Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ kiểm sát
Thứ sáu: 19:52 ngày 17/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 7.2.2023,Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 21/QĐ-VKSTC về Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát.

Theo đó, Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát quy định những tiêu chí về chuẩn mực đạo đức của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; điều chỉnh thái độ, hành vi, cách ứng xử, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm sát khi thi hành công vụ.

Quy tắc này áp dụng đối với cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức khác, viên chức công tác tại Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp; khuyến khích áp dụng đối với cán bộ Kiểm sát đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phẩm chất, đạo đức và đặt lên hàng đầu vấn đề “tư cách người cách mạng”. Người luôn làm gương và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng.

Người chỉ rõ: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người chỉ có một mục đích duy nhất là vì Nhân dân. Người khẳng định: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Trong di chúc của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Đối với cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, cùng với những yêu cầu chung về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dạy rằng: “Cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành của VKSND đã minh chứng rõ, lời dạy của Bác là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của người cán bộ Kiểm sát để mỗi cán bộ, đảng viên của ngành Kiểm sát nhân dân phấn đấu rèn luyện, coi đó là phương châm giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về chính trị tư tưởng, về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ công tác.

Quy tắc là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thực hiện việc giám sát, đánh giá về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh, trách nhiệm, sự tận tâm, chuyên nghiệp trong thi hành công vụ của người cán bộ Kiểm sát; khi xem xét bổ nhiệm các chức danh tư pháp, chức vụ lãnh đạo, quản lý; khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

Quy tắc là cơ sở để cán bộ Kiểm sát tu dưỡng, rèn luyện bản thân, tạo nền nếp, tác phong, hành vi ứng xử trong xử lý công việc, góp phần xây dựng môi trường công vụ văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp.

Yêu cầu chung đối với người cán bộ Kiểm sát: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam; nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; luôn nói, viết và làm theo đúng cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành Kiểm sát nhân dân trong thi hành công vụ; tận tụy, chuyên nghiệp trong xử lý công việc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, không né tránh trách nhiệm, dũng cảm đấu tranh với vi phạm, tội phạm và với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và sự công bằng; có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, nghiêm túc, đúng mực và nhân văn; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân và tập thể lên trên lợi ích của cá nhân mình; chuyên tâm tu dưỡng, rèn luyện bản thân, thường xuyên cảnh giác, kiên định lý tưởng, ý chí, ý thức tổ chức kỷ luật, thực hành lối sống lành mạnh.

Nội dung quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ kiểm sát bao gồm: tính công minh; tính chính trực; tính khách quan; tính thận trọng; tính khiêm tốn. Người cán bộ Kiểm sát phải luôn công tâm, công bằng, sáng suốt, minh bạch, nghiêm minh, nhân văn trong xử lý công việc.

Trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc phải luôn bảo đảm đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ. Phải luôn nhận thức các vấn đề một cách đúng đắn, không vì động cơ cá nhân, tư lợi, vụ lợi mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng.

Không bị tác động, chi phối bởi bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật nào; không sợ quyền uy, không thể mua chuộc. Có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao; dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình; mạnh dạn, quyết đoán đề xuất các hình thức, biện pháp sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong giải quyết công việc.

Cùng với việc thực hiện Quy tắc này, người cán bộ Kiểm sát cần áp dụng, vận dụng đồng bộ các quy định của Đảng, Nhà nước và quy định khác của Ngành về đạo đức, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

LG Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục