Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quán triệt Nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới
Thứ sáu: 16:50 ngày 10/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 10.5, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với hơn 4.300 điểm cầu quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Minh Khái- Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Dự tại điểm cầu tỉnh có ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ; ông Võ Đức Trong- Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh.

Hội nghị được tỉnh Tây Ninh kết nối trực tuyến từ Trung ương đến 48 điểm cầu với trên 1.700 đại biểu dự.   Ông Nguyễn Đức Hiển- Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết 41-NQ/TW xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Nghị quyết đặt mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Nghị quyết 41-NQ/TW đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu trên. Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Thứ 2, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Thứ 3, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Thứ 4, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thứ 5, tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thứ 6, phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Thứ 7, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Để phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Trung ương sẽ ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Đặc biệt, lần đầu tiên nghị quyết của Đảng sử dụng cụm từ “doanh nghiệp dân tộc” với định hướng phát triển những doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ, có vai trò tiên phong, dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày 9.5.2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nội dung chương trình hành động của Chính phủ và chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI về thực hiện Nghị quyết số 41 đã được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đảng đoàn VCCI trình bày tại hội nghị.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VOV

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp uỷ, ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết; đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cấp uỷ các cấp, ngành Tuyên giáo các cấp tăng cường tuyên truyền Nghị quyết 41 qua báo chí và hệ thống thông tin tuyên truyền của ngành để cán bộ, đảng viên, người dân, cộng đồng doanh nhân hiểu và tham gia thực hiện nghị quyết. Đặc biệt là, tuyên truyền để đội ngũ doanh nhân hiểu rõ vai trò, sứ mệnh của mình trong xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng văn hoá và đạo đức kinh doanh; nêu cao trách nhiệm xã hội; ý thức rõ những tác động, hậu quả của tham nhũng, tiêu cực, từ đó chủ động thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sản xuất kinh doanh.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65% - 70% GDP cả nước, khoảng 32% - 38% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng doanh nghiệp đạt khoảng 10%.

Khoảng 65%-70% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên.

Khoảng 20%-25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 30-35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ.

Có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hoá thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhận trước thuế trên 100 triệu USD.

Số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm.

Có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ trên thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

(Theo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW)

Phương Thuý - Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục