Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sau giải châu Á 2022, tiền vệ Dụng Quang Nho khẳng định lứa U23 Việt Nam này sở hữu sức mạnh tập thể và không hề thua kém các đàn anh.
Sau SEA Games 31, nhiều người hoài nghi về năng lực của U23 Việt Nam ở giải châu Á 2022 bởi 3 cầu thủ quá tuổi là Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Tiến Linh không còn góp mặt. Vì thế, thành tích vào vòng tứ kết của thầy trò HLV Gong Oh-kyun là điều bất ngờ với nhiều cổ động viên.
Zing có cuộc chia sẻ với tiền vệ Dụng Quang Nho và nghe anh nói thêm về U23 Việt Nam.
Điều còn thiếu của U23 Việt Nam
- Chào Nho, cảm ơn bạn đã trả lời phỏng vấn và xin được chúc mừng bạn vì những thành công trong năm qua. Đầu tiên, bạn có cảm giác gì sau khi vòng chung kết U23 châu Á 2022 kết thúc?
- Trước giải, CĐV không tin tưởng lắm vào U23 Việt Nam. Dưới thời HLV Park Hang-seo, chúng tôi chơi dưới sức. Nhưng ở giải lần này, chúng tôi có tâm lý thoải mái hơn sau khi giành huy chương vàng SEA Games 31. Chúng tôi tự tin chơi bóng trước bất cứ đối thủ nào.
- Vậy điểm khác biệt giữa U23 Việt Nam ở SEA Games và vòng chung kết châu Á 2022 là gì?
- Chúng tôi có sự khác biệt về cách tiếp cận trận đấu. Thầy Park áp dụng chiến thuật 3-5-2 còn với thầy Gong là 4-3-3. Mỗi chiến thuật mỗi khác, có điểm mạnh điểm yếu riêng. Tôi thấy chiến thuật mới của thầy Gong khá hay khi chúng tôi đủ khả năng chơi áp đặt.
Tôi cảm thấy bản thân mình hợp với 4-3-3 hơn. Ở giải vô địch Đông Nam Á 2022 tại Campuchia, tôi đã chơi trong đội hình này nên cảm thấy quen thuộc. Chiến thuật của thầy Gong cũng khá phù hợp với nhiều cầu thủ U23 Việt Nam.
U23 Việt Nam thời HLV Gong Oh-kyun có sự biến hóa nhờ các cầu thủ đa năng như Nhâm Mạnh Dũng (ảnh), Lương Duy Cương, Vũ Tiến Long, Lê Văn Đô... Ảnh: Nhân Văn.
- HLV Đinh Thế Nam xếp bạn chơi ở vị trí tiền vệ công trong sơ đồ 4-3-3. Thời HLV Gong, bạn được đá dạt cánh cũng ở sơ đồ đó. Bạn nghĩ đâu là sự khác biệt?
- Thầy Nam và thầy Gong đều muốn chơi tấn công. Tuy nhiên, họ cũng có sự khác biệt. Trong khi thầy Nam thường xếp cố định một vị trí thì thầy Gong luôn tạo ra sự đa dạng trong cách sắp xếp. Mỗi cầu thủ có thể thi đấu ở nhiều vị trí. Ví dụ, tôi và Huỳnh Công Đến đều có thể chơi ở trung tâm hàng tiền vệ hoặc dạt biên.
Đây là cách để đối phương không bắt bài được U23 Việt Nam và các cầu thủ thường không biết mình sẽ chơi ở vị trí nào trước trận đấu.
- Như vậy, sự biến hóa, đa dạng chính là vũ khí bí mật của U23 Việt Nam. Vậy nếu so sánh với các lứa U23 năm 2018, 2020, các bạn có điều điểm mạnh, điểm yếu nào?
- Mỗi lứa có đặc điểm khác nhau nên khá khó so sánh chi tiết. Các lứa U23 trước có anh Công Phượng hay Quang Hải còn chúng tôi có một tập thể mạnh, gắn kết. Chúng tôi không có ngôi sao nổi bật nhưng rất đoàn kết.
Nhìn chung, chúng tôi không thua gì về chuyên môn so với các lứa U23 trước. Điều chúng tôi còn thiếu một chút là những khoảnh khắc ngôi sao mà anh Phượng, anh Hải thường tạo ra.
- Vậy HLV Park và Gong có gì khác nhau hay không?
- Thật khó để so sánh về mặt chuyên môn. Như tôi đã nói, mỗi sơ đồ, triết lý đều có cái hay riêng của nó. Vì thế, tôi chỉ nói thêm một chút về tính cách thầy Gong. Tôi chưa thấy HLV Gong la mắng ai. Thầy chỉ chọc ghẹo, đùa giỡn với chúng tôi. Điều đặc biệt nhất là không ai biết được chiến thuật, nhân sự mà thầy Gong sẽ áp dụng dù biết rõ cách tiếp cận trận đấu mà thầy muốn.
Sau các buổi họp, thầy thường cho chúng tôi xem những video ngắn để khích lệ tinh thần dân tộc của cầu thủ.
Trước đó, khi tập luyện cùng HLV Park cho SEA Games 31, tôi nghe vài bạn nói rằng thầy Gong cũng rất vui vẻ, thoải mái. Thầy luôn muốn tinh thần mọi người hưng phấn. Việc mở nhạc sàn trong lúc tập cũng là nét hay trong cách huấn luyện của thầy Gong. Nó giúp chúng tôi vui vẻ hơn.
Nỗi lo sau thành công
- U23 Việt Nam thành công liên tiếp ở các giải đấu trẻ. Bạn có nghĩ đây là thời cơ tuyệt vời để các CLB ở V.League sử dụng những cầu thủ trẻ nhiều hơn?
- CLB nào cũng muốn đua vô địch. Tôi nghĩ họ đều cần sự cân bằng giữa kinh nghiệm và sức trẻ. Các CLB sẽ có tính toán và phương án sử dụng người khác nhau. Một số CLB sẽ muốn dùng cầu thủ trẻ trong giai đoạn đầu và ngược lại. Nhưng nhìn chung, cầu thủ trẻ cần phải nắm bắt thật tốt cơ hội. Đó là điều quan trọng nhất bởi không có HLV nào tin tưởng một cá nhân hoài được.
Quang Nho thừa nhận rằng đa năng vừa là điểm mạnh, vừa là điểm yếu của mình. Ảnh: Nhân Văn.
- Vậy bạn tự đánh giá cơ hội của mình thế nào?
- Giờ tôi chỉ muốn đá tốt một vị trí. Tôi có thể đảm nhận được nhiều vai trò như tiền vệ trung tâm, tiền vệ trụ, tiền vệ tấn công hay chạy cánh. Đó là lợi thế để được gọi lên đội tuyển nhưng tôi chỉ là phương án dự phòng cho những người giỏi nhất ở vị trí đó. Tôi muốn được đá chính nhiều hơn.
Mình phải thích hợp với chiến thuật của HLV chứ không thể chờ đợi điều ngược lại. Thầy Nghiêm (HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hải Phòng - PV) cũng sử dụng sơ đồ 4-3-3. Tôi khá hợp với sơ đồ này.
Tôi muốn tìm ra một vị trí mình giỏi nhất, thoải mái nhất để phát triển thật tốt. Tôi đặt mục tiêu lên tuyển càng sớm càng tốt. Hy vọng là năm nay. Tôi khát khao được cống hiến cho đội tuyển Việt Nam, cho người hâm mộ.
Bóng đá môn thể thao cạnh tranh. Ai tập luyện tốt sẽ được trao cơ hội. Và tôi sẽ nỗ lực để nắm bắt.
- Điều đó có nghĩa bạn không hợp với sơ đồ 3 hậu vệ của HLV Kiatisuk Senamuang nên phải rời HAGL?
- Tôi không nghĩ thế. HAGL muốn cho tôi thêm cơ hội thi đấu để tích lũy kinh nghiệm còn CLB Hải Phòng cần tôi ở một khía cạnh nào đó. Đó là lý do tôi được đem cho mượn.
- Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện.
Nguồn Zing