khai mạc của BS.Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh, hội thảo đã được nghe các báo cáo khoa học có nội dung phong phú, vừa có tính cập nhật cao các kiến thức y học mới vừa có tính thực hành thiết thực.
PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan trình bày chuyên đề “Kinh nghiệm quản lý hen ngoại trú theo Gina”.
Tại hội thảo, PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan- Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM trình bày chuyên đề “Kinh nghiệm quản lý hen ngoại trú theo Gina”, bao gồm các nội dung: Giáo dục bệnh nhân hen trở thành người đồng hành với bác sỹ trong quản lý hen; đánh giá và theo dõi mức độ nặng của bệnh hen bằng cả triệu chứng lâm sàng và chức năng hô hấp; tránh tiếp xúc các yếu tố nguy cơ; thiết lập kế hoạch điều trị thuốc để quản lý lâu dài bệnh hen cho riêng từng người bệnh trẻ em, người lớn; thiết lập chế độ điều trị cho từng bệnh nhân để tự quản lý hen tại nhà; theo dõi diễn tiến đều đặn.
Các chuyên đề tiếp theo trình bày tại hội thảo gồm “Liệu pháp Smart trong điều trị bệnh hen” và “Tình hình COPD và hen phế quản tại BVĐK Tây Ninh” do Ths.Bs Lương Thị Thuận- Phó Giám đốc Bệnh viện Lao & bệnh phổi Tây Ninh và Ths.Bs Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc BVĐK Tây Ninh là báo cáo viên cũng đã cung cấp đến đại biểu những kinh nghiệm, kiến thức trong điều trị hen.
Thăm dò chức năng hô hấp ở bệnh nhân-Ảnh minh hoạ
Hen hay còn gọi là suyễn thường là một bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp phổ biến trên thế giới, có xu hướng ngày càng gia tăng, tỷ lệ tử vong cao. Khi đường thở bị viêm, nó trở nên sưng phù và dễ bị co thắt khi gặp chất kích thích, làm cho người bệnh xuất hiện các triệu chứng như ho, nặng ngực, khò khè và khó thở.
Dấu hiệu thường gặp của bệnh hen gồm ho khan, kết thúc ho có khạc đờm trắng, dính; khò khè (thở rít, cò cứ); khó thở (thở ngắn, khó thở ra); nặng ngực (tức ngực).
Khác với các bệnh nhiễm trùng hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi hay lao có thể lây từ người này sang người khác, hen/suyễn không phải là bệnh lây nhiễm. Do vậy những người tiếp xúc với bệnh nhân hen/suyễn không có nguy cơ mắc bệnh này. Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và đem lại cho người bệnh cuộc sống tốt đẹp hơn.
Y.K