Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi)
Thứ sáu: 19:46 ngày 10/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 9.11, sau khi nghe Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về dự án luật này. Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh thảo luận tại tổ 11 với các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang và Đà Nẵng.

Ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu góp ý dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

Theo đó, kết cấu của dự thảo Luật gồm 154 điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. Dự án Luật hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Toà án nhân dân; xây dựng hệ thống Toà án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Góp ý vào dự thảo Luật Toà án nhân dân sửa đổi, ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng dự thảo luật cần có điều khoản quy định về trách nhiệm của thẩm phán để bảo đảm nguyên tắc thẩm phán độc lập trong xét xử, bảo đảm khách quan và nghiêm minh.

Theo đại biểu, hiện nay mọi người đều phải tuân thủ theo đúng pháp luật, nhưng khi thẩm phán xét xử sai dẫn đến oan sai lại chưa có quy định chế tài nào xử lý. Do đó, ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung thêm quy định này vào luật để đảm bảo tính khách quan.

Liên quan đến nội dung cân nhắc đề xuất đổi tên Toà án nhân dân tỉnh, huyện. Ông  Huỳnh Thanh Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật là không đổi tên. Vì theo đại biểu trong điều kiện hiện nay, chức năng, nhiệm vụ xét xử của các toà án là không thay đổi. Bên cạnh đó, nếu sửa tên theo dự án luật sẽ khiến cho việc sửa đổi luật kéo dài vì quy định liên quan đến các luật khác.

Ông Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Về nội dung thành lập toà án sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo hết sức cân nhắc khi xây dựng điều khoản này vì trong báo cáo tác động chưa đánh giá được cụ thể khi thành lập các toà này liệu bộ máy biên chế có tăng lên hay không? Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc sẽ như thế nào? Cách thức làm việc có khác các toà án hiện nay hay không?

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ tại Điều 15, đại biểu Phương nhận định cần cân nhắc kỹ quy định này vì có thể khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Theo đại biểu, hiện nay quy định tại Điều 15 chưa đủ chặt chẽ, cần bổ sung quy định bảo vệ người yếu thế trong việc thu thập tài liệu chứng cứ, đồng thời dự thảo luật cần làm rõ khái niệm “người yếu thế” bằng cách giải thích rõ thêm hoặc dẫn chứng thêm từ các luật khác.

Tố Tuấn – Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục