Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 20/5, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngày 12/11/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Theo đó, để thực thi Hiệp định CPTPP, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 8 luật, gồm: Bộ luật Lao động; Luật Phòng, chống tham nhũng (đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và nội dung đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP); Luật Tố cáo (đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV và nội dung đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP); Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật An toàn thực phẩm.
Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết.
Quan điểm xây dựng luật là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc thi hành đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế-xã hội. Bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTPP.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung vào một số vấn đề: Bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội-nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (Điều 93a); điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (Điều 93b); cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới (Khoản 2 Điều 105)…
Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào một số vấn đề về sáng chế; chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự án Luật được xây dựng để đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan đã được Quốc hội phê chuẩn là cần thiết.
Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, vì các quy định được sửa đổi, bổ sung của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ cũng chính là những nội dung đã được Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 xác định cần sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP liên quan đến bảo hiểm và sở hữu trí tuệ. Nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, số lượng các điều, khoản của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo dự án Luật không nhiều và có chung mục đích để thực hiện Hiệp định CPTPP; do đó, Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ về áp dụng hình thức “một luật sửa nhiều luật” để sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của hai luật nêu trên.
Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 149 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, ngoài Tờ trình và dự thảo Luật là những tài liệu bắt buộc phải có đối với hồ sơ trình xem xét, thông qua luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, Chính phủ còn bổ sung nhiều tài liệu khác như: Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật, Báo cáo tổng kết thi hành luật, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Báo cáo thẩm định, Bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành và dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật nhằm cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thông qua dự án Luật.
Nguồn chinhphu