Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 2.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 2017, kế hoạch 2018 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Quốc hội dành 3 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2017, kế hoạch 2018- Ảnh: Quochoi |
Gần 3 ngày thảo luận tại hội trường đã có 94 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 27 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề ĐBQH quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và 6 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
Các ý kiến của đại biểu tập trung vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế ấn tượng, dự kiến cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.
Nhiều lĩnh vực thế mạnh đã tăng trưởng khá và đóng góp vào sự phát triển chung như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu, chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về văn hóa- xã hội đều đạt và vượt, cho thấy chính sách cho người có công được chú trọng, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống nhân dân từng bước cải thiện...
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn và phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năng suất lao động chưa được cải thiện rõ nét, sự tăng trưởng chưa bền vững còn thể hiện ở vấn đề ô nhiễm môi trường, việc xử lý chất thải, rác thải; còn nhiều khó khăn, thách thức trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế.
Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề đặt ra, chỉ số giá tiêu dùng, lĩnh vực xuất nhập khẩu, lao động việc làm, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, vấn đề giải quyết nợ xấu có khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn cần phải tập trung giải quyết. Nợ công vẫn đang tăng nhanh là nguy cơ tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu đạt được kết quả bước đầu, song chưa chuyển biến rõ ràng. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực hiện còn chậm. Việc cổ phần hóa, thoái vốn khó đạt kế hoạch đề ra, còn tồn tại, hạn chế. Việc xử lý khắc phục 12 dự án thua lỗ còn khó khăn, có thể phát sinh thêm các dự án thua lỗ mới.
Công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài còn có vấn đề như chính sách thu hút đầu tư chưa công bằng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Tình trạng kê giá, chuyển giá diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI nhưng chưa được xử lý nghiêm. Việc tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp trong nước để đủ sức cạnh tranh còn nhiều hạn chế.
Tình trạng lãng phí vẫn lớn, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Công tác dự báo, kiểm soát, phòng chống thiên tai chưa tốt. Do vậy, cần có giải pháp tích cực phòng, chống thiên tai, nhất là liên quan đến công tác bảo vệ rừng, quy hoạch, bố trí dân cư ra khỏi những khu vực nguy hiểm.
Vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết như việc phòng chống dịch bệnh chưa tốt, tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa cao, giáo dục đại học và dạy nghề còn nhiều hạn chế. Vấn đề lao động và việc làm của người lao động ở cả thành thị và nông thôn còn nhiều bất cập. Chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội còn nhiều vấn đề phải được giải quyết...
Công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững cũng là những vấn đề được các đại biểu phân tích làm rõ.
Vấn đề cải cách hành chính, cải cách bộ máy, cải cách tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quốc phòng và an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội… được các ĐBQH quan tâm đặt vấn đề. Đại biểu đề nghị phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Chính phủ và chính quyền các cấp; tinh gọn bộ máy và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; tăng cường phân cấp cho địa phương.
Vấn đề an toàn giao thông, thực phẩm bẩn, thuốc không an toàn, tình trạng buôn lậu, hàng giả vẫn tràn lan, tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng. Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan. Vì vậy, cần xác định rõ trách nhiệm của lực lượng chức năng, đồng thời cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân.
Về thu ngân sách nhà nước, báo cáo tăng thu ngân sách nhà nước 2,5% so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương. Trong khi thu ngân sách trung ương ước khó đạt dự toán. Một số khoản thu không đạt như thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu từ hoạt động sản xuất nhập khẩu.
Đặc biệt thu từ 3 khu vực kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán. Thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định. Việc quản lý thuế, xử lý nợ đọng thuế tuy đã được triển khai quyết liệt nhưng số thuế nợ đọng còn lớn, tình trạng gian lận trốn thuế còn phức tạp.
Về chi ngân sách nhà nước năm 2017, đã bám sát nghị quyết Quốc hội, cơ bản đảm bảo nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc phân bổ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn rất chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao, còn nhiều lãng phí. Một khoản chi về an sinh xã hội thực hiện chậm; kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo; cơ chế khoán kinh phí ở một số lĩnh vực chưa tích cực; thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển còn hạn chế.
Về bội chi và nợ công, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nợ công giữ được mức trong giới hạn cho phép, bội chi ngân sách đạt 3,42% GDP. Tuy nhiên, nợ công tăng nhanh, an toàn nợ công chưa cao, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát nợ công, nhất là các khoản vay ODA của nước ngoài có khả năng vượt kế hoạch trung hạn và vượt dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Về các giải pháp thực hiện trong các tháng cuối năm 2017, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người có công, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai bão lũ trong thời gian vừa qua, phòng chống dịch bệnh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát làm rõ các yếu tố chất lượng tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện hạn chế kinh doanh không cần thiết, có giải pháp để tăng hiệu quả đầu tư.
Tăng cường quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường, chú trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu gắn với thị trường; tập trung kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, tạo điều kiện hạ lãi suất vốn vay, tăng cường đào tạo nghề cho nông dân, chú ý tới các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn.
Tăng cường thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp làm hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Tiếp tục chú trọng đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, dân số, quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Giữ trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, bền vững, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang chiều sâu gắn với chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Về dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020, đại biểu thống nhất phải tăng cường kỷ luật tài chính, ngân sách ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị; xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; tăng cường quản lý, sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực ngân sách nhà nước gắn với huy động tối đa các nguồn lực nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
Kim Chi