PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quyết liệt chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng
Thứ sáu: 06:10 ngày 26/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quá trình thực hiện, các sở, ngành chủ động phối hợp, thống nhất phương pháp thực hiện. Cần có kế hoạch định kỳ, đột xuất tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên để chấn chỉnh, phát hiện và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Một điểm tập kết cát trong lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Ð.H.T

Thời gian qua, UBND tỉnh ráo riết chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục chấn chỉnh và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển, tập kết cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước- nhất là công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác cát trên địa bàn, xử lý nghiêm các sai phạm; rà soát lại công suất các tàu ghe khai thác cho phù hợp với công suất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ðồng thời, UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo di dời các tàu không có trong danh sách đăng ký được cấp giấy phép khai thác cát của các doanh nghiệp ra khỏi khu vực hồ Dầu Tiếng, gắn logo cho từng phương tiện của doanh nghiệp được cấp giấy phép, lắp đặt trạm cân, camera giám sát…

Tại một cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá, đến nay, hầu hết các nhiệm vụ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về xử lý, chấn chỉnh việc khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng đều được triển khai thực hiện nghiêm túc, nhiều việc đã hoàn thành. Các giải pháp đề ra đang triển khai thực hiện có tính khả thi cao góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đưa hoạt động khai thác cát đi vào nề nếp, góp phần phòng ngừa vi phạm, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp. Ðồng thời cũng là cơ sở, tạo điều kiện cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm chặt chẽ, đúng quy định.

Ðược biết, thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển, tập kết cát trong lòng hồ Dầu Tiếng. Tại cuộc họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân yêu cầu, trong 3 tháng cuối năm 2018, tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phối hợp với tỉnh Bình Dương, Bình Phước tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trong lòng hồ Dầu Tiếng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nghiêm trọng theo đúng chỉ đạo của Trung ương.

Với sự quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường- cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề này, đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đạt kết quả. Tổ kiểm tra liên ngành đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các tàu vi phạm của 7 tổ chức, cá nhân khai thác trái phép, với tổng số tiền trên 534 triệu đồng; xử lý 3 đơn vị có hành vi khai thác cát không đúng trình tự, hệ thống khai thác, xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt hoặc nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản, dự án đầu tư khai thác khoáng sản mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản với tổng số tiền trên 150 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 9 tháng đối với 3 đơn vị này.

Qua phúc tra của Tổ kiểm tra liên ngành, trong hồ Dầu Tiếng có 79 tàu được gắn logo trên phương tiện phù hợp với số lượng tàu được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận thành phần hồ sơ, các loại giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trong hồ Dầu Tiếng; 4 giấy phép chưa xác nhận do đang tạm ngưng hoạt động.

Sau thời điểm kiểm tra của đoàn liên ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường- Công an tỉnh bắt 9 vụ, xử phạt 5 vụ với số tiền trên 156 triệu đồng, tịch thu 129,11m3 cát; 4 vụ đang xác minh, làm rõ. Qua rà soát lại quy trình cấp giấy phép, thời hạn cấp phép của tất cả các giấy phép trên địa bàn tỉnh, cho thấy cơ bản đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2016 đến nay, Tổng cục Ðịa chất và Khoáng sản Việt Nam đã kiểm tra 2 lần việc chấp hành pháp luật khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả kiểm tra, các giấy phép khai thác được cấp cơ bản đầy đủ hồ sơ và căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Về công tác lắp đặt trạm cân, camera, kết nối đường truyền internet và hệ thống định vị GPS, có phần mềm, cơ chế quản lý giám sát rõ ràng, trong các đơn vị khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, có 15 bến bãi đã hoàn thành việc lắp đặt trạm cân, camera để đưa khoáng sản cát nguyên khai ra khỏi mỏ theo quy định của pháp luật, còn 3 bãi chưa hoàn thành do đang tạm ngưng hoạt động.

Cuối tháng 9 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Viễn thông Tây Ninh đối với việc triển khai kết nối dữ liệu các bãi cát trong hồ Dầu Tiếng về cơ quan quản lý giám sát, đã thống kê được lộ trình thực hiện, nhưng còn 3 bến bãi gặp khó khăn trong thực hiện. Viễn thông Tây Ninh đã thống nhất giải pháp và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện.

Theo kết quả rà soát, thống kê của Sở Công Thương về tình hình đăng ký phương tiện, số lượng ghe, công suất khai thác cát của các doanh nghiệp trong hồ Dầu Tiếng, tính đến thời điểm cuối tháng 9.2018, có 5 đơn vị số lượng tàu khai thác đúng theo công suất, 6 đơn vị có số lượng tàu khai thác không đúng theo công suất. Tất cả các bến bãi tập kết đều có hồ lắng cát và có biển báo theo quy định.

Trên cơ sở này, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông báo cho doanh nghiệp biết thực hiện đúng công suất khai thác hằng ngày. Số lượng tàu thừa so với công suất sẽ tạm dừng, thu hồi xác nhận, doanh nghiệp phải tự thay đổi tàu đúng theo thiết kế. Ðồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thông báo cho các sở, ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, giám sát. Trong thời gian này, các tàu không được xác nhận mà hoạt động khai thác trong hồ là trái phép, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về công tác di dời các tàu không có trong danh sách đăng ký được cấp giấy phép khai thác cát, theo thống kê của ngành chức năng, phía Tây Ninh có tổng cộng 20 tàu, phía Bình Dương 45 tàu, 17 phương tiện không xác định hoạt động theo giấy phép buộc phải di dời.

Trong số 20 tàu trên, có 4 tàu đã được Sở Công Thương Tây Ninh xác nhận nằm trong kế hoạch khai thác, đúng số lượng cho phép theo thiết kế không phải di dời, còn 14 tàu đã tháo máy, dụng cụ bơm hút; 2 tàu chưa tháo máy và dụng cụ bơm hút đã được Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải lập biên bản. Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp, nếu phát hiện vi phạm đến mức phải thu hồi giấy phép, sẽ thực hiện thu hồi đúng theo quy định của pháp luật.

Nhằm giúp cơ quan chuyên môn thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh đang xem xét cấp trang thiết bị định vị GPS cầm tay cho Sở Tài nguyên và Môi trường, trang bị flycam và GPS chuyên ngành cho Công an tỉnh phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát và giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng.

Tàu khai thác cát trái phép trong lòng hồ Dầu Tiếng bị bắt giữ trong năm 2018. Ảnh: Minh Nhật

Ðể đạt được kết quả toàn diện hơn nữa trong công tác tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển, tập kết cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các ngành, địa phương căn cứ quy chế phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những giải pháp mà UBND tỉnh đã đề ra, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ đang thực hiện.

Quá trình thực hiện, các sở, ngành chủ động phối hợp, thống nhất phương pháp thực hiện. Cần có kế hoạch định kỳ, đột xuất tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên để chấn chỉnh, phát hiện và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xử lý vi phạm, cần chú trọng phối hợp với các lực lượng chức năng của hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước trong công tác quản lý, xử lý vi phạm cũng như bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực hồ Dầu Tiếng, nhất là vùng giáp ranh, nhưng phải bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16.5.2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

XUÂN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục