Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quyền lợi của chủ thẻ BHYT ít người biết
Thứ sáu: 15:13 ngày 25/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
BHYT thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, cơ quan này đã chi trả cho khá nhiều người bệnh với số tiền lớn, có trường hợp lên tới tiền tỷ. 4 tháng đầu năm 2018, Quỹ BHYT thanh toán cho 359 người với số tiền từ 300 triệu - hơn 1 tỷ đồng.

Trong đó có bệnh nhân NMH tại Vân Đồn- Quảng Ninh điều trị suy gan tại Bệnh viện Bạch Mai được Quỹ BHYT thanh toán 1.399 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh. Với những ca bệnh nặng, kinh tế khó khăn, nếu người bệnh không tham gia BHYT chắc chắn sẽ không có khả năng chi trả.

Mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện để chăm sóc sức khỏe cơ bản cho nhân dân. Luật BHYT của Việt Nam, bản chất là BHYT xã hội nhằm chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả từ tiền túi của người bệnh và tạo nguồn lực quan trọng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: “Luật BHYT quy định nguyên tắc của BHYT xã hội là bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT; mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo quy định của Luật BHXH, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở; mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT; chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do quỹ BHYT và người tham gia BHYT cùng chi trả”.

Để tiến tới BHYT toàn dân và đạt mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (năm 2014). Luật này có nhiều nội dung đổi mới thể hiện rõ tính ưu việt của BHYT, đó là mở rộng đối tượng tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT; mở thông tuyến KCB BHYT; quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT; quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan…

Cụ thể, ông Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ: Luật BHYT năm 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia BHYT đối với toàn dân và phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT.

Bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Quy định cụ thể mức hưởng BHYT đối với các trường hợp KCB không đúng tuyến và bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Bổ sung quy định cơ quan BHXH chịu trách nhiệm đóng BHYT cho người đang nghỉ thai sản; bổ sung quy định trẻ em dưới 6 tuổi được quỹ BHYT chi trả điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ của mắt; trong trường hợp trẻ đủ 72 tháng chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị đến ngày 31 tháng 9 của năm đó.

Những quy định này nhằm giảm các gánh nặng chi phí KCB cho người tham gia BHYT và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách và các nhóm đối tượng yếu thế.

Mở thông tuyến KCB BHYT để tăng việc tiếp cận của người tham gia BHYT với dịch vụ y tế chất lượng.

Mở thông tuyến xã và huyện trên cùng địa bàn tỉnh

Từ ngày 1-1-2016, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.

Mở thông tuyến KCB BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.

Từ ngày 1-1-2021, Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng cho người tham gia BHYT khi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước. Việc mở thông tuyến KCB nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng.

Luật cũng quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT: Luật cho phép đến hết ngày 31-12-2020 các địa phương có phần kinh phí chưa sử dụng hết được sử dụng 20% để hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB BHYT; từ ngày 01/01/2021, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng để điều tiết chung.

Việc Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất ở cấp quốc gia nhằm tập trung nguồn lực, điều tiết chung trong phạm vi cả nước và đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng.        

Như vậy, cùng với hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế, đầu tư nâng cao năng lực của ngành y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có những bước tiến quan trọng, tạo cơ chế tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự công bằng trong việc thụ hưởng phúc lợi xã hội của mọi công dân, góp phần thực hiện mục tiêu  công bằng xã hội và xoá đói giảm nghèo./.

Nguồn VOV

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục