Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quê bàu
Thứ tư: 08:10 ngày 18/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chung quanh ao miên man cỏ xanh và những ruộng lúa vàng. Cạnh bia đá còn một gốc duối già có rất nhiều chim về làm tổ. Nếu coi đây là một tiểu cảnh của Bàu Năng thì còn có những đại cảnh hút hồn người.

Bàu Đế.

Qua cầu kênh K13 thuộc xã Bàu Năng đi về thị trấn Dương Minh Châu nhìn bên phải phía bờ kênh sẽ thấy ngay một tấm bia đá. Thân, bệ và mái bia đều là những nguyên khối đá núi Bà.

Bia ghi: “Tại đây, ngày 16.8.1961 du kích và lực lượng địa phương đã phục kích diệt tên Quận Lê ác ôn khét tiếng và trung đội bảo vệ, bắt sống 6 tên, thu nhiều vũ khí...”. Ðơn giản vậy thôi, mà một trong những chiến công của người Bàu Năng sẽ được nhớ mãi trong những người qua nơi đây, dù chỉ dừng chân 1 phút.

 

Mà đấy cũng là một điểm đáng dừng lắm chứ! Kênh Ðông soãi dài về hai phía Ðông - Tây. Một ao sen nhỏ có rất nhiều người về câu cá.

Chung quanh ao miên man cỏ xanh và những ruộng lúa vàng. Cạnh bia đá còn một gốc duối già có rất nhiều chim về làm tổ. Nếu coi đây là một tiểu cảnh của Bàu Năng thì còn có những đại cảnh hút hồn người.

Như bên ấp Ninh Hoà, đoạn gần đường 784 từng có nơi được quy hoạch xây trường đại học. Trường chưa xây nhưng cảnh trí đẹp mê hồn. Bởi đất cỏ mênh mông, bàu nước trong veo tạm làm chỗ chăn bò, chăn vịt. Cũng là nơi cò bay đến mỗi chiều. Núi Bà sừng sững màu lam soi bóng nước.

Bàu Năng xứng đáng được gọi là một miền quê bàu, mà cái bàu đáng kể nhất đã thành tên gọi xã ngày nay- Bàu Năng. Cách nay chừng 10 năm, trên đường từ thị xã vào Dương Minh Châu, ta còn có thể ngắm một màu xanh đậm đà của bàu rau muống ở bên phía trái con đường 781.

Bàu rau muống từng nổi danh từ vài chục năm trước, khi nơi đây có một bà lương y chuyên chữa trị xương gãy bằng thuốc nam. Ðến nay, tiệm bó chân tay của “bàu rau muống” vẫn còn, tuy không còn nổi danh.

Riêng bàu rau muống cũng không còn thấy được. Từ cửa số 12 Toà thánh vào Bàu Năng, nhà đã liền nhà như phố mất rồi! Tuy vậy, vẫn có thể ngắm cái ao, bàu xưa bằng cách vào quán ăn gia đình có tên quán “Vũng rau muống”. Có lẽ do bàu xưa đã chỉ còn là một vũng.

Xin trở lại với cái bàu năng. Có lẽ lúc đầu nó là bàu năn, do mọc toàn một loại cỏ năn. Nhưng khi đã thành danh thì người ta gọi luôn là Bàu Năng cho thuận miệng. Nhiều người quê Bàu Năng chắc vẫn còn nhớ rõ bàu này.

Hiện, nó nằm ngay sau những lớp nhà mặt tiền đường 781, bên phía phải đường vào Dương Minh Châu, ngay đối diện với trụ sở UBND xã. Nghĩa là, một phần bàu đã bị lấp đi trong làn sóng xây dựng thời đô thị hoá.

Lần theo một con đường lởm khởm đá ra mé sau, sẽ tìm được một bờ ruộng nhỏ, dẫn ta đến phần còn sót lại của Bàu Năng. Mà cái phần này cũng đã bị chia ra thành 3-4 cái ao nhỏ, vuông hay chữ nhật. Chung quanh tươi tốt những vườn cây trái, nhưng mặt nước bàu chỉ toàn cây bông súng. Lá luênh loang xanh tím, lẫn trong bóng nước trời mây.

Một bác sĩ trạc tuổi trung niên quê Bàu Năng vẫn nhớ thời tuổi thơ của mình trên miền đất ấy. Thời của anh còn nghèo khó, suốt ngày chăn bò nên thuộc từng cái bàu trên đất Bàu Năng. Ði về phía núi có các bàu Trà Nguồn, Xa Hột.

Giữa hai bàu này có suối Tre. Vào gần núi nữa có Suối Môn (nay thuộc xã Phan). Ði về phía Chà Là sẽ gặp những bàu Ðế, bàu Cóp trước khi sang Trảng Thỏ (nay thuộc xã Trường Hoà).

Nghe anh kể, có một cái tên rất quen là bàu Cóp. Giở sách ra tìm. Thì đây, cuốn Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 - 2015), trang 97 có đoạn: “Hôm ấy, lực lượng Chi đội 11 phục kích đánh quân Pháp đi càn ở vùng Bàu Cóp (Chà Là). Giặc Pháp lọt vào khu vực phục kích, bị Chi đội 11 vây đánh...

Ðể trả thù cho trận thua này, giặc Pháp đã dùng hành động man rợ, chặt đầu 2 người dân, xách đầu về thị xã. Sau đó, giặc Pháp đem 41 người bị bắt giam ở thành Săn Ðá ra sân bay bắn và chặt đầu. Chúng xách đầu đi khắp phố, rồi lấy đầu cắm vào khúc tầm vông để hai bên đầu Cầu Quan, tam cấp nhà lồng chợ, rạp hát Kassy”.

Cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu (1951-2015) viết rõ hơn. Ðấy là vào cuối tháng 1.1947, ở trên đường từ ngã ba Bàu Năng đến Chà Là, lúc ấy thuộc xã Ninh Thạnh, nay thuộc Bàu Năng.

Trận đánh diễn ra, diệt 6 tên Pháp tại trận, thu nhiều súng đạn. Nhưng nay thật chẳng dễ gì tìm ra Bàu Cóp. Bởi bàu cũng đã bị san lấp một phần ngoài mặt tiền đường, nơi đã thành những quán xá hoặc vườn cây tường rào kín mít. Chính là sự kiện Bàu Cóp đã dẫn tới việc thành phố Tây Ninh ngày nay có một cụm bia tượng ở khu nhà lồng chợ cũ, gọi là bia Chứng tích Cầu Quan.

Sau một quán cà phê là một phần bàu Cóp còn lại phía sau. Chỉ là một rẻo ao nước sau nhà dài hơn trăm mét toàn cỏ hoang và rau muống dại. Bên cạnh là một phần bàu rộng lớn hơn, nhưng đã được quây kín bằng cọc bê tông chăng lưới thép.

Sau hàng dừa tơ óng ả xanh dài hơn trăm mét là chiếc hồ lớn đã được quây bờ bằng bạt nylon. Là một trang trại khá lớn của ai kia nay kín cổng cao tường. Nhìn qua chỉ thấy nước xanh in bóng trời, mây trắng. Một chút băn khoăn: sao Bàu Cóp nổi danh như thế, lại không có một tấm bia đá nào như bia đá cầu kênh, hay người ta tưởng đã không còn Bàu Cóp?

Bác chủ quán cà phê ân cần chỉ đường tới Bàu Ðế, mà anh bác sĩ nói xưa có nhiều cây đế mọc. Lại phải quanh ra ngã ba trung tâm xã. Ðể biết nơi này bây giờ đã là một ngã tư. Ðã có thêm một con đường cấp phối đá nhựa đi về xã Trường Hoà. Ðến con kênh TN5 rẽ trái tới bờ kênh. Kênh nhỏ nhưng dài hơn 5,5km.

Tấm bảng thông số kỹ thuật ghi diện tích tưới (thiết kế) là 1.137 ha. Như thế là tưới cho tới 2/3 diện tích tự nhiên xã Bàu Năng (1.775 ha). Thảo nào đi dọc bờ kênh chỉ thấy đôi bên trải rộng tới mênh mông, đầy ắp những cánh đồng hoa màu, ruộng lúa, cao su và vườn cây ăn trái.

Bên phải bờ kênh thấy cả một vùng lòng chảo, lúa đã gặt hoặc đang ngả màu vàng gặt hái, còn xen những vườn đậu bắp hoa rập rờn như đàn bướm trắng bay. Người phụ nữ đang chăm vườn bảo: - bàu Ðế đây! Nhưng hoá ra chưa phải.

Theo bờ kênh đi thêm vào trăm mét nữa gặp bác nông dân đang lúi húi bên chiếc máy bơm. Bác bảo, đấy mới chỉ là bàu Mười, còn bàu Ðế vẫn phía trước mà đi tới. Phải băng qua một vườn cao su nữa mới tới được cái bàu kỷ niệm của anh bác sĩ quê bàu ấy.

Ra tới khu bàu đã gặp dưới nắng mai màu hoa rực rỡ súng hồng. Nhưng có lẽ cũng chẳng còn bao lâu nữa sẽ mất hẳn chiếc bàu này. Bởi giữa khu vực đang có một dự án cải tạo, chuyển đổi cây trồng. Bàu đã được đào thành những ao dài, bên những bờ đất đắp.

La liệt những ống cống xi măng, chắc là để tiêu thoát nước. Hai người chủ có mặt cho hay, cải tạo để trồng sầu riêng. Ao thì nuôi cá, bờ đất trồng cây. Diện tích các anh đây làm rộng khoảng 3 ha. Ðấy cũng là phần bàu Ðế cuối cùng, trước khi biến thành một trang trại vườn cây ao cá. Thương hoa súng quá! Dưới bàu chúng vẫn đang vươn lên ngóng phía núi Bà phủ trắng mây.

Trở lại bàu Mười- nơi có những ruộng màu đang phun tưới bằng vòi xoay, cùng những giàn leo của vườn đậu đũa. Sao bác sĩ lại không kể gì về bàu Mười nhỉ! Dù nó là chiếc bàu lớn nhất ở Bàu Năng.

Những ruộng màu vừa kể cách xa vùng lòng chảo hiện còn tới hơn 300 mét. Cả một vùng rộng vài chục héc-ta này đều mang tên cũ bàu Mười. Phía trong con kênh thuộc ấp Ninh Hiệp còn kiêu hãnh nhô lên một cái tháp kiểu Eiffel của kinh đô nước Pháp.

Lấy kiểu thôi nhưng cũng cao tới gần 20 mét. Phần cuối cùng của bàu Mười lại ở trong khu này, vẫn đang xây dựng. Phần ấy sẽ là hồ nước, có cả sân khấu, nhà nổi bập bềnh. Các bạn thợ xây cho biết, đây sẽ là một quán cà phê sinh thái, tháng 9.2018 sẽ được khai trương.

Như thế là, sau những mặt phố phường hiện đại dọc đường 781, quê bàu vẫn còn dấu tích những cái bàu, như tên gọi Bàu Năng.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục