Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Người đứng đầu Trường ĐHSP Hà Nội khẳng định, đổi mới, cải thiện chất lượng giáo dục phải được bắt đầu từ đội ngũ cán bộ quản lý.
Ngày 6.8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 – 2019 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019 – 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Thị Lệ cùng đại diện các ban, ngành liên quan.
Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các sở, ban ngành dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Sau phần báo cáo của Bộ GD&ĐT, phát biểu ý kiến, ông Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội bình luận, công tác quản lý lỗi thời chính là vòng kim cô hạn chế sự sáng tạo của giáo viên. Do đó, việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý phải diễn ra đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ.
Đối với đào tạo giáo viên mới, muốn có chất lượng thì đòi hỏi từ nhiều phía, gồm cơ sở đào tạo, tức trường sư phạm và người học. “Nếu chúng ta có tất cả điều kiện từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên nhưng nếu chất lượng đầu vào thấp thì khó có thể có được những giáo viên tốt cho tương lai”- ông Minh nói.
“Tương lai của đất nước, của mọi người, mọi nhà đều phụ thuộc vào công cuộc trồng người. Giáo dục đang đổi mới. Mọi sự đổi mới của giáo dục đều thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, nhiều khi ý kiến trái ngược nhau nhưng đều có lý cả” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu.
Phó Thủ tướng lưu ý, đổi mới trong giáo dục cần một lộ trình và mất rất nhiều thời gian chứ không phải cho ra ngay kết quả trong một thời hạn nhất định. “Xây một ngôi nhà, một cây cầu cùng lắm chỉ vài ba năm nhưng riêng việc thay sách giáo khoa cho cả bậc học phổ thông đã mất 11 năm”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu dẫn chứng.
Trong giờ học ở một trường phổ thông- Ảnh minh hoạ
Nói về kỳ thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, không thể có một kỳ thi nào hoàn hảo 100%, do đó, không nên lấy hiện tượng để suy diễn đó là bản chất câu chuyện.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, đổi mới giáo dục là đúng, rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn, đó là làm chứ không phải “chỉ nói chay, nói suông”.
Sau khi biểu dương những thành tựu của ngành sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần nhìn thẳng, đánh giá đúng những hạn chế để từ đó có giải pháp tháo gỡ.
Học sinh Trường mầm non Ngôi Sao Xanh (trường ngoài công lập ở TP.Tây Ninh) - Ảnh minh hoạ
Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, hiện nay nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc bố trí quỹ đất để xây trường mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. “Có miếng đất nào đẹp lo làm đô thị, làm nhà cao tầng hết, thiếu trường mầm non nên công nhân đi làm vất vả vì phải gửi con ở xa. Tôi yêu cầu các địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để xây trường mầm non” – Thủ tướng nói.
Nhân tổng kết năm học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định tặng cờ thi đua của Bộ cho 7 cơ sở giáo dục có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2018 – 2019. Theo danh sách đó, có 7 Sở GD&ĐT được tặng danh hiệu nêu trên, gồm: Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Khánh Hòa, Đổng Tháp, Cần Thơ và Tây Ninh.
Với riêng Tây Ninh, đây là lần thứ 3 liên tiếp, Sở GD&ĐT được Bộ tặng cờ thi đua dành cho đơn vị xuất sắc.
Đ.V.T