Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ngày 2.9.1945 là thành quả vĩ đại của dân tộc. Thành quả ấy kết tinh từ sự hy sinh to lớn của các tầng lớp người Việt Nam yêu nước. Đó là thành quả kết tinh từ niềm tin vào ngày toàn thắng của dân tộc.
1. Hiện nay, chúng ta vẫn thường nghe thấy nói rằng triều Nguyễn là một triều đại bán nước. Nói như vậy có thể chưa hẳn sai hoàn toàn, song chắc chắn chưa đúng hẳn. Nếu như nhà Nguyễn có những vị vua bạc nhược thì cũng có những vị vua anh hùng, đó là những Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Kể từ năm 1858, khi thực dân phương Tây nổ súng xâm lược Việt Nam, hàng loạt các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam đã nổ ra, song, cuối cùng đều thất bại. Thế nhưng có một điều kỳ lạ là những thất bại của các phong trào trước đó đã không làm nhụt chí những người yêu nước lớp sau. Vì vậy, cứ lớp này ngã xuống thì lớp kia lại đứng dậy. Dù phải chịu nhiều khổ đau, tra tấn, tù đày, giết hại, song ông cha chúng ta vẫn giữ niềm tin vào ngày toàn thắng của dân tộc, đó là sức mạnh tinh thần lớn nhất giúp cho cha ông ta vững vàng vượt qua gian khổ đi tới ngày toàn thắng. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, bằng đường lối đúng đắn, bằng những tấm gương bất khuất trước quân thù, Đảng đã thu phục, chinh phục trái tim, khối óc của nhiều người Việt Nam yêu nước, truyền cho họ một sức mạnh, một niềm tin vào ngày toàn thắng của dân tộc: “Từ lâu và từ lâu, ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, người ta thì thầm một cái tên, đập nhịp theo trái tim của người ta: Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc ở trong lòng của mỗi người nô lệ” (Nguyễn Văn Nguyễn - Tháng Tám trời mạnh thu).
2. Trong nhiều hồi ký của những nhà lãnh đạo từng vào tù, ra khám của chế độ thực dân, đế quốc đều có những hồi tưởng đặc biệt. Nhiều nhà cách mạng nổi danh sau này kể lại rằng lúc đầu họ cũng chưa hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì, chưa biết những người cộng sản là ai, thế nhưng khi họ chứng kiến sự hy sinh lẫm liệt của nhiều người được gọi là cộng sản thì họ đã đặt niềm tin vào những con người ấy, đặt niềm tin vào tổ chức của những con người phi thường ấy. Không phải chỉ ở ngoài đời mà ngay trong nhà tù của thực dân, đế quốc đã có rất nhiều người vốn là tù thường phạm, vốn là thành viên của các tổ chức khác vì thán phục, khâm phục hành động của những người cộng sản mà tin để rồi đi theo trọn hành trình vì lý tưởng. Nhà cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn trong “Tháng Tám trời mạnh thu” đã hồi tưởng: “Chính Đảng của Nguyễn Ái Quốc từ trong lòng người, xuất hiện ra từ ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, hoà lẫn với đất trời Việt Nam (…) Cách mạng tháng Tám được nghiền ngẫm, tưởng tượng, mơ mộng, ao ước, hy vọng trong nhà tù, trong trại giam, trong rừng thẳm, trong hang núi. Chết khô, chết đói, chết lạnh, chết súng, chết gươm. Cuộc đời tràn ngập nơi họ nhiều quá nên họ khinh cái chết. Họ phải khinh vào cái chết và đời sống của họ là kỷ luật. Kẻ thù săn bắt, tra tấn, tù đày, giết mòn, giết tại trận. Giết họ thì được nhưng không thể giết được kỷ luật của Đảng họ. Kỷ luật của Đảng Nguyễn Ái Quốc đã thắng tất cả. Họ ở trong trái tim của một anh hùng mãi mãi, vô địch trong thời gian và không gian. Ấy là Nhân dân”. Trước khi bị thực dân Pháp xử tử hình, nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai, phu nhân Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Lê Hồng Phong đã nhắn gửi những người ở lại phải “vững chí, bền gan”: “Vững chí bền gan ai hỡi ai/ Kiên tâm vững dạ mới anh tài”. Trước khi hy sinh trong nhà thương Chợ Quán (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là Trần Phú đã để lại lời nhắc cho các đồng chí của mình “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Lê Hồng Phong trước khi trút hơi thở cuối cùng ở nhà tù Côn Đảo đã nhắn nhủ: “Tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Ngày 28.8.1941, Tổng Bí thư thứ ba của Đảng là Hà Huy Tập bị thực dân Pháp xử tử hình Sở Rác (nay là Bệnh viện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Trước đó, tại toà khi bị kết án tử hình, ông đã tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”…
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 sẽ tiếp tục được phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay,
phấn đấu vì một nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường
Chính niềm tin vào Đảng, vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, niềm tin vào tiền đồ, tương lai tươi sáng của dân tộc mà cả dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng dậy với sức mạnh “chuyển núi, dời sông” đập tan xích xiềng nô lệ, thành lập nên Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Ít có cuộc cách mạng nào mà tốc độ thành công nhanh chóng như Cách mạng tháng Tám. Từ khi lệnh khởi nghĩa ban ra đến khi giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân chỉ trong không đầy 2 tuần lễ. Ngày 19.8: cách mạng thành công ở Hà Hội; ngày 23.8: Huế giành được chính quyền và ngày 25.8, thành phố Sài Gòn giành chính quyền thành công. Tin vào sức mạnh của dân tộc, tin vào chính nghĩa của dân tộc, tin vào lòng bao dung của dân tộc nên Khâm sai Chính phủ Trần Trọng Kim ở Bắc bộ là Phan Kế Toại đã ra lệnh không chống cự, đóng cửa Phủ Bắc bộ và bỏ đi. Hành động vì nghĩa lớn này của cụ Phan Kế Toại đã giúp Hà Nội giành chính quyền nhanh chóng, không đổ máu. Sau này, cụ Phan Kế Toại đã nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ra gánh vác việc nước và giữ cương vị Phó Thủ tướng của chính quyền mới gần 20 năm. Cũng vậy, vua Bảo Đại đã thức thời, nhanh chóng quyết định thoái vị với tuyên bố nổi tiếng: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị”.
3. Khi Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được sắp xếp ở tại nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội, đây là tư dinh của một gia đình tư sản nổi tiếng Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ. Các chi dùng sau đó của các thành viên Chính phủ, thậm chí đến cả những bộ quần áo mà một số thành viên Chính phủ mặc ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2.9.1945 cũng do chính chủ nhân ngôi nhà này cắt may. Không những vậy, chính bản Tuyên ngôn Độc lập với những lời tuyên bố bất hủ được ra đời từ chính ngôi nhà này. Không chỉ có gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ mà còn nhiều, rất nhiều các gia đình giàu có khác đã bằng cách này, cách khác đóng góp phục vụ, xây dựng chính quyền non trẻ còn nhiều khó khăn.
79 năm trước, niềm tin đã giúp dân tộc Việt Nam giành thắng lợi. Hiện nay, đất nước và dân tộc ta đã tiến những bước tiến rất dài trên con đường văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, đó chính là minh chứng rõ nét nhất củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Những năm qua, cùng với công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân, công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực cũng đã giúp củng cố niềm tin của nhân dân. Trong bối cảnh khu vực và thế giới đầy biến động, nhất là chiến tranh, xung đột nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới thì với đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, nhân dân Việt Nam vẫn đang được sống trong một đất nước thanh bình… Tất cả những thành tựu ấy đã giúp củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Thế nhưng đâu đó chúng ta vẫn còn nghe thấy những lời ca thán của dân về những chủ trương, chính sách chưa thật sự phù hợp, về thái độ, tinh thần của một bộ phận cán bộ, công chức. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn đang là vấn đề nhức nhối hiện nay làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng…
Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại có một triều đại xây dựng được đội quân đông đảo như triều Hồ. Thế nhưng, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn khi giặc Minh xâm lược, đất nước đã nhanh chóng rơi vào tay quân thù. Trước khi giặc Minh kéo sang, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng là anh ruột của đương kim hoàng đế Hồ Hán Thương và là con trai trưởng của Thượng hoàng Hồ Quý Ly đã nói: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Sau thất bại của nhà Hồ, Nguyễn Trãi đã rút ra bài học cay đắng rằng nhà Hồ thất bại bởi “đánh giặc một mình”, tức không được nhân dân ủng hộ. Sau này, trên đường đi tìm minh chủ, Nguyễn Trãi đã viết bài thơ Quan hải với những câu thơ là lời nhắc nhở cho muôn đời sau: “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ (…)/ Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỷ thiên niên (tạm dịch: Lật thuyền mới biết dân như nước/ (…)/ Hoạ phúc nào đâu trong phút chốc/ Anh hùng ôm hận với non sông”. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri đã nói: “Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công, mất niềm tin của dân là mất tất cả”.
Kỷ niệm ngày thành lập nước, nhắc nhở mỗi chúng ta về điều thiêng liêng, hệ trọng này: NIỀM TIN CỦA DÂN!
Vũ Trung Kiên