Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thảo luận tại hội trường sáng 28-5 về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), nhiều đại biểu nêu quan điểm nghiêng về phương án I mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin ý kiến.
Trước phiên thảo luận, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, UBTVQH xin ý kiến đại biểu theo 2 phương án: Quốc hội quyết định (phương án I) hoặc Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua (phương án II).
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ).
Góp ý kiến về hai phương án này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án là hoàn toàn khả thi, không mất thời gian nếu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc, định hướng và khi đầu tư từ trung ương không dàn trải hàng ngàn công trình như hiện nay mà chỉ tập trung vào một số ít công trình lớn, quan trọng, liên kết vùng miền.
“Quốc hội quyết định mới bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn về phân bổ ngân sách trung ương theo Hiến pháp vì dự án là linh hồn của kế hoạch đầu tư. Xem xét kế hoạch đầu tư mà không xem xét từ dự án, mức vốn cho từng dự án thì chỉ là hình thức. Vì không xem từng dự án thì không thể cộng ra tổng tiền của kế hoạch và cũng không thể biết việc đầu tư có phù hợp với nguồn lực, tuân thủ định hướng đầu tư, nguyên tắc phân bổ vốn hay không”, đại biểu nêu.
Đại biểu Hàm cũng đánh giá, hiện nay Chính phủ phải trình đi trình lại nhiều lần là do chuẩn bị chưa đạt yêu cầu. Quốc hội hay UBTVQH không thể từ chối khi Chính phủ chuẩn bị đầy đủ, đúng quy định.
Từ những lý do trên, đại biểu cho rằng việc Chính phủ đề xuất trao thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho Chính phủ vì lý do mất thời gian, phát sinh thủ tục và số lượng dự án nhiều là không thuyết phục.
Cùng ủng hộ phương án I với những lập luận mà UBTVQH nêu ra, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhấn mạnh tầm quan trọng của danh mục dự án là một bộ phận trung tâm hạt nhân có tính chất quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu tách rời danh mục ra thì kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ không còn ý nghĩa.
Theo đại biểu, trên thực tế, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn sở dĩ có “trục trặc”, không thực hiện được theo Luật Đầu tư công là do năng lực bộ máy tham mưu giúp việc của Chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm mà Quốc hội trao.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội).
Nhìn nhận việc quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn là thể hiện quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) tập trung phân tích nhiều lý do chọn lựa phương án I.
Theo đại biểu, việc Quốc hội quyết định danh mục thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp. Về bản chất, kế hoạch đầu tư công trung hạn và danh mục dự án chính là dự toán cho cả giai đoạn trung hạn.
“Nếu giờ đây Chính phủ quyết định kế hoạch này, đồng nghĩa với việc giao Chính phủ quyết định dự toán trung hạn là không phù hợp với Hiến pháp, ngược quy trình, ngược thẩm quyền, dẫn đến nghịch lý, Quốc hội sẽ phải căn cứ vào danh mục mà Chính phủ đã quyết để ban hành dự toàn hằng năm”, nữ đại biểu Đoàn Hà Nội nêu.
Cũng theo đại biểu, việc trình Quốc hội danh mục dự án sẽ bảo đảm tính công khai, dân chủ công bằng cho 63 tỉnh, thành phố. Các đại biểu Quốc hội có thể trực tiếp tham gia ý kiến vào phương án phân bổ cho địa phương mình.
“Nếu Quốc hội không quyết định danh mục dự án thì sẽ là bước lùi cho phân bổ ngân sách. Trong lịch sử Quốc hội những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, giao vốn cho dự án được Quốc hội và UBTVQH thực hiện, nên bây giờ không nên tạo ra một tiền lệ khác”, đại biểu Mai nêu.
Trả lời câu hỏi việc trình Quốc hội có làm chậm tiến độ dự án hay không, đại biểu Mai cho rằng nguyên nhân một số dự án chậm tiến độ là do tổ chức thực hiện, triển khai giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nếu quan điểm cho rằng thẩm quyền này thuộc Quốc hội. Trong thực tiễn đây là một khung cho cả 5 năm. Quốc hội quyết định và phê duyệt, giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hằng năm.
“Trong khi đó, con số 9.600 dự án nhiệm kỳ vừa rồi là rất lớn. Nếu Quốc hội thực hiện quyền của mình quyết định vấn đề này thì có khả thi không? Gần 10.000 dự án đó, trên thực tế, luôn phát sinh những thay đổi” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, nếu thẩm quyền này giao cho Chính phủ thực hiện thì Quốc hội vẫn bảo đảm quyền năng của mình là cơ quan quyết định cao nhất. Cụ thể, Quốc hội quyết định tổng mức đầu tư cả 5 năm, cơ cấu đầu tư, thứ tự ưu tiên cũng như nhiều tiêu chí nguyên tắc khác… cũng như thực hiện chức năng giám sát quá trình thực hiện. Chính phủ sẽ điều hành trong khung những quyết định này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nêu thêm: “Giao được như vậy linh hoạt và nhẹ hơn cho công việc của Quốc hội. Vì Quốc hội một năm có 2 kỳ họp, mỗi kỳ có 1 tháng với nhiều công việc, nếu chỉ sa đà vào một việc thì tính khả thi yếu đi”.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: "Trước nhiều ý kiến khác nhau về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, sẽ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cùng cơ quan chức năng soạn thảo nội dung xin ý kiến đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống công nghệ thông tin".
Nguồn hanoimoi