Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quốc hội thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Du lịch (sửa đổi)
Thứ ba: 08:46 ngày 30/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp tục phiên làm việc của Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ 3, hôm 29.5, tại Hội trường, Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). 

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Ông Nguyễn Đức Hải- Chủ nhiệm UB Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật- Ảnh Đình Nam  (quochoi.vn)

* Đề nghị xem xét lại việc cho phép khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công suất

Trong phiên thảo luận đã có 14 đại biểu ý kiến, có 5 đại biểu tranh luận về nội dung mà đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề.

Đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với các ý kiến trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sửa đổi của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sửa đổi nhiều điều trong dự án luật cho khoa học, chặt chẽ, hợp lý, như vấn đề phạm vi quản lý tài sản công, quản lý tài sản cho doanh nghiệp nhà nước và trong đơn vị sự nghiệp như thế nào; nên hay là không nên cho phép kinh doanh đối với tài sản nhà nước thừa công năng; việc quản lý và sử dụng kho số; việc thế chấp tài sản để vay vốn; việc sử dụng tài sản để sau nghiên cứu khoa học và công nghệ…

Có đại biểu đề nghị rà soát lại các quy định về phạm vi tài sản công và phân loại tài sản công trong dự thảo để bảo đảm tránh xung đột pháp luật với các Luật chuyên ngành khác có liên quan, nhất là Luật Doanh nghiệp.

Về quy định tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, có ý kiến đại biểu cho rằng, quy định này có phần mâu thuẫn với Điều 36 của Luật Doanh nghiệp 2014.

Theo đó tài sản góp vốn và doanh nghiệp kể cả tài sản có nguồn gốc ngân sách đều phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp, về mặt pháp lý, là tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp.

Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có bao gồm tài sản góp vốn vào doanh nghiệp hay không, và nếu có thì xử lý mâu thuẫn với Điều 36 của Luật Doanh nghiệp như thế nào.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu cũng đề nghị rà soát lại quy định mang tính nguyên tắc về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh liên kết và bảo đảm yêu cầu không làm mất quyền sở hữu về tài sản của nhà nước được quy định tại Điều 54, Khoản 2, Điểm c, và Điều 57, Khoản 2 của dự thảo.

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị cân nhắc quy định cho phép các cơ quan nhà nước được sử dụng khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng và mục đích cho thuê khai thác theo Điều 35 của dự thảo vì một số lý do sau đây: Tài sản công tại cơ quan nhà nước chủ yếu là các tài sản phục vụ công tác quản lý của nhà nước. Vì vậy, cần phải bảo đảm việc quản lý, sử dụng tiết kiệm đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức không được cho thuê kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết nhất là trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, trang thiết bị.

Việc quy định theo hướng cho phép cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội sử dụng chung theo đúng mục đích và được thu một khoản kinh phí để bù đắp kinh phí theo Quy định tại Điều 35, Khoản 4 là mâu thuẫn với các nguyên tắc quản lý sử dụng tài sản công được quy định tại Điều 7, Khoản 4 của dự thảo.

Việc cho thuê khai thác vận hành tại cơ quan Nhà nước hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý vận hành theo quy định tại Điều 36, Khoản 1, Điểm c của dự thảo không phù hợp với mọi cơ quan Nhà nước trước yêu cầu bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác hiện nay.

Song song đó, các đại biểu đề nghị cần cân nhắc luật hóa cho phép tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ, cho thuê liên doanh liên kết (quy định từ Điều 54 đến Điều 57 của dự thảo) vì một số lý do sau đây: Mục tiêu thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập là thực hiện các hoạt động sự nghiệp với ngân sách do Nhà nước đài thọ, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản chưa sử dụng hết công năng để cho thuê khai thác góp vốn kinh doanh do cơ chế thị trường như là để hợp pháp hóa thực tiễn đang diễn ra hiện nay.

Mặc dù có những ưu điểm nhưng trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chính khi thành lập các đơn vị này, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học.

Về phân loại tài sản công quy định tại Điều 4, các đại biểu thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến các đại biểu đề nghị quy định biển số đẹp là tài sản công và chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo bổ sung kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật vào Khoản 6, Điều 4 của dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, không chỉ biển số đẹp là tài sản công mà tất cả các biển số đều là tài sản công, việc giải thích đẹp hay không đẹp sẽ để sau này dựa vào nhu cầu của xã hội mà các văn bản dưới luật sẽ quy định.

Theo đại biểu, vì là tài sản công nên biển số được xem là đẹp phải là biển số được đa số đồng tình khi thực hiện khảo sát và từng nhóm số đẹp sẽ được phân ra để đấu giá hoặc định giá tùy thuộc vào hiệu quả đem lại cho ngân sách và tính khả thi trong thực hiện.

Các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định chung một mức giá cụ thể; đối với những số ngẫu nhiên cũng sẽ thực hiện như hiện nay là không thu tiền.

Vì Khoản 22, Điều 28 của Luật Giao thông đường bộ quy định cấm mua bán biển số xe, trong khi dự thảo luật này không quy định rõ biển số xe là được mua bán, do đó đại biểu đề nghị xác nhận rõ hơn việc được phép đấu giá, định giá bán biển số xe cho chủ phương tiện và đã quy định như trong dự thảo luật.

Khi Quốc hội thông qua nội dung này, phải bãi bỏ việc cấm mua bán biển số xe tại Khoản 22 Điều 28 của Luật Giao thông đường bộ, nghĩa là biển số xe là tài sản công đủ căn cứ để sau này các văn bản dưới luật quy định việc triển khai đấu giá biển số, trừ biển số xe công…

ĐBQH Nguyễn Văn Nên (trái) trao đổi cùng đại biểu bên ngoài hội trường Quốc hội.

Thống nhất việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Trong buổi chiều 29.5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận, đại biểu đề nghị làm rõ thêm các vấn đề: Mục 2 về phát triển sản phẩm du lịch chỉ nêu ra một loại hình phát triển đó là du lịch cộng đồng, có ý kiến đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa đủ, chưa có tính định hướng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch của nước ta trong tương lai, đề nghị cần bổ sung thêm những loại hình phát triển khác, như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái v.v... 

Có ý kiến đại biểu cho rằng, cần thiết phải có ban chỉ đạo quốc gia về du lịch, cần luật hóa hoạt động của ban chỉ đạo mới đặt ra được cơ sở pháp lý khi triển khai tính bắt buộc phải thực hiện của các thành viên trong ban chỉ đạo đa ngành.

Nếu chỉ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì vai trò hạn chế và không đủ sức đưa cả hệ thống chính trị- xã hội vào cuộc.

Đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của Tổng cục du lịch, vì đây là cơ quan đóng vai trò chủ công trong triển khai thực hiện các yêu cầu của Đảng và Nhà nước về du lịch.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo Điều 71, các đại biểu thống nhất chủ trương thành lập cũng như mục đích của quỹ. Có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu ký nguồn thu của quỹ.

Thực tế hiện nay cho thấy giá tour du lịch của nước ta không cạnh tranh được so với một số nước lân cận do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do một số chính sách chưa phù hợp, dẫn đến giá tour rất cao. Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu cách thức quản lý, điều hành và hoạt động của quỹ, không để tình trạng luật quy định nhưng không triển khai được.

Về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, nhiều ý kiến đại biểu chọn phương án 2- xếp hạng bắt buộc đối với cơ sở lưu trú du lịch nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch cũng như cho thương hiệu du lịch của Việt Nam trong điều kiện công tác quản lý của Nhà nước chưa tốt như hiện nay.

Về nguồn nhân lực du lịch, đại biểu mong muốn trong thực hiện đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm, có chính sách đầu tư hợp lý cho nguồn nhân lực.

Không chỉ là nâng cao chất lượng đào tạo còn là vấn đề bồi dưỡng nhận thức, trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ này, có như thế mới đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của du lịch trong thời gian tới.

Về việc ban hành các nghị định, thông tư sau khi luật ban hành, đại biểu đề nghị Bộ VHTT&DL cần phối hợp với các ban, ngành liên quan ban hành các văn bản này, đặc biệt là các chính sách phát triển du lịch, nhằm đưa luật vào cuộc sống gắn với việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Hôm nay (30.5.2017), Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục