Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cụ thể, trong giai đoạn điều tra, kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được sử dụng để phục vụ công tác điều tra trong trường hợp bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội thay đổi lời khai so với lời khai đã khai trước đó.
Ngày 1.2.2018, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn về trình tự; thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18.3.2018.
Thông tư liên tịch 03 có một số điểm đáng chú ý như quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội.
Theo đó, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được thực hiện khi cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội.
Thông tư quy định, khi bố trí phòng làm việc, cơ quan điều tra phải thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết về việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, việc thông báo phải ghi vào biên bản sau đó tiến hành làm việc.
Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội. Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết, nếu họ đồng ý thì tiến hành làm việc, trường hợp họ không đồng ý thì không được hỏi cung, lấy lời khai.
Thông tư cũng quy định rõ, việc sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Cụ thể, trong giai đoạn điều tra, kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được sử dụng để phục vụ công tác điều tra trong trường hợp bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội thay đổi lời khai so với lời khai đã khai trước đó.
Bên cạnh đó, việc ghi âm, ghi hình có âm thanh là để đánh giá chứng cứ, làm rõ hành vi phạm tội của bị can, pháp nhân thương mại và đồng phạm khác. Việc ghi âm, ghi hình có âm thanh cũng được sử dụng để kiểm tra việc chấp hành pháp luật của điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội, đồng thời cũng để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thẩm định vụ án hình sự.
Trong giai đoạn truy tố, kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được sử dụng để truy tố và làm cơ sở xác định tính khách quan trong hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; đánh giá chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm cũng như kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra.
Trong quá trình chuẩn bị xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên toà phải chủ động xem xét, nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Trường hợp có chứng cứ, tài liệu được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh mà không thể nghe, xem được cần đề nghị Viện Kiểm sát sao chép lại và cung cấp cho Toà án dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Thông tư nêu rõ: “Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành có liên quan quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử. Chậm nhất đến ngày 1.1.2020 thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử trên phạm vi toàn quốc”.
HỮU ÐỨC