Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quan tâm đầu tư để phát triển nông nghiệp bền vững
Thứ tư: 01:05 ngày 21/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cần có hệ thống các giải pháp tổng thể, từ xây dựng chính sách điều hành đến các biện pháp về kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để tăng năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm xanh đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Một hệ thống thuỷ lợi được nâng cấp, sửa chữa, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, trong các buổi tiếp xúc đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cử tri Tây Ninh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quan tâm đến quy hoạch nông nghiệp, đầu ra nông sản và giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao... tạo động lực chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo chuỗi sản phẩm, phát triển mạnh nông nghiệp hàng hoá.

Ổn định thị trường vật tư nông nghiệp, phục vụ sản xuất

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh nông sản gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ thu hẹp, giá cả bấp bênh. Trong khi đó, các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng đầu ra, giá cả mặt hàng vật tư nông nghiệp có xu hướng tăng.

Hiện nay, giá vật tư nông nghiệp không ổn định. Giá nguyên liệu sản xuất cùng với chi phí vận chuyển tăng, trong khi nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu, dẫn đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... đồng loạt tăng giá, gây khó khăn cho người nông dân.

So với cách nay khoảng 1 tháng, giá nhiều loại phân bón như Urê, Dap, Kali… tăng thêm 20.000-50.000 đồng/bao (50kg) và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Hiện phân urê Phú Mỹ có giá 580.000-590.000 đồng/bao, mức giá này đã tăng ít nhất từ 260.000-280.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020 và cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Thị Cẩm, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thị xã Hoà Thành cho biết, bên cạnh giá các loại phân bón tăng gây khó khăn cho nông dân, thì việc lấy hàng cũng gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều đầu mối kinh doanh báo không có sẵn nguồn hàng số lượng lớn để giao cho cửa hàng bán lẻ.

Theo ông Huỳnh Văn Út, ngụ xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành, chưa bao giờ giá phân bón lại tăng cao như năm nay. Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá nhiều loại phân urê tăng gần gấp đôi và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nông dân thường mua thiếu phân bón, đến cuối vụ mới thanh toán nên phải chịu thêm khoản tiền lãi vài chục ngàn đồng trên mỗi bao phân bón. Bên cạnh đó, giá thuê mướn nhân công và nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất tăng, nhất là gần đây giá xăng dầu liên tục nhích lên, còn giá lúa lại giảm, nông dân khó có lãi.

Ðể có giải pháp bình ổn giá phân bón và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng, ngành NN&PTNT khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu nhằm hạ giá thành sản xuất; tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ các mặt hàng vật tư nông nghiệp.

Ngành chức năng sẽ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất về điều kiện kinh doanh và chất lượng sản phẩm hàng hoá tại các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường, góp phần ổn định thị trường vật tư nông nghiệp, phục vụ sản xuất.

Nuôi ong thụ phấn cho dưa lưới.

Phát triển cơ sở hạ tầng, kênh mương nội đồng

Xác định nước tưới là yếu tố quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nên việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đầu tư nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hoá, nạo vét, phát cỏ, vớt rong các tuyến kênh với kinh phí 129,921 tỷ đồng; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện 34 dự án kênh tiêu với tổng kinh phí 41,718 tỷ đồng.

Các công trình thuỷ lợi được nâng cấp, sửa chữa thời gian qua đều phát huy hiệu quả sau đầu tư, phục vụ đắc lực cho công tác bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai; đồng thời bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân quanh khu vực.

Ðại diện HTX dịch vụ nông nghiệp An Thạnh (huyện Bến Cầu) cho biết, việc triển khai đầu tư các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các xã viên HTX trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây, việc thiếu nước tưới tiêu diễn ra thường xuyên, dẫn đến năng suất không ổn định; hiện nay, các cánh đồng lớn của địa phương có hệ thống giao thông, kênh dẫn nước tưới tiêu đến tận ruộng, nông dân rất phấn khởi.

Ðể đồng bộ, kết nối kênh thuỷ lợi nội đồng có diện tích tưới nhỏ hơn 50 ha với công trình thuỷ lợi, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bê tông hoá 230 kênh và công trình trên kênh với tổng chiều dài 70.300m, diện tích tưới thiết kế là 4.871 ha với kinh phí dự kiến 93,42 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 2 đê bao nhỏ có diện tích bảo vệ là 540 ha với tổng kinh phí đầu tư 28,361 tỷ đồng.

Ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định chính sách hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng, ứng dụng tiến độ khoa học công nghệ, góp phần hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi từ đầu mối đến mặt ruộng, kết nối đồng bộ, nâng cao năng lực quản lý nhằm phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi.

Người dân xử lý đất để trồng dưa lưới trong nhà màng.

Thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao để phát triển nông nghiệp bền vững

Hiện nay, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm nông nghiệp phát triển bền vững.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được hình thành, như: mô hình sản xuất rau, dưa lê, dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới…; mô hình chăn nuôi trang trại lạnh, khép kín có quy mô lớn, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại theo phương pháp hiện đại, khép kín toàn phần, công nghệ châu Âu.

Mô hình nuôi trồng thuỷ sản đem lại hiệu quả như: nuôi ba ba (các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu); nuôi cá tra thâm canh, xuất khẩu (thị xã Trảng Bàng); nuôi cá lóc đen, lóc bông (huyện Dương Minh Châu). Hình thành vài khu vực nuôi tập trung thâm canh, sản lượng cao, đặc biệt là vùng nuôi cá tra gắn với nhà máy chế biến có diện tích vùng nuôi 31 ha, đưa vào chế biến xuất khẩu khoảng 4.000 tấn/năm, làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao chất lượng hàng hoá. Ðiển hình như Công ty cổ phần Nafoods Group triển khai xây dựng đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu, đề xuất thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh đang xúc tiến dự án đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để đầu tư thuỷ lợi, giao thông vùng sản xuất kết nối với giao thông bên ngoài.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục