Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quản trị nhân lực khu vực công: Cần sự thay đổi trong tư duy xây dựng chính sách, quản lý và sử dụng
Thứ sáu: 00:26 ngày 30/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để thu hút và “giữ chân” cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có năng lực công tác trong các cơ quan nhà nước, cần có sự thay đổi trong tư duy xây dựng chính sách, công tác quản lý và sử dụng nhân lực.

Giáo viên mầm non phải làm việc với áp lực lớn nhưng có mức lương thấp (ảnh chụp tại Trường mầm non Xa Mát, xã Tân Lập, huyện Tân Biên)

Trong nền kinh tế thị trường, sự dịch chuyển, cạnh tranh nguồn lao động giữa khu vực công và khu vực tư nhân là tất yếu của thị trường lao động. Để thu hút và “giữ chân” cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có năng lực công tác trong các cơ quan nhà nước, cần có sự thay đổi trong tư duy xây dựng chính sách, công tác quản lý và sử dụng nhân lực.

Lương thấp, khó chuyên tâm công việc

“Năm 2012, tôi trở thành công chức cấp xã, phụ trách mảng thống kê, công tác cán bộ, nội vụ, thi đua khen thưởng, các hoạt động của Hội đồng nhân dân xã và một số công việc đột xuất khác được lãnh đạo giao. Tuy nhiên, ngoài công việc chuyên môn, công việc đột xuất hiện tại quá nhiều, thường xuyên bị quá tải, tôi phải ôm hồ sơ về làm việc ngoài giờ. Sau 10 năm công tác, mức lương của tôi là 5.730.000 đồng/tháng, đã bao gồm phụ cấp công vụ 25%. Mức lương này thực sự chưa đủ để tôi chăm lo tốt cho cuộc sống gia đình và với quỹ thời gian dành cho công việc như vậy, tôi cũng không còn thời gian làm thêm bất cứ việc gì để cải thiện thu nhập”.

Đó là chia sẻ của một công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài công chức trên, chúng tôi cũng khảo sát ý kiến của một công chức đang là lãnh đạo của một ban thuộc khối Đảng cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Công chức này cho biết: “Tôi được biên chế chính thức từ năm 2008. Hiện nay, tổng thu nhập sau khi trừ bảo hiểm là 8,1 triệu đồng, đã bao gồm 55% phụ cấp công vụ và khối Đảng. Nếu không có các khoản phụ cấp thì lương chỉ khoảng trên dưới 5 triệu đồng. Với mức thu nhập như trên, vợ chồng tôi phải chi tiêu “gói ghém” lắm mới nuôi nổi một con nhỏ. Trong bối cảnh tinh giản biên chế như hiện nay, người làm việc không tăng nhưng khối lượng công việc ngày càng nhiều, công chức hầu hết bị quá tải công việc. Lương thấp, cán bộ, công chức khó có thể tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ, trừ những người có điều kiện kinh tế khá giả”.

Thực tế trên cho thấy, việc được trả mức lương tương xứng với công sức lao động là mong mỏi của tất cả người lao động, trong đó có đội ngũ CBCCVC đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Tiền lương, chế độ đãi ngộ ít nhất phải bảo đảm được mức sống trung bình khá trở lên so với mặt bằng chung của xã hội thì CBCCVC mới yên tâm cống hiến, chuyên tâm vào công việc. Bên cạnh đó, môi trường làm việc, sự công tâm của lãnh đạo trong sắp xếp, bố trí công việc; sự minh bạch trong đánh giá, ghi nhận thành tựu công việc, khả năng thăng tiến trong công việc là những yếu tố quan trọng để CBCCVC gắn bó lâu dài với cơ quan.

Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát

Xu hướng tất yếu của thị trường lao động

Chưa nghiêm trọng đến mức có thể gọi là “làn sóng” dịch chuyển nhân lực từ khu vực công sang tư nhân, nhưng tình trạng CBCCVC nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tư pháp trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp và không nhỏ đến chất lượng hoạt động chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị có nhiều CBCCVC nghỉ việc, rộng hơn là tác động đến hoạt động của ngành, lĩnh vực do thiếu nhân lực.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh đang thiếu gần 1.200 giáo viên, tỷ lệ giáo viên thiếu ở các cấp học là 10,2%, thiếu nhiều nhất là cấp học mầm non. Việc tuyển dụng viên chức mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nguồn tuyển; chế độ tiền lương của giáo viên thấp. Đặc biệt, đối với giáo viên mầm non lại càng khó khăn, hệ số tiền lương của một giáo viên mầm non tốt nghiệp hệ cao đẳng sau khi tuyển dụng là 2,1, tiền lương thực lãnh khoảng trên 3 triệu đồng/tháng sau khi cộng thêm phụ cấp và đóng bảo hiểm xã hội, trong khi đó, thời gian ở trường là trên 10 giờ/ngày. Với mức lương trong các trường công èo uột và áp lực công việc lớn, một số giáo viên ngay khi vừa tốt nghiệp ra trường đã tìm việc làm khác hoặc tham gia dạy học ở các đơn vị tư thục.

Trong lĩnh vực y tế, sau thời gian dài căng thẳng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, số nhân viên y tế trong các bệnh viện, đơn vị y tế công lập nghỉ việc gia tăng. Thống kê của Sở Y tế, năm 2021, toàn tỉnh có 26 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên nghỉ việc, 14 người bỏ việc. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, có 36 người nghỉ việc, bỏ việc tại các cơ sở y tế công lập; ngoài ra, vẫn còn một số bác sĩ xin thôi việc hoặc đang trong quá trình giải quyết, gây khó khăn rất lớn cho hoạt động chuyên môn của ngành.

Còn đối với ngành Toà án, từ năm 2018 đến nay, Toà án nhân dân (TAND) hai cấp trên địa bàn tỉnh có 27 người xin nghỉ việc, 8 người chuyển công tác, hầu hết các TAND đều thiếu biên chế so với chỉ tiêu phân bổ, nhất là biên chế thẩm phán, thư ký viên Toà án. Theo TAND tỉnh, bình quân một thẩm phán được phân công giải quyết 9,71 vụ, việc/tháng; ngoài ra còn phải kiêm nhiệm công tác văn phòng, báo cáo thống kê, hỗ trợ công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án. Tại TAND cấp huyện, một thư ký viên phải làm việc phục vụ cho 2-3 thẩm phán và phải giúp việc, phục vụ công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án, nhiệm vụ văn phòng, hoặc kiêm nhiệm công tác công nghệ thông tin...

Trong số những người xin nghỉ việc thời gian qua, có người đã tìm việc ở lĩnh vực khác, cũng có người chuyển sang làm việc ở các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân có cùng chuyên môn. Sự chuyển dịch lao động từ khối cơ quan nhà nước sang khu vực tư nhân là xu hướng tất yếu của thị trường lao động. Xu hướng này cũng cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của một bộ phận CBCCVC về sự ổn định của hai từ “biên chế”- vốn dĩ được xã hội đề cao, coi trọng. Bởi, dù làm việc trong các cơ quan nhà nước hay đơn vị tư nhân thì họ vẫn đóng góp sức lao động, trí tuệ, vì sự phát triển của bản thân và xã hội.

Nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực khu vực công

Trong nền kinh tế tế thị trường, sự cạnh tranh bình đẳng giữa nguồn nhân lực khu vực công và tư giúp người lao động ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn nơi mình muốn gắn bó lâu dài để làm việc, phát triển. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan nhà nước cần có sự thay đổi trong tư duy xây dựng chính sách, công tác quản lý và dùng người. Đồng thời, phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực khu vực công, nhất là thu hút và “giữ chân” những người có năng lực.

Mới đây, trong văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố về việc khắc phục tình trạng CBCCVC nghỉ việc, thôi việc, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ CBCCVC, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là ở cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ CBCCVC. Bộ Nội vụ cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với CBCCVC có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức công việc, tạo niềm tin, khuyến khích CBCCVC làm việc. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương vào thời điểm phù hợp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị; tham mưu, đề xuất chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công.

Đối với Tây Ninh, ngày 22.9 vừa qua, UBND tỉnh quyết định ban hành “Đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án đánh giá thực trạng, các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC trong hệ thống chính trị có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, năng lực quản lý, thực thi công vụ gắn với chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, vừa xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm chất lượng, đủ số lượng. Tổng kinh phí thực hiện đề án đến năm 2025 là trên 93,4 tỷ đồng, được sử dụng để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC của tỉnh, thu hút nhân tài. Đồng thời ban hành chế độ, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển dụng của lĩnh vực y tế, giáo dục; tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm cải cách chính sách, tiền lương để nâng cao đời sống cho CBCCVC là động lực để công tác và cống hiến.

PHƯƠNG THUÝ

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh