Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Thứ sáu: 10:47 ngày 27/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV, chiều 26.5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và đề xuất sửa toàn bộ Chương VI trong dự thảo Luật hiện nay về khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.

Vì theo đại biểu, hiện nay việc áp dụng y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam bị “lép vế” hơn so với y học hiện đại; bên cạnh đó, việc đầu tư cho phát triển y học cổ truyền là rất ít, trong khi các văn bản của Đảng, Nhà nước đều có khẳng định nội dung này, nhưng quá trình thể chế thực hiện còn hạn chế và dư địa phát triển y học cổ truyền là khá tốt.

Cũng theo đại biểu, hiện nay, những quy định áp dụng cho y học hiện đại lại áp dụng cho y học cổ truyền là hoàn toàn không hợp lý và điều này cản trở sự phát triển của y học cổ truyền và có nhiều khoảng trống pháp lý nhà nước về y học cổ truyền; bên cạnh đó, vị thế, vai trò y học cổ truyền hiện nay chưa được quan tâm một cách xứng đáng.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương dẫn chứng, theo Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư về phát triển đông y Việt Nam có ghi: “phát triển nền đông y Việt Nam trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa đông y và tây y trên tất cả các khâu tổ chức, đào tạo, kế thừa, nghiên cứu áp dụng vào phòng bệnh và chữa bệnh”.

Nhưng theo đại biểu, thực tế hiện nay việc đào tạo, bố trí nguồn nhân lực cho y học cổ truyền còn hạn chế, tốt nghiệp đại học y học cổ truyền và muốn nâng lên học trình độ cao hơn ở y học hiện đại là không được; việc hành nghề của y học cổ truyền là rất khó do vướng nhiều quy định trong các văn bản pháp luật; bên cạnh đó, cũng chưa có định chuẩn, tiêu chí để công nhận những người có phương pháp chữa bệnh gia truyền hiện nay; việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở y học cổ truyền, tiếp cận khám chữa bệnh y học cổ truyền còn hạn chế do có nhiều vướng mắc.

Và theo đại biểu, hiện nay trên cả nước về tổ chức bộ máy chỉ có 28 tỉnh, thành phố là có chuyên trách về y học cổ truyền (chiếm 44%); bên cạnh đó, cả nước chỉ có 5 bệnh viện y học cổ truyền và hiện nay 6 tỉnh không có bệnh viện nào về y học cổ truyền, ngoài công lập thì cả nước chỉ có 4 bệnh viện y học cổ truyền; trong khi đó mục tiêu nghị quyết của Đảng thì nêu rất rõ là làm sao điều tiết khám y học cổ truyền tăng từ 15-20% và khám bảo hiểm y tế về y học cổ truyền phải đạt từ 20 – 30%, nhưng thực tế hiện nay tỷ lệ này rất thấp và khó đạt nếu chúng ta không có sự đầu tư. Vì vậy đại biểu đề nghị nếu tách được Luật y học cổ truyền sang một Luật mới thì rất tốt, còn nếu không tách được thì phải luật hoá những bất cập hiện nay trong chương 6 về khám, chữa bệnh y học cổ truyền.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng đề nghị xem xét lại chính sách đãi ngộ cho lực lượng công tác trong ngành y, bởi theo đại biểu ngành y học rất khó, thời gian đào tạo dài, nhưng khi ra trường cũng hưởng lương như các chuyên viên khác.

Cho nên hiện nay, nhiều y bác sĩ xin nghỉ, đặc biệt là bị áp lực từ đợt dịch Covid-19 vừa qua, dẫn tới tình trạng các bệnh viện công lập đã thiếu bác sĩ lại còn thiếu. Và theo đại biểu, Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về phát triển ngành y Việt Nam có ghi: “ngành y là ngành đặc biệt cần được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”, thế nhưng hiện nay cụ thế hoá việc này còn thực hiện chưa tốt. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong sửa đổi Luật lần này cần có chấn chỉnh và nghiên cứu đề xuất luật hoá để phát triển bền vững đội ngũ y, bác sĩ hiện nay.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng đề nghị Bộ Y tế tham mưu cho Đảng tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị năm 2005 về phát triển ngành y tế Việt Nam và Chỉ thị 24 của Ban Bí thư năm 2008 về phát triển nền đông y Việt Nam để có cơ sở xem xét những nội dung khó khăn mà chưa luật hoá được thì luật hoá để tạo điều kiện trong quá trình tổ chức thực hiện góp phần vào phát triển ngành y tế Việt Nam trở thành ngành kinh tế tổng hợp, trong đó có dịch vụ để đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước.

Tố Tuấn – Chi Tâm

Tin cùng chuyên mục