Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quốc hội thảo luận dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và dự án Luật quản lý, sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Chủ nhật: 08:49 ngày 04/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 2.6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)- Ảnh quochoi.vn

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Sau đó, trong phiên thảo luận đã có 26 đại biểu phát biểu ý kiến về các nội dung:

Về giải thích các từ ngữ Điều 3, có ý kiến đại biểu đề nghị Luật đã dùng các thuật ngữ về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao thì cũng cần có khái niệm về các công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ không phù hợp v.v... Trong các điều thì nên có quy định khái niệm chuyển giao toàn bộ công nghệ và chuyển giao từng phần công nghệ.

Về chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, Khoản 4 Điều 4, có ý kiến đại biểu cho rằng trong giai đoạn hiện nay, luồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn là một kênh quan trọng để đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ quốc gia, vì vậy, cần bổ sung chính sách về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về "bảo vệ môi trường" trước quy định về "bảo đảm quốc phòng, an ninh", vì gắn liền với quá trình phát triển đất nước phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

Về quyền chuyển giao công nghệ tại Điều 8, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị xem xét bổ sung một khoản quy định về chuyển nhượng lại quyền sử dụng công nghệ đã nhận chuyển giao, do điều kiện khách quan nên bên nhận chuyển giao không thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất. Với quy định như trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên nhận chuyển giao công nghệ khi họ không tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất do điều kiện khách quan.

Mặt khác, cho phép việc chuyển giao công nghệ sẽ góp phần vào việc phát huy hiệu quả công nghệ đã ứng dụng rộng rãi và phục vụ lợi ích cho con người khi chủ thể chuyển giao không tiếp tục duy trì, tránh lãng phí.

Về công nghệ hạn chế chuyển giao, ở Điểm b, Khoản 2, Điều 11, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đề nghị cần làm rõ mặt hàng xuất khẩu chủ lực đặc trưng của Việt Nam là gì; cần cân nhắc quy định các loại công nghệ hạn chế để đảm bảo tính khả thi và đồng thời cũng tạo động lực cho việc nghiên cứu và đổi mới các loại công nghệ.

Về điều khoản chuyển tiếp, Khoản 2, Điều 62 quy định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước luật này có hiệu lực mà chưa được giải quyết thì áp dụng theo luật này. Có đại biểu đề nghị, trong trường hợp này thì luật áp dụng vẫn nên là Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 để tránh việc tổ chức, cá nhân phải rà soát và có thể phải làm lại hồ sơ đăng ký, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, điểm mới của dự thảo là doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của mình để đầu tư đổi mới công nghệ đối ứng vốn và nhận đối ứng vốn đầu tư cho hoạt động ươm tạo công nghệ, thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình.

Trong Điều 37 cũng có quy định hoạt động liên kết giữa tổ chức khoa học công nghệ với tổ chức ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Đại biểu Lan cho rằng đây là một nội dung rất cần thiết và giúp cho phát triển kinh tế địa phương, do đó đề nghị bổ sung làm rõ chính sách ưu đãi có tính khả thi cao để doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nghiên cứu tham gia chuyển giao tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ cho nông dân.

Ở Mục 4, Chương V trong dự thảo luật cũng đã đề cập đến quy định chuyển giao công nghệ ở nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ tham gia và tích cực chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn ở các địa bàn khó khăn còn kém phát triển. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị cần có các quy định đặc thù rõ rệt hơn để tính khả thi của luật được cao hơn.

Có ý kiến đại biểu quan tâm đến vấn đề thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ có chất lượng cao được đào tạo bài bản từ các nước có nền khoa học tiên tiến, đó là những người đang làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học tham gia tích cực vào chuyển giao khoa học công nghệ.

Đề nghị cần có chính sách trọng dụng thực sự hấp dẫn, thiết thực để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, nhất là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Đồng thời, đề nghị Nhà nước cần quy hoạch rà soát để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có chính sách và cơ chế đặc thù đặt hàng giao nhiệm vụ cho các tổ chức nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ, thử nghiệm các công nghệ mới.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý, sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

CATN thu giữ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do người dân giao nộp- Ảnh minh hoạ

Trong phiên thảo luận đã có 24 ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội trường trong đó có 5 ý kiến phát biểu tranh luận, đa số các ý kiến đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo luật đã được nghiêm túc chỉnh lý, hoàn thiện, tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Một số ý kiến tiếp tục góp ý làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh về giải thích từ ngữ, về việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ…

Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5, theo Khoản 11 Điều 5 về hướng dẫn tổ chức huấn luyện trái phép cách thức sản xuất và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức, có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn những trường hợp nào được xem là tổ chức hướng dẫn, huấn luyện không trái phép.

Vì trên thực tế hiện nay, một số trang mạng xã hội, bài viết hướng dẫn hoặc chỉ chia sẻ những hướng dẫn chứ không trực tiếp hướng dẫn cách thức sản xuất và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thế nhưng chưa có quy định cụ thể việc làm trên là trái phép hay không trái phép.

Về giấy phép, thủ tục cấp giấy phép sửa chữa vũ khí tại Điều 35, quy định sửa chữa tất cả các loại vũ khí, từ vũ khí quân dụng đến thô sơ đều phải xin giấy phép là điều không thực sự cần thiết, phát sinh các thủ tục hành chính, kéo dài thời gian, vô hiệu vũ khí khi chờ các thủ tục sửa chữa.

Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo thẩm tra cần cân nhắc, phân loại vũ khí nào khi sửa chữa cần xin phép, loại vũ khí nào giao cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị được phép trang bị vũ khí được quyết định việc sửa chữa vũ khí.

Về trang bị cấp phép sử dụng vũ khí, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ việc sử dụng vũ khí, đặc biệt là việc sử dụng vũ khí của người chỉ huy, lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan đơn vị được trang bị vũ khí, bổ sung các quy định về khu vực cấm mang theo vũ khí như trường học, công sở, bệnh viện đối với cả người có giấy phép sử dụng vũ khí khi không có sợ đồng ý của cơ quan, đơn vị đó hoặc cơ quan có thẩm quyền, những nơi cấm mang vũ khí vào cần có biển cảnh báo và có nơi lưu giữ an toàn tuyệt đối theo quy định.

Về đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 56, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ đó là lực lượng dân phòng, vì đây là lực lượng tham gia quản lý trật tự, an toàn xã hội rất quan trọng ở địa phương, nhất là phối hợp với lực lượng công an tham gia tuần tra, kiểm soát, truy bắt tội phạm.

Về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quy định tại Điều 17, dự thảo luật đã đưa ra hai phương án, nhiều ý kiến đại biểu chọn phương án 1 là giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện thay vì phương án 2 là giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện, vì các lý do sau: phù hợp với Điều 68 Hiến pháp 2013 về xây dựng công nghiệp quốc phòng an ninh; đúng theo nghị quyết của Đảng và sự quản lý của nhà nước, đặc biệt là nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 12 đã xác định nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh theo hướng lưỡng dụng, tăng cường nguồn lực tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân; phù hợp với tính đặc thù trong công tác của lực lượng công an nhân dân.

Thực tế, thời gian qua Bộ Công an đã và đang thực hiện tốt việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí phục vụ tốt, có hiệu quả cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự.

Về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp quy định tại Điều 38, các đại biểu cho rằng dự thảo luật quy định theo hướng giao cho các doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ là phù hợp và đồng bộ với các lý do: vật liệu nổ là mặt hàng đặc biệt có liên quan trực tiếp đến an ninh trật tự và tính mạng, tài sản, sức khỏe của con người; quản lý chặt chẽ, chống thất thoát vào tay kẻ xấu và trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ cướp, khủng bố, trả thù cá nhân có sử dụng vật liệu nổ; là sự kế thừa quy định của pháp lệnh sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2012 đã được kiểm chứng trong 5 năm qua…

Ngày 5.6, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường và thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Kim Chi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục