Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 28.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Các thành viên Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh và đại biểu khách mời dự phiên thảo luận tại điểm cầu Tỉnh uỷ.
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh và khách mời dự thảo luận trực tuyến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV tại điểm cầu Tỉnh uỷ.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội. Dự luật nhìn chung đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành sau 15 năm thi hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý, đưa điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp văn hoá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia làm phim.
Phát biểu thảo luận, đại biểu đề nghị tổ soạn thảo bổ sung giải thích từ ngữ “phim hợp tác sản xuất với nước ngoài” tại Điều 3; bổ sung cụm từ “bình đẳng giới” vào khoản 6, Điều 4 dự thảo Luật.
Góp ý Điều 5 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) về chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với điện ảnh, nhiều đại biểu kiến nghị cần đầu tư trọng tâm, hiệu quả, xác định rõ những đề tài phim được Nhà nước đầu tư sản xuất và đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân đầu tư sản xuất phim.
Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước tại Điều 15, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án (phương án 1: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng, phương án 2: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất phim). Nhiều đại biểu lựa chọn phương án 2 vì thực hiện đấu thầu sẽ tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân, phù hợp với quy định tại Luật Đấu thầu.
Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, mặc dù đã được quy định tại Điều 6 Luật Điện ảnh năm 2006 nhưng thực tế vẫn chưa thực hiện được sau nhiều năm. Tại phiên thảo luận chiều 28.10, nhiều đại biểu đề nghị không đưa vào Luật lần này do khó khả thi trong thực tiễn. Đại biểu cũng đề nghị có chế tài xử lý hành vi quay lén phim tại rạp để phát tán trên mạng do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhiều ý kiến tán thành phương án hậu kiểm đối với hình thức phát hành phim trên không gian mạng.
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng 28.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Các đại biểu cơ bản tán thành việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật này sau 17 năm thực hiện, qua 2 lần sửa đổi (năm 2005, 2013).
Đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, trong một số hình thức khen thưởng đã bổ sung đối tượng là tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Đại biểu đề nghị dự thảo Luật lần này cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là trường hợp xét khen thưởng đột xuất, để các thủ tục không trở thành rào cản đối với người được khen thưởng. Đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định đăng ký thi đua trước khi xét tặng vì nhiều cá nhân, tổ chức có thành tích tốt nhưng chưa đăng ký thi đua đầu năm nên không được xét tặng.
Đối với quy định cần có thời gian liên tục trong công tác bình xét thi đua, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thay thế bằng quy định đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nhường thành tích cho nhau để đảm bảo có thời gian liên tục.
Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật về hành vi nghiêm cấm đối với những người thực hiện trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng có những hành vi cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng.
Phương Thuý