Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tỉnh ủy Bình Phước ký ban hành Kế hoạch số 296 KH/TU ngày 7-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định số 144-QĐ/TW có tác dụng như một tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên soi mình vào đó để nếu thực hiện tốt thì tiếp tục phát huy, còn nếu chỗ nào còn hạn chế hay thực hiện chưa tốt thì kịp thời sửa chữa, khắc phục, tức là tự soi, tự sửa.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
PV: Thưa Tiến sĩ Nhị Lê, vì sao Bộ Chính trị lại ban hành Quy định số 144-QĐ/TW? Những điểm mới đáng chú ý trong quy định là gì, thưa ông?
Tiến sĩ Nhị Lê: Thực tế, trong toàn bộ công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, vấn đề trung tâm, then chốt của then chốt đấy chính là cán bộ. Đây là sự biểu hiện cụ thể quyết sách của Đại hội lần thứ XII về xây dựng Đảng về đạo đức và Đại hội XIII của Đảng về xây dựng đảng về cán bộ.
Vì thế, Quy định số 144 là sự xác quyết của Bộ Chính trị, của Đảng ta về vấn đề xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đây cũng thể hiện sự cam kết chính trị của Đảng ta trước nhân dân và là một tiếng hô nghiêm “quân lệnh như sơn” đối với tất cả các đảng viên của Đảng về vấn đề đạo đức hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đạo đức là gốc của con người, đạo đức là gốc của cán bộ và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nói, chúng ta cần những người hiền tài, nhưng phải có đạo đức, không có đạo đức thì không thể hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cho nên, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức và trực tiếp đối với cán bộ là một trọng sự, đồng thời là một thách thức đối với Đảng ta chuẩn bị cho các quyết sách về nhân sự ngang tầm trên lộ trình tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Quy định số 144 gồm 5 điều 5 chuẩn mực đối với đảng viên của Đảng trong tình hình hiện nay, tôi đặc biệt lưu ý tiêu chuẩn thứ 3 đó là: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Chỉ có 8 chữ như vậy thôi nhưng đó là một yêu cầu rất cao đối với đảng viên, đảng viên giữ các chức vụ trong Đảng và hệ thống chính trị.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói: Nếu cán bộ không cần, cán bộ không kiệm, cán bộ không liêm thì cán bộ không chính danh lãnh đạo, không chính danh xứng đáng là một đảng viên. Không chí công vô tư thì cái gì của công cũng âm mưu bỏ vào túi riêng mình.
Đấy là nạn tham quan, tiêu cực và sâu xa hơn đây chính là sự suy thoái về đạo đức dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị và dẫn tới tham nhũng. Đó là một bước chuyển rất ngắn nhưng rất nguy hiểm. Đây là điều mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đặt ở vị trí số 3 sau vị trí thứ nhất là “Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập”.
PV: Quy định số 144 có ý nghĩa như thế nào đối với từng cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, thưa ông?
Tiến sĩ Nhị Lê: Tôi nghĩ đây là sự đột phá, trước hết là sự đột phá nhận thức và hành động về tầm quan trọng của vấn đề đạo đức trong Đảng và là rường cột của hành động đạo đức của đảng viên hiện nay. Trong Điều 3 có điểm thứ 5 đáng chú ý là “Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng”.
Thực tế vừa qua, chúng ta thấy rất nhiều đảng viên giữ chức vụ, thậm chí rất cao trong Đảng đã bị cấp dưới, bị người nhà lợi dụng và đây là khe hở cần phải nhận rõ và cấp bách bịt kín.
Đặc biệt, Quy định 144 đi liền song hành với tất cả các quy định khác ở trong Đảng như các quy định về nêu gương: Chỉ thị 55 của Ban Bí thư, Quy định 101-QĐ/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề cập đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương song hành với Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Theo tôi nghĩ, đây là những bộ hợp hành chỉnh thể về mặt cơ chế vận hành kiểm soát đạo đức ở trong Đảng, một nhân tố để hoàn thiện cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực hiện nay trong hệ thống chính trị.
PV: Thưa ông, Quy định số 144 được xem là tiêu chí để tổ chức đảng xử lý đảng viên sai phạm, nhưng cũng là cơ sở để nhân dân giám sát, thực hành đạo đức của đảng viên, cán bộ. Xin ông bình luận về nội dung này?
Tiến sĩ Nhị Lê: Chúng ta biết, Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Đảng không chỉ là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân mà còn là đứa con nòi thật sự phụng sự nhân dân. Đây là yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp thừa kế toàn bộ tinh thần và đó được thể hiện một cách cô đọng, cụ thể và đầy tính khả thi ở Quy định số 144.
Chúng ta thấy, nếu giám sát và kiểm tra ở trong Đảng nhưng buông lỏng sự giám sát của nhân dân thì đó là sự khiếm khuyết to lớn. Hơn nữa, sự giám sát của nhân dân đối với Đảng ta đó không chỉ là quyền mà còn trách nhiệm của người sinh ra Đảng, vì Đảng ta là Đảng của dân tộc. Đảng ta xuất thân từ giai cấp lao động cho nên càng thấy Quy định số 144 vô cùng tôn trọng nhân dân.
Nói cụ thể, tôi chưa bao giờ thấy ở một quy định của Đảng, vai trò giám sát của nhân dân được đề cao và được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất một cách xứng đáng để thực hiện việc giám sát như trong quy định này. Đó chính là trách nhiệm đồng thời cũng là quyền lợi, là vinh dự của nhân dân ta đối với Đảng ta và đó cũng là trách nhiệm của Đảng ta trước nhân dân, trước lịch sử dân tộc và trước bạn bè quốc tế.
PV: Quy định số 144 cũng nêu rõ tinh thần 6 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Trên thực tế, căn bệnh nói mà không làm, bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, ngại thay đổi hay lạm dụng quyền lực để mưu lợi… đã được đề cập lâu nay. Soi chiếu với thực tế xã hội, ông có bàn luận gì về vấn đề này?
Tiến sĩ Nhị Lê: Trước hết, đây là điều trăn trở lớn nhất của Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tháng 5-2024.
Bởi, chưa bao giờ như bây giờ, ở những bước ngoặt của cách mạng, chúng ta chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ thứ XIII và bước sang Đại hội Đảng lần thứ XIV đầy trọng trách và khó khăn trong tầm nhìn 2030, để kỷ niệm Đảng của chúng ta tròn 100 mùa xuân.
Trước khó khăn như vậy, vấn đề cán bộ “không dám” được Đảng ta cảnh báo và khắc sâu tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và một lần nữa, đặt ra rõ hơn và cụ thể về tầm mức trong Quy định số 144. Đấy chính là mệnh lệnh đối với tất cả các đảng viên của Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Trong 6 dám có sợ sai không dám làm, không dám hành động, đặc biệt sợ chịu trách nhiệm. Đây là nút thắt hết sức khó khăn và đang thách thức việc tuyển lựa cán bộ, cơ chế bảo vệ cán bộ, cơ chế thưởng phạt.
Tại các hội nghị Trung ương, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập toàn diện và sâu sắc tinh thần 6 dám dưới nhiều góc độ. Tất cả điều đó nhằm mục đích xây dựng một đội ngũ cán bộ ngang tầm với công cuộc đổi mới. Vì vậy, Quy định số 144 là một viên gạch quan trọng xây nên nền móng để chúng ta tiếp tục kiến tạo và phát triển đạo đức trong Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi: Đảng ta là đạo đức, là văn minh.
Chỉ có như vậy đảng viên mới thật sự xứng đáng với lòng tin cậy và yêu mến của nhân dân.
PV: Thưa ông, Quy định số 144 cũng là một tiêu chí cơ bản để sắp tới triển khai quy hoạch, giới thiệu cấp ủy khóa mới, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Để Quy định số 144 đi vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong rèn luyện đạo đức của đảng viên, cán bộ, thì tới đây, yêu cầu đặt ra về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cần được tổ chức thế nào?
Tiến sĩ Nhị Lê: Trước hết, để lựa chọn cán bộ chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, về mặt phương châm chúng ta kết hợp chặt chẽ, đồng bộ tất cả các quy định trong Đảng chung quanh công tác cán bộ, từ đánh giá nhận xét đến việc lựa chọn, tức là toàn vẹn bộ thể chế thống nhất ở trong Đảng phải được chỉnh đốn và đồng bộ thực thi một cách thống nhất các quy định song hành với hệ thống pháp luật.
Đặc biệt nhất là Quy định số 144 yêu cầu dựa vào nhân dân để tìm cán bộ, để lựa chọn cán bộ. Đây lại là một “khoảng trống” lâu nay đòi hỏi cấp ủy, trực tiếp là những người làm công tác cán bộ phải thật sự thấu triệt, thật sự hành động một cách trung thực, dũng cảm và nhân văn. Phải lấy hiệu quả công việc để đo lường đạo đức, đo lường năng lực cán bộ, không định tính chung chung, không mơ hồ hiệu quả.
Đây là điều rất khó khăn nhưng tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ vượt qua và kỳ vọng sẽ lựa chọn đúng cán bộ, bằng cung cách phù hợp và hết sức đa diện. Trong các kỳ đại hội trước, không ít nơi thường hoặc cắt khúc hoặc cục bộ hoặc hạn hẹp hoặc một chiều cho nên việc bảo đảm sự thống nhất đa phương diện và đúng đắn về cán bộ còn không ít hạn chế.
Nếu thực thi nghiêm ngặt và chặt chẽ Quy định số 144, chúng ta càng nhiều cơ hội và phương pháp đánh giá toàn vẹn, đúng đắn về cán bộ cần lựa chọn, một mặt không bỏ sót người đức tài và mặt khác quyết không để những người cơ hội, tham nhũng “chui” vào đội ngũ cán bộ của chúng ta.
Vì thế, tôi nhấn mạnh, yêu cầu cao nhất về hành động của Quy định số 144 là: Nói là làm! Không bàn suông, không nói suông, không thiển cận, không cục bộ, không bắt cóc bỏ đĩa, không đánh trống bỏ dùi, càng không được tốt lễ dễ thưa, không được thậm thụt đi nặng về nặng, đi nhẹ về nhẹ, đi không về không… trong công tác cán bộ. Đó là thước đo sự trưởng thành của đạo đức hành động của ngay chính những người giữ trọng trách về công tác cán bộ.
Đó là điều căn bản nhất từ Quy định số 144 trong hệ thống các quy định của Đảng về công tác cán bộ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới như sau:
Điều 1. Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc
1. Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
2. Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh.
3. Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
Điều 2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập
1. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị.
3. Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân.
4. Chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế. Tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo đường lối đối ngoại của Đảng phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng cộng đồng vì hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.
Điều 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
1. Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
2. Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân.
3. Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
4. Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.
5. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
Điều 4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm
1. Luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong Nhân dân, trước hết là ở chi bộ, cơ quan, đơn vị công tác, khu dân cư; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.
2. Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn. Nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức.
3. Sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ.
4. Nêu cao trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt; sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Làm tốt trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ đối với gia đình, cộng đồng, xã hội.
Điều 5. Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời
1. Gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng.
2. Tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Khiêm tốn, cầu thị, giản dị; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác. Nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm.
Thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW ngày 3-7-2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước xây dựng Kế hoạch số 296 KH/TU ngày 7-10-2024 triển khai, thực hiện nhiệm vụ như sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong triển khai, thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW.
3. Định kỳ sơ kết, tổng kết việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Quy định số 144- QĐ/TW.
Nguồn BPO