Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13
Thứ năm: 13:00 ngày 25/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong ngày làm việc thứ 3 (24.5), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Quang cảnh phiên làm việc ngày thứ 3 (24.5), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV- Ảnh quochoi.vn

Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật. Qua 1 ngày thảo luận, đã có 48 đại biểu phát biểu ý kiến trong 71 đại biểu đăng ký. Các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với bản báo cáo giải trình và dự thảo luật, đồng thời cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc, cơ bản tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại kỳ họp thứ hai và tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cũng như tại các hội nghị, hội thảo.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận vào những nội dung sau: Khái niệm tội phạm; phân loại tội phạm; chuẩn bị tội phạm; không tố giác tội phạm; về cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể trong Bộ luật hình sự năm 2015; về các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, tội “hiếp dâm” và tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Buổi thảo luận cũng xoay quanh các vấn đề về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội hoạt động phỉ theo Bộ luật hình sự năm 1999…); về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (sản xuất, buôn bán hàng cấm; tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã...); về các tội phạm về môi trường (gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về quản lý bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm); các tội phạm về ma túy (sản xuất, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy...), xác định hàm lượng chất ma túy để quy ra khối lượng hoặc thể tích.

Đại biểu cũng cho ý kiến về trách nhiệm hình sự của pháp nhân và mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền; về tội phạm quy định về an toàn thực phẩm; về sửa đổi một số điều luật có quy định tình tiết định lượng thành quy định tình tiết định tính; về bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu còn có nhiều ý kiến khác nhau và tranh luận về các nội dung của dự thảo luật nhất là về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi; trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; về tội không tố giác tội phạm của Luật sư; tội vi phạm các quy định về kinh doanh đa cấp...

Do vậy, có đại biểu đề nghị dành thêm ít nhất 1 ngày thảo luận tổ và 1 ngày vào tuần thứ 3 của kỳ họp; nếu cần thiết thì lấy thêm 1 ngày thứ 7 để góp ý tại Hội trường đối với dự thảo này trước khi bấm nút thông qua vì tầm quan trọng của Bộ luật này.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau phiên họp này Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tổ chức hữu quan ghi chép, nghiên cứu tiếp thu giải trình đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để báo cáo lại với Quốc hội.

Do đây là một Bộ luật lớn, quan trọng, được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cử tri, cho nên Chủ tọa kỳ họp thấy cần phải bố trí thời gian thảo luận bộ luật này sớm hơn ngay từ ngày đầu của kỳ họp để có thể tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện.

Trong quá trình thảo luận, còn một số vấn đề, ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan, tổ chức gửi phiếu để xin ý kiến các vị đại biểu trước khi Quốc hội biểu quyết quyết định. Do vậy, đề nghị các cơ quan, các vị đại biểu quan tâm sẽ tiếp tục đóng góp cho dự thảo này.

Sáng nay (25.5), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý ngoại thương, sau đó Quốc hội thảo luận về dự án Luật quản lý ngoại thương.

Trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

 Kim Chi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục