Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quanh đồng một ngày nắng
Thứ bảy: 22:06 ngày 06/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một ngày rong ruổi trên những cánh đồng để thấy những nhọc nhằn, chút niềm vui của người nông dân chân chất.

Chị Thoảng làm việc tại vườn mãng cầu.

Những cơn mưa hiếm hoi vừa qua không giúp làm dịu đi cái nóng oi bức những ngày cuối tháng 4. Càng gần mùa mưa, bên cạnh “đặc sản” nắng nóng còn có thêm oi bức khó chịu. Nhưng trên những cánh đồng, nhiều người vẫn đang làm việc cho vụ mùa mới, cho cuộc sống mưu sinh. Một ngày rong ruổi trên những cánh đồng để thấy những nhọc nhằn, chút niềm vui của người nông dân chân chất.

Đồng lúa chờ mưa

Tại cánh đồng mênh mông lúa tại ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, khoảng 10 giờ sáng, chỉ cần đi bộ dọc bờ ruộng thôi đã khiến mồ hôi chảy thành dòng, cái nắng bắt đầu oi bức, ngột ngạt. Theo chân vợ chồng anh Nguyễn Thành Quân, chị Nguyễn Kim Hạnh ra đồng để cảm nhận cái nắng nóng.

Những khoảng ruộng lúa vừa mới được gieo sạ thay cho những đồng bắp giống vàng rộm từ trước tết. Nền đất ruộng xám ẩm ướt nhờ nước kênh tiêu, đôi chỗ còn vương những quả bắp vàng hay những thân cây bị cày nát để bồi dưỡng cho đất.

Là những nông dân siêng năng, sản xuất giỏi tại địa phương, vợ chồng anh Quân được biết đến như những người “tiên phong” mang những giống cây mới như ớt, bắp về sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều bà con học theo. Anh chị cũng không ngại ngần học hỏi những kỹ thuật mới để chia sẻ cùng bà con xóm mình.

Với hàng chục năm kinh nghiệm làm nông, vợ chồng anh Quân có phần tự tin về kỹ thuật canh tác, nhưng với họ vẫn đôi khi gặp khó vì thời tiết. Chị Hạnh cho biết, năm ngoái vụ mùa đang thuận lợi thì gặp mưa nhiều dẫn đến thất bát. Năm nay ít mưa, bà con thu hoạch nông sản thuận lợi hơn.

Những ngày này, tại cánh đồng ấp Xóm Tháp cũng như nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh bị bao phủ bởi cái nắng chói chang, oi bức. Những người nông dân gặp không ít vất vả. Và trong cái khó sẽ có những ứng biến phù hợp.

Anh Quân nói: “Việc làm đồng hiện nay được chuyển sang làm ban đêm, lúc tối trời sẽ mát mẻ, cũng chạy công (hiệu quả)”. Vào vụ lúa thì có phần “thảnh thơi” hơn, vợ chồng anh Quân tranh thủ lúc sáng sớm hay chiều dịu mát để ra ruộng làm cho đỡ mất sức.

Mấy mươi năm gắn bó với nghề nông, từ 1 mẫu đất lúa ba mẹ cho, đến nay, vợ chồng anh Quân đã có 2 mẫu ruộng và 3 mẫu rẫy để sản xuất. Mỗi năm, anh chị trồng lúa, bắp, cao su để có thu nhập chăm lo cho cuộc sống, các con ăn học.

Vừa rảo bước trên bờ ruộng khô, mồ hôi lấm tấm nhưng chị Hạnh đầy niềm vui chia sẻ: “Làm nông vất vả cũng chỉ đủ chăm lo cuộc sống và nuôi hai con ăn học. Được cái là hai đứa con cũng ham học nên vợ chồng tôi mừng lắm”.

Anh Quân trên cánh đồng lúa.

Mưu sinh trong vườn mãng cầu

Hơn 12 giờ trưa, cái nắng đã thấm rát vào da khi chạy trên đường. Giờ này, với nhiều người, được ở trong nhà tận hưởng những giây phút thảnh thơi, mát mẻ là tốt nhất. Nhưng trong vườn mãng cầu bạt ngàn tại ấp Tân Tây, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, nhiều người lại bắt đầu vào “ca” làm việc mới sau giờ cơm trưa. Tiếng cười nói vang vọng sau những tàng cây như góp phần gạt đi cái nắng oi nồng.

Chị Nguyễn Thanh Thoảng, 44 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu từ 5 giờ rưỡi sáng đã vào làm việc, đến giờ chị vẫn đang tiếp tục làm buổi chiều. Đã hơn 10 năm chị Thoảng làm việc này nên dù thời tiết như thế nào chị cũng phải nhận việc để ra đồng. 

Vừa cột nhánh, treo trái mãng cầu, chị Thoảng cho biết dạo gần đây thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng tới công việc. Tầm 11 giờ là trong vườn bắt đầu oi bức, khó chịu rồi. Chị nói: “Các chị em sẽ phải nghỉ thêm thời gian, mua thêm nước để uống, vì vậy tốn tiền hơn bình thường, cũng thấy mệt hơn nữa. Nhưng mình cũng không thể nghỉ nhiều vì như vậy sẽ không chạy việc”.

Mỗi ngày, chị Thoảng được trả công hơn 200 ngàn đồng. Theo chị, dù không đủ chi tiêu cho gia đình nhưng vẫn làm vì đã gắn bó nhiều năm. Ngước nhìn lên trời, chị Thoảng nói rằng đang rất trông mưa để mát mẻ, làm việc hiệu quả hơn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu, 38 tuổi, ngụ ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu cũng làm nghề như chị Thoảng hơn 10 năm. Chị Giàu cho rằng việc tuy có lúc mệt nhưng làm riết thành quen như là yêu nghề nên ngày nào cũng phải đi làm. Khi nào mệt thì mấy chị em cùng nghỉ một lúc rồi lại làm tiếp. Theo chị Giàu, làm cây mãng cầu đỡ hơn làm cỏ vì có tán che mát. Làm mãng cầu việc thường xuyên hơn nên thu nhập cũng ổn.

Chị nói: “Thời tiết nắng nóng cũng bệnh nhưng bệnh nhiều mới nghỉ còn bệnh nhẹ vẫn đi làm. Trời mưa vẫn có thể làm, mưa dầm thì chị em mặc áo mưa để làm việc. Chỉ khi mưa to quá mới nghỉ”. Những ngày này trời muốn chuyển sang mùa mưa nên không khí hơi oi bức. “Thấy nắng quá cũng trông cho trời mưa cho đỡ nóng. Nắng quá cây trái khô héo. Có mưa cây cối, chủ vườn cũng đỡ việc phải tưới như hiện nay, mấy chị em làm công cũng đỡ vất vả”- chị Giàu chia sẻ.

Tránh nắng tại đồng

Tầm 3 giờ chiều, rẽ vào khu vườn của ông Trần Văn Liệt, 72 tuổi, tại ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu như lạc vào một không gian khác, bỏ lại sau lưng những oi nồng, bức bối do nắng.

Xen kẽ giữa vườn cao su, chôm chôm là những ruộng hàng bông như đậu rồng, bầu, bí, đậu que và vườn cây xanh mát của gia đình ông Tư (cách mọi người hay gọi ông Liệt). Ông Tư là nông dân chính hiệu với những suy nghĩ, việc làm chân phương được nhiều người yêu mến. Là một người yêu ruộng rẫy, ông dành nhiều thời gian gắn với ruộng vườn để thoả niềm đam mê. Ông Tư cũng là một người có uy tín trong khu vực, giúp bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực này.

Khi nắng dịu, ông Tư lại ra chăm sóc hàng bông.

Những ngày này, ông Tư đến vườn bằng chiếc xe đạp cũ vừa để làm việc cũng vừa để tránh nắng. Ngước nhìn trời rồi ông Tư nói mình đã làm nông từ thời 14-15 tuổi đến giờ, nhưng năm nay thời tiết có phần lạ lẫm. Ông vẫn nhớ cái lạnh lạ kỳ hồi tháng 2 đã khiến hàng bông bị hư nhiều, năm nay cũng nắng nhiều hơn.

Là một nông dân kỳ cựu, ngoài làm vườn, ông Liệt còn dành thời gian xem chương trình khuyến nông từ chiếc ti vi cũ, hay nghe dự báo thời tiết. Những ngày nắng nóng này, người làm nông như cha con ông Liệt cũng tranh thủ khi trời mát để làm việc. Ông nói: “Mình phải biết chọn thời điểm để “né” ông trời vì không thể chống lại ổng được mà. Có những lúc phải làm việc từ khuya, khi nắng nóng thì tôi vào vườn chăm cây ăn trái, khi mát trời lại ra ruộng hàng bông”.

Tuy nhiên, với khí hậu này, người nông dân cũng phải đổ không ít mồ hôi. Ông Liệt nói: “Hồi nắng lung (nhiều) làm việc cũng mệt lắm. Mới tầm 7 giờ sáng mà chỉ ngồi vô bọc hàng bông thôi mồ hôi ướt đẫm áo rồi”.

Ông Liệt cho biết năm nay làm nông không thuận lợi do thời tiết, giá cả nhưng ông vẫn không nản, vì đây là nghề đã gắn bó hàng chục năm nên đã quen với điệp khúc này. Cha con ông vẫn kiên trì với những vụ hàng bông.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục