Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bộ trưởng đánh giá rất cao trong thời gian qua các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, chiều 18.3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Trước đó, sáng cùng ngày, đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự phiên chất vấn có các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh: Phạm Hùng Thái, Hoàng Thị Thanh Thuý, Trần Hữu Hậu, Huỳnh Thanh Phương cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh.
Đây là lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được lựa chọn để chất vấn. Nội dung chất vấn gồm các nhóm vấn đề sau:
Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Thực trạng việc triển khai các thoả thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hoá xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo.
Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch.
Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành Ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu về nhóm vấn đề chất vấn.
Du lịch Việt Nam - điểm đến an toàn
Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu về việc thu hút du lịch khách quốc tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, du khách quốc tế coi Việt Nam là một điểm đến an toàn. Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp với bộ, ngành khác tiếp tục đơn giản hoá thủ tục xuất nhập cảnh đối với du khách quốc tế.
“Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ thăm Úc, họ đánh giá cao chính sách visa du lịch của nước ta. Hiện nay, Việt Nam đã có quy định miễn thị thực song phương đối với 28 nước”- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Việt Nam hiện có 25 tỉnh tiếp giáp với ba nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, việc phân định biên giới cắm mốc với các nước láng giềng không chỉ bảo đảm an ninh quốc phòng, điều này còn thúc đẩy ngoại giao kinh tế.
Ngoài ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá góp phần quan trọng thúc đẩy giao lưu văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá của thế giới, quảng báo, giao lưu văn hoá giữa Việt Nam với quốc tế. “Tổng Bí thư uống trà với lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng uống cà phê với lãnh đạo Belarus chính là giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam thân thiện, cởi mở”- Bộ trưởng bình luận.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nêu, nhiều giảng viên đại học, du học sinh đi học ở nước ngoài để nâng cao trình độ nhưng học xong không về. Trách nhiệm của các đại sứ quán Việt Nam ở ngoài như thế nào, làm sao để có thể chế tài những trường hợp được cử đi học nhưng đi luôn? Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin, số lượng học sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài tăng rất nhanh.
“Du học sinh học xong cũng muốn về nhưng cũng có những tâm tư. Vừa rồi lãnh đạo Chính phủ thăm nước ngoài, gặp mặt du học sinh và có nói rằng, số du học sinh này, nếu chưa về nước, việc ở lại cũng góp phần làm cầu nối ngoại giao giữa nước ta với nước bạn sau này”- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ với đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị làm rõ vai trò của ngoại giao văn hoá trong giao lưu, hợp tác quốc tế. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, ngoại giao văn hoá đang được quảng bá rất mạnh, xây dựng hình ảnh “Việt Nam đất nước con người” ra nước ngoài.
Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất, trong đó có Uỷ ban Di sản thế giới. Đây là cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hoá.
Ở cấp độ quốc gia, hoạt động ngoại giao văn hoá cũng giúp tạo dấu ấn rất quan trọng thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của chúng ta thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hoá.
Bộ trưởng đánh giá rất cao trong thời gian qua các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Đối với ngoại giao giáo dục, chỉ riêng tại Úc, Việt Nam đang có ba mươi ngàn học sinh theo học. Hiện tại, Việt Nam có tổng cộng hơn 6 triệu kiều bào ở nước ngoài, trong đó có khoảng 600 ngàn trí thức, người có trình độ cao. Về kinh tế, tổng kiều hối kiều bào gửi về từ trước đến nay tổng cộng khoảng 200 tỷ USD, bình quân mỗi năm khoảng 17 tỷ USD.
Không có chuyện việc nhẹ lương cao
Việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài như thế nào, đặc biệt ở khu vực có xung đột vũ trang- đại biểu hỏi. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, xung đột đang xảy ra nhiều nơi trên thế giới, tình hình diễn biến nhanh, rất khó dự báo.
Ví dụ xung đột Nga - Ukraine, đã có khoảng bảy ngàn người Việt Nam được sơ tán đến nơi an toàn. Tại Trung Đông, khi cuộc xung đột Hamas - Israel bùng nổ, 700 người Việt Nam đang học tập, sinh sống tại Israel được sơ tán đến nơi an toàn.
Từ sau đại dịch Covid-19, giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai mạnh mẽ. Năm 2022, có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam ra nước ngoài. Nhưng năm 2023 lên đến hơn 10 triệu lượt người ra nước ngoài lao động và học tập. Số du học sinh của ta quay trở lại học ở các nước tăng lên nhanh. Trong bối cảnh đó, xảy ra một số vi phạm pháp luật ở các nước, ảnh hưởng đến hợp tác của nước ta với các đối tác.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị Bộ Ngoại giao tìm giải pháp căn cơ, hỗ trợ xuất khẩu nông sản, không phải khi có chuyện mới “giải cứu”. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, cơ quan Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển thông thôn tham mưu Chính phủ về sản xuất nông nghiệp sạch, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của nước ngoài, “kể cả sản xuất gỗ, đánh bắt cá cũng phải tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, có như thế mới được lâu dài, căn cơ”- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời.
Trả lời câu hỏi về vấn đề lừa đảo cưỡng bức lao động, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, tình trạng này diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước.
Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật. “Không có chuyện việc nhẹ lương cao ở nước ngoài”- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảnh báo.
Việt Đông