Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Quy hoạch
Thứ bảy: 08:53 ngày 27/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong ngày làm việc thứ 5 (26.5), Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Quy hoạch và thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

 

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quy hoạch. Ảnh quochoi.vn

Ngày làm việc thứ 5 của kỳ họp Quốc hội thứ 3, khoá XIV, vào sáng 26.5, tại hội trường, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quy hoạch. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quy hoạch.

 Kết thúc phiên thảo luận tại hội trường đã có 27 đại biểu phát biểu, đa số đánh giá cao các ý kiến trong báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật quy hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Song, cũng có một số ý kiến đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo sửa đổi nhiều điều trong dự án luật để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, hợp lý và logic hơn.

Trong đó, ở Điều 4 dự án Luật quy hoạch về nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch,  đại biểu đề nghị nên bổ sung thêm một khoảng về đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển cân đối liên kết giữa các vùng, miền của quốc gia.

Về thời kỳ quy hoạch, ở Điều 8, có ý kiến đề nghị có quy định về thời kỳ quy hoạch cho từng cấp quy hoạch cụ thể. Thời kỳ quy hoạch tổng thể quốc gia vùng phải dài hơn quy hoạch cấp tỉnh.

Đồng thời, ở Điều 3 có khái niệm quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, cần phải có thời kỳ đủ dài để làm cơ sở cho các quy hoạch cấp thấp hơn, vì đại biểu cho rằng quy hoạch chiến lược cấp quốc gia nếu chỉ 10 năm là tầm nhìn quá ngắn trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế phát triển rất nhanh như hiện nay.

Thậm chí quy hoạch chưa được thực hiện hết thời kỳ, vùng quy hoạch chưa lâu đã phải điều chỉnh. Đại biểu đề xuất quy hoạch cấp quốc gia là 20 năm, tầm nhìn 30 năm và cấp vùng tỉnh là 10 năm và tầm nhìn 20 năm.

Điều 19 về đánh giá tác động môi trường chiến lược trong lập quy hoạch, đại biểu đề xuất nên có dự báo tác động môi trường là một nội dung trong báo cáo quy hoạch sẽ hợp lý, tính khả thi cao hơn.

Về hội đồng thẩm định quy hoạch Điều 30, thống nhất cấp quốc gia và vùng thì Thủ tướng là Chủ tịch hội đồng nhưng ở cấp tỉnh nên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thay vì theo dự thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là Chủ tịch của Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Nên- đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh (phải) trao đổi cùng đại biểu bên ngoài hội trường Quốc hội.

Về điều khoản thi hành tại Khoản 2 Điều 69 và Phụ lục 2 của dự thảo Luật xác định có 32 luật cần sửa đổi để bảo đảm tính phù hợp với Luật quy hoạch, có ý kiến đại biểu đề nghị như sau: qua rà soát sơ bộ hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan đến nội dung quy hoạch cho thấy, ngoài 32 luật trên vẫn còn một số luật, pháp lệnh như Luật Xuất bản, Luật Dược, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng cũng có quy định về quy hoạch, trong đó có những luật quy định cả trách nhiệm lập phê duyệt quy hoạch.

Như vậy, nếu theo quy định tại Khoản 2, Điều 69 của dự thảo luật, những quy hoạch này vẫn tồn tại do các luật, pháp lệnh có liên quan không thay đổi. Do đó, việc không sửa đổi các luật, pháp lệnh này sẽ không bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất khả thi của dự án luật, đại biểu đề nghị rà soát kỹ hơn các luật và các điều luật cần sửa đổi tại Phụ lục 2, cũng như lộ trình sửa đổi, bổ sung các luật này. 

Về các hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 14, ngoài các hành vi như không công bố, công bố sai, công bố không đầy đủ quy hoạch, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hành vi cố ý chậm công bố quy hoạch.

Đối với việc lấy ý kiến về quy hoạch, các đại biểu cho rằng đây là vấn đề cần thiết nhằm đảm bảo tính đầy đủ và tính khả thi của quy hoạch. Tuy nhiên, cũng cần có sự phản biện về quy hoạch, nhằm làm tăng tính khoa học, tính khả thi, tính nhân dân trong hoạt động quy hoạch. Do vậy, có ý kiến đại biểu đề nghị nên nghiên cứu quy định thêm phản biện khoa học và giao việc tổ chức phản biện khoa học này cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, ngày 29.5.2017, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục