Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quan trọng là giải trình chứ không phải hứa lấy được trước Quốc hội
Thứ bảy: 20:22 ngày 09/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng việc quan trọng là các thành viên Chính phủ phải giải trình chứ không phải cứ hứa lấy được trước Quốc hội.

Ba ngày chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã trôi qua. 1001 vấn đề đã được đưa ra chất vấn. Được chất vấn là nhiều vấn đề mới. Tuy nhiên, công bằng mà nói, những vấn đề cũ, thậm chí rất cũ là không hề ít. Vấn đề được mùa mất giá, chẳng hạn, là không hề mới. Vấn đề hàng giả, hàng lậu cũng cũ như Trái Đất…

Thế thì nghĩa lý của hoạt động chất vấn là gì? Chất vấn mãi mà vấn đề vấn không giải quyết được, thì ai phải chịu trách nhiệm?

Về mặt nghĩa lý, chất vấn là một cách thức để vận hành thể chế.

Trong mô hình tổng thống chế như ở Mỹ và ở Philippines chẳng hạn, tổng thống và quốc hội đều do nhân dân trực tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tổng thống không chịu trách nhiệm trước quốc hội, nên quốc hội không có quyền chất vấn tổng thống.

Description: Quan trong la giai trinh chu khong phai hua lay duoc truoc Quoc hoi hinh anh 1

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng việc quan trọng là các thành viên Chính phủ phải giải trình chứ không phải cứ hứa lấy được trước Quốc hội.

Trong mô hình thủ tướng chế (còn gọi là mô hình đại nghị) như ở Anh và ở Nhật chẳng hạn, chỉ có quốc hội là do nhân dân bầu ra. Đến lượt mình, quốc hội mới bầu ra chính phủ.

Trong mô hình này, chính phủ chịu trách nhiệm trước quốc hội, còn quốc hội thì chịu trách nhiệm trước nhân dân. Do chính phủ phải chịu trách nhiệm trước quốc hội, nên quốc hội có quyền chất vấn chính phủ.

Ở nước ta, giống như trong mô hình thủ tướng chế, Chính phủ do Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chính vì vậy,  Quốc hội có quyền chất vấn Chính phủ. Đây cũng chính là nghĩa lý căn bản nhất của hoạt động chất vấn.

Description: Quan trong la giai trinh chu khong phai hua lay duoc truoc Quoc hoi hinh anh 2

"Giải trình được, các quan chức có liên quan sẽ tiếp tục giữ được sự tín nhiệm của Quốc hội, không giải trình được, sẽ đánh mất sự tín nhiệm này".

TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Vậy, Quốc hội chất vấn Chính phủ để làm gì? Chất vấn là để Thủ tướng, các thành viên Chính phủ có cơ hội giải trình. Giải trình được, các quan chức có liên quan sẽ tiếp tục giữ được sự tín nhiệm của Quốc hội, không giải trình được, sẽ đánh mất sự tín nhiệm này.

Không còn sự tín nhiệm của Quốc hội, một thành viên của Chính phủ, thậm chí toàn bộ Chính phủ sẽ phải từ chức.

Như vậy, quan trọng là giải trình được với Quốc hội, hơn là hứa lấy được với Quốc hội.

Ví dụ, vấn đề được mùa mất giá chắc chắn sẽ còn tái diễn dài dài, khi quy luật cung cầu của kinh tế thị trường còn chưa thôi tác động. Thế thì, giải trình tại sao các phản ứng chính sách đã được đề ra là hợp lý và tối ưu quan trọng hơn lời hứa đình chỉ tác động của quy luật cung cầu. Và đây là việc mà có vẻ như, Thủ tướng và các Bộ trưởng có liên quan đã làm khá thành công tại các phiên chất vấn vừa qua.

Chất vấn sẽ dẫn đến việc tín nhiệm hay không tín nhiệm hơn là để giải quyết ngay các vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi chế độ trách nhiệm được bảo đảm, thì Chính phủ và các cơ quan hữu quan sẽ giải quyết tích cực và hiệu quả những vấn đề đang được đặt ra.

Cuối cùng, chất vấn còn là cơ hội để các vị đại biểu cảnh báo cho Chính phủ và các bộ trưởng về một vấn đề đang phát sinh.

Quả thật, nếu không có hoạt động chất vấn, thì tính hình thức, sự lãng phí vô cùng, vô tận do những đòi hỏi về chứng chỉ, về học hành, thi cử đối với cán bộ, công chức gây ra không biết đến bao giờ mới được nhận biết.  Không được nhận biết thì không biết đến bao giời mới được xử lý.

Có vẻ như nhớ cho hết các vấn đề đã được chất vấn và trả lời chất vấn còn khó, thì làm sao có thể phản ứng một cách hiệu quả đối với tất cả các vấn đề đó.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Tin cùng chuyên mục