PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội thảo luận dự án Luật Thủy lợi và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Thứ sáu: 11:17 ngày 09/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong phiên họp ngày 8.6, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy lợi.

Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy lợi. Trong quá trình thảo luận, đã có 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 2 lượt đại biểu tranh luận.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thủy lợi- Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) đề nghị Quốc hội xem xét, xác định lại các nguyên tắc trong luật quy định tại Điều 4, theo các nội dung sau: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thủy lợi trên phạm vi cả nước từ Trung ương đến cơ sở, thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền quản lý cho bộ, ngành, địa phương và từng bước xã hội hóa nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động thủy lợi phải đảm bảo toàn diện đúng quy hoạch, có chiến lược tầm nhìn thực hiện đồng bộ theo lộ trình, có trọng điểm, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đầu tư phát triển thủy lợi phải mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài theo phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm".

Các công trình thủy lợi phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và mỹ quan, thực hiện đa dạng tổng hợp, đảm bảo hài hòa giữa thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho phát triển thủy lợi, từng bước tạo cơ chế tiếp cận thị trường, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động dịch vụ thủy lợi.

Phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý, vận hành và bảo vệ công trình; nhà nước có chính sách khuyến khích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, đầu tư vốn, nghiên cứu khoa học. Áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc xây dựng, bổ sung, tu bổ, tôn tạo, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi. Phải đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế về lĩnh vực thủy lợi.

Về chiến lược thủy lợi, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, xuất phát từ tầm quan trọng và đặc điểm của công trình thủy lợi, chiến lược phát triển của thủy lợi phải có tính dài hơn và đi trước một bước phát triển kinh tế - xã hội.

Trong dự thảo chỉ quy định 10 năm là quá ngắn, đại biểu đề nghị chiến lược thủy lợi phải quy định ít nhất 20 năm, tầm nhìn 30 năm, và việc quy định này cũng phù hợp với dự thảo Luật quy hoạch.

Đập xả tràn Hồ Dầu Tiếng- Ảnh minh hoạ

Về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích tại Điều 37, dự thảo quy định tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng hộ nghèo, họ cận nghèo, thuộc gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cho hộ trồng cây lương thực, trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.

Đại biểu Thành đề nghị cân nhắc một số điểm liên quan: đối tượng thụ hưởng sẽ rất lớn, sức ép về chi trả sẽ rất lớn; tính phức tạp cho việc chi trả mức chi trả theo hộ, theo nhân khẩu, theo diện tích sử dụng hay theo khối lượng nước? trong khi các thông số này biến động liên tục và khó xác định; tính công bằng sẽ xác định thế nào với hộ sử dụng nhiều, hộ sử dụng ít và những nơi mà hộ không có công trình thủy lợi.

Về nguyên tắc quản lý khai thác công trình thủy lợi, Khoản 4, Điều 19, dự thảo luật quy định quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải có sự tham gia của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và các bên liên quan.

Theo đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) quy định như vậy không khả thi, vì người sử dụng sản phẩm và dịch vụ thủy lợi và các bên liên quan chỉ có thể tham gia giám sát. Việc tham gia quản lý rất khó, vì liên quan đến khả năng, trình độ chuyên môn về quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, để tham gia giám sát một cách hiệu quả, luật cần bổ sung quy định việc phải công khai minh bạch quy trình quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Yêu cầu phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng tại Điều 51, đại biểu Trí đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một khoản vào điều này quy định về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng theo hình thức xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng theo chủ trương của Đảng và làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Đối với thẩm quyền quyết định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi tại Điều 36. Điểm b, Khoản 2, Điều 36 dự thảo luật quy định Bộ Tài chính quy định khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác, đại biểu Bùi Thanh Thủy (Thanh Hóa) đề nghị Bộ Tài chính chỉ quy định giá tối đa đối với sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập, không quy định khung giá đối với sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác.

Việc quy định danh mục sản phẩm dịch vụ do nhà nước định giá nên theo quy định của Luật giá, tránh tản mát tại các luật chuyên ngành…

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần.

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Dự thảo Nghị quyết- Ảnh quochoi.vn

Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Sự cần thiết tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần; cơ sở pháp lý của việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần; quy mô, nguồn vốn và cách thức tổ chức thực hiện dự án thành phần thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phương án huy động vốn, lộ trình bổ sung nguồn vốn để bảo đảm tiến độ và tính khả thi của dự án; về hình thức quyết định của Quốc hội (ban hành Nghị quyết riêng để tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện độc lập hoặc sửa Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015).

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa giải trình, báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2017.

Thứ sáu, ngày 9.6.2017, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Phiên họp này được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Kim Chi

data:
Bàn trang điểm xem top nệm cao su giá rẻ Lắp đặt Mái hiên gần đây
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục