Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018
Thứ tư: 15:12 ngày 15/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong phiên họp toàn thể vào ngày 14.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết gồm 4 điều và 8 Phụ lục. Theo đó, tổng số thu ngân sách trung ương là 753.404 tỷ đồng, tổng số chi ngân sách trung ương là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương; giao Chính phủ thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp điều hành ngân sách trung ương năm 2018...

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018- Ảnh quochoi.vn.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội cũng đã thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị quy mô đầu tư phải tính đến hiệu quả, tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng đầu tư ra mà số lượng xe lưu thông ít hoặc không sử dụng hết công suất; hoặc đầu tư để hiệu quả ngay nhưng lại sớm quá tải. Đồng thời, khi thực hiện chủ trương này, Chính phủ phải quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng với quy mô một lần, hạn chế việc phải đền bù trong thời gian tiếp theo, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng bộ ở các địa phương để khâu giải phóng mặt bằng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, phù hợp với thực tế…

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, theo báo cáo dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có 8/11 dự án thành phần triển khai theo hình thức BOT. Nghị quyết giám sát về BOT mới ban hành nên chưa thể hoàn thiện ngay cơ chế chính sách, vì vậy đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục những sai sót mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ ra.

Các biện pháp đó cần phải đảm bảo rõ các tiêu chí để lựa chọn dự án BOT; tiêu chí đánh giá năng lực và lựa chọn nhà đầu tư; quy định BOT chỉ áp dụng với những tuyến đường mới nhằm đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân; đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu; quy định việc tham vấn để lấy ý kiến của người dân; quy định vị trí đặt trạm và công nghệ thu phí…

Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận về sự cần thiết đầu tư dự án, phạm vi và quy mô đầu tư của dự án, nghiên cứu, bổ sung đầu tư các đoạn còn lại của tuyến cao tốc; phương án đầu tư và hình thức đầu tư của dự án, trong đó chú trọng các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập của hình thức đầu tư đối tác công-tư theo loại hợp đồng BOT đối với 8 dự án thành phần; nguồn vốn nhà nước, cơ chế tham gia đầu tư của nhà nước vào các dự án thành phần (đầu tư hay hỗ trợ) và phương án huy động vốn ngoài ngân sách; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư…

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Hôm nay (15.11), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục