Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV
Thứ ba: 16:53 ngày 30/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 30.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh.

Hội nghị do Chính phủ phối hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, lãnh đạo Uỷ ban MTTQVN tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh.

Báo cáo dẫn đề về triển khai thi hành một số luật, nghị quyết được Quốc hội khoá XV thông qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề pháp luật; Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 60 luật, nghị quyết quy phạm; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khoảng 470 nghị định, quyết định quy phạm.

Đối với 36 luật, nghị quyết có hiệu lực từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 125 văn bản quy định chi tiết được ban hành. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn, quan trọng ngay từ khâu soạn thảo, tạo thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến, tăng cường đồng thuận xã hội; chú trọng đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tại các kỳ họp, Quốc hội khoá XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết, trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng như Luật Đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ...; các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ).

Riêng tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2024), Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật, xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác và đa số là do Chính phủ trình. Các nội dung được xem xét, quyết định thuộc nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, giải quyết căn cơ những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Trong số các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, có 11 luật và 12 nghị quyết là các văn bản có ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phúc đáp yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại hội nghị, bên cạnh phần trình bày của các bộ, ngành về các dự án Luật quan trọng vừa được Quốc hội khoá XV thông qua; Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo những nội dung cơ bản và yêu cầu tổ chức thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được Chính phủ xác định là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm, thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng đến hoàn thiện thế chế, tổ chức thi hành. Chính phủ xác định đầu tư cho công tác xây dựng thể chế chính là đầu tư cho phát triển, giúp khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.

Đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh.

Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng luật đã khó, đưa luật đi vào cuộc sống còn khó khăn hơn và phải gắn với tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Việc xây dựng thể chế trong thời gian tới cũng cần quan tâm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi nhất là liên quan tới những động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng chỉ đạo thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong thời gian tới, khắc phục tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai các luật, nghị quyết, ban hành văn bản quy định chi tiết; tăng cường sự phối hợp, nâng cao chất lượng triển khai xây dựng thể chế, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục