PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội thảo luận tổ về cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và TP. Đà Nẵng
Thứ bảy: 08:22 ngày 01/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, chiều 31.5, đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Đà Nẵng và Tây Ninh có buổi thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 31.5

Đa số các đại biểu nhất trí với 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó 5 chính sách đề xuất mới, theo đại biểu các chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá cho thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu nhất trí với 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó 5 chính sách đề xuất mới, các chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá cho thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, cho ý kiến về thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội đối với dự án xây dựng trung tâm logistics và trong khu thương mại tự do, một số đại biểu đề nghị việc thu hồi đất cần bảo đảm các điều kiện như: không tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, các tổ chức liên quan trong thu hồi đất; bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng như nguồn lực thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, cần tránh lãng phí đất đai, tài nguyên và phải quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong thí điểm thu hồi đất để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, gồm trung tâm logistics, khu thương mại tự do.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu thảo luận về cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu thảo luận về chính sách phát triển đặc thù thành phố Đà Nẵng, bà Hoàng Thị Thanh Thuý (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) đề nghị phải cho phép đặc thù về quy trình thủ tục, thậm chí giao cho UBND Thành phố được quy định một số thủ tục hành chính.

Đại biểu nhấn mạnh, lộ trình phát triển cơ chế đặc thù của Thành phố Đà Nẵng cũng chỉ có 5 năm (2024 – 2029) và đến năm 2029 sẽ tổng kết, nhưng với một loạt chính sách “đậm đặc” và một số chính sách chưa áp dụng ở địa phương khác nên cần thời gian thực hiện dài hơn mới có thể đánh giá. Còn nếu ko thể kéo dài thêm giai đoạn thực hiện đặc thù thì phải có định hướng trong nghị quyết này về sau đặc thù.

Đối với chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An, các đại biểu nhận định trong 14 chính sách đặc thù phát triển của Nghệ An được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết, có 2 chính sách tương tự hoàn toàn đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, 8 chính sách tương tự đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An, 4 chính sách đề xuất mới phát triển của tỉnh Nghệ An cũng rất phù hợp với thực tiễn.

Một trong 4 nội dung cũng được đánh giá cao là cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu thảo luận tổ chiều 31.5

Góp ý về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022, ông Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) nhấn mạnh, việc chi chuyển nguồn NSNN 2022 rất lớn, tăng cả quy mô và tỷ trọng, nếu loại trừ số tiền cải cách tiền lương, nguồn tăng thu tiết kiệm chi thì số chuyển nguồn tăng hơn 55.000 tỷ đồng so với năm trước; đáng lo ngại là chuyển nguồn ở hầu hết các khu vực, cả trong chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Đại biểu Phương cũng nhấn mạnh, qua những con số này cho thấy công tác lập, tổ chức thực hiện dự toán là chưa sát, chưa đúng, chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ chi và điều này làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước trong điều kiện ngân sách đang khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem lại cơ chế chính sách của việc chuyển nguồn và có quản lý chặt chẽ việc sử dụng chuyển nguồn.

Tố Tuấn (lược ghi)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục