Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quyến rũ ruộng bậc thang Sa Pa
Thứ bảy: 09:05 ngày 29/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ruộng bậc thang Sa Pa có từ lâu đời. Đó là những thửa ruộng “trèo” lên lưng nhau, vút lên tận lưng chừng trời, do đồng bào Mông, Dao cần mẫn chạm khắc vào sườn núi.

Những thửa ruộng không chỉ là hình thức canh tác trên đất dốc, nhằm sản xuất lương thực, mà còn thể hiện ý chí kiên cường, bền bỉ, sự sáng tạo của đồng bào các dân tộc Mông, Dao. Không chỉ vậy, ruộng bậc thang Sa Pa ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là từ khi thắng cảnh này được Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới.

Để có được những thửa ruộng bậc thang, đồng bào vùng cao Sa Pa phải đổ mồ hôi, công sức, yếu tố thiên thời, địa lợi cũng thể hiện rõ qua từng mảnh ruộng. Do sinh sống ở vùng núi cao, nên đồng bào Mông, Dao không có những tràn ruộng bằng phẳng ở dưới thung lũng. Họ phải dùng sức người, sức trâu tạo ra những tràn ruộng từ những sườn núi dẫn được nước về để trồng lúa. Mở ruộng bậc thang là công việc đầy cực nhọc. Đầu tiên, họ tìm triền núi có độ dốc ít, không vướng đá, bên cạnh những khe nước có thể cung cấp nước lâu dài. Sau khi cúng, xin phép thần núi, thần thổ địa, thần nước, họ tiến hành khai phá. Đây là việc làm hệ trọng có tính chất lâu dài của một gia đình, nên anh em họ hàng, làng bản đều tập trung giúp đỡ.

Ruộng bậc thang xã San Sả Hồ (Sa Pa) vào vụ lúa chín. Ảnh: Ngọc Bằng

Việc mở ruộng được bắt đầu từ trên xuống. Những con trâu cày tung đất, sau đó, người ta dùng bàn trang kéo đất ra. Đây là phần việc kỳ công và cần có nhiều kinh nghiệm, bởi nếu không tính toán tốt, ruộng không có độ phẳng, hoặc ruộng rộng sẽ tốn công sức, bờ dễ sụt lở; nếu ruộng hẹp thì thu nhập thấp. Mức độ rộng hẹp của ruộng tuỳ theo độ dốc của sườn đồi.

Sau khi mở ruộng, đồng bào sẽ bắt đầu trồng cấy. Do khí hậu khắc nghiệt, giá rét, mây mù kéo dài suốt từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau, kìm hãm sự phát triển của cây trồng, nên đồng bào chỉ canh tác lúa, ngô 1 vụ, khi lượng mưa và thời tiết thuận lợi. Tháng 5 âm lịch là tháng bận rộn của đồng bào vùng cao. Vào thời điểm này, nhà nhà ra ruộng, người dẫn nước, người cày bừa, bón phân. Do sử dụng giống truyền thống, thời gian sinh trưởng dài, tới 6 tháng, nên cần chăm sóc liên tục, dài ngày. Dòng nước mát “chắt” từ lòng núi chảy vào ruộng, rồi truyền từ ruộng cao xuống ruộng thấp, cung cấp đủ nước cho lúa trong suốt thời gian sinh trưởng, nhờ đó lúa phát triển tốt, năng suất cao.

Hiện, ruộng bậc thang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Sa Pa, thu hút du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng, khám phá. Tháng 4, khi bắt đầu mùa mưa cũng là lúc những thửa ruộng bậc thang nơi đây lấp lánh như những chiếc gương giữa trời, vô cùng quyến rũ. Khoảng cuối tháng 9, ruộng bậc thang được tô điểm bởi gam màu vàng, khi lúa vào độ chín, mang lại no ấm. Những “dải vân” vàng óng chạy dọc trên các triền núi. Thời điểm này, bạn có thể đi bộ tham quan những cánh ruộng bậc thang ngút ngàn ở Tả Van, Lao Chải, Bản Dền, Trung Chải, Tả Phìn… hay ngắm nhìn tuyệt tác này khi ngồi trên cáp treo lên đỉnh Fansipan. Chắc chắn, đây sẽ là trải nghiệm tuyệt vời ít nơi nào có được, ghi dấu trong chuyến hành trình khám phá “thành phố trong sương” của du khách.

Nguồn baolaocai

Tin cùng chuyên mục