PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quyết sách từ nghị trường kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc thực tiễn
Thứ năm: 08:22 ngày 30/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chia sẻ bên hành lang nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao hiệu quả, chất lượng của Kỳ họp này và cho rằng các quyết sách được Quốc hội thông qua đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước, giúp các ngành và địa phương, các doanh nghiệp… giải toả bế tắc, khó khăn.

Diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV mang ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kỳ họp đã ghi thêm dấu ấn thêm một kỳ họp thành công với nhiều sự đổi mới, nhiều quyết sách kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chia sẻ bên hành lang nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao hiệu quả, chất lượng của Kỳ họp này và cho rằng các quyết sách được Quốc hội thông qua đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước, giúp các ngành và địa phương, các doanh nghiệp… giải toả bế tắc, khó khăn.

Lá phiếu tín nhiệm thực chất

Theo đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị), Kỳ họp thứ 6 diễn ra rất sôi nổi. Chẳng hạn, sáng ngày 23/11, khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có tới gần 100 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và bấm nút tranh luận. Điều này cho thấy, các đại biểu rất trách nhiệm, rất quan tâm đến nhiều vấn đề mà dự thảo luật này đưa ra.

Đại biểu cũng cho rằng, dù luật là thông qua hoặc cho ý kiến lần đầu thì các đại biểu rất trách nhiệm và thảo luận trên tinh thần đóng góp, xây dựng với mong muốn dự luật được hoàn thiện, có độ "chín" để khi được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2023/11/29/upload_24/chiminh.jpg?dpi=150&quality=100&w=800

Đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Kim Thanh 

Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nữ đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Trị đánh giá, các tư lệnh ngành đã trả lời rất thẳng thắn, không vòng vo, không né tránh. Đặc biệt, Chính phủ đã thẳng thắn, đứng trước Quốc hội thừa nhận một số lĩnh vực điều hành còn chậm.

Chia sẻ ấn tượng với việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh, đại biểu nhìn nhận, công việc này được tiến hành thận trọng, khách quan. Chất lượng hiệu quả hoạt động của ngành, việc điều hành công việc của ngành đều tác động đến lá phiếu rất lớn. Qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước đó cũng để lại “dư âm” trong lá phiếu tại Kỳ họp này. 

“Tôi cho rằng đó là những lá phiếu rất thực chất. Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ giúp các tư lệnh ngành nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại tổng thể ngành mình và hy vọng rằng nửa nhiệm kỳ còn lại sẽ điều hành hiệu quả hơn, mang lại hiệu quả hơn” - đại biểu trao đổi.

Gỡ vưỡng mắc, thúc đẩy 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Chia sẻ bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho biết, cử tri và nhân dân hướng về kỳ họp của Quốc hội và đặt niềm tin, kỳ vọng vào những việc rất quan trọng của quốc gia, dân tộc. 

Theo đại biểu, đây là kỳ họp rất thành công, cẩn trọng, trách nhiệm. Trong đó, Quốc hội đã thông qua có nhiều bộ luật quan trọng như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... Tuy nhiên, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng chưa được thông qua do có nhiều vấn đề, nhiều ý kiến cần thêm thời gian để tiếp thu, chỉnh lý một cách cẩn trọng, tránh ban hành luật rồi còn bỏ sót những lỗ hổng xung đột, chồng lấn và có thể khó thực hiện như trước đây.

Dù vậy, cơ quan soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra đã rất tích cực trong việc hoàn thiện các dự luật này. Ví dụ, với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có trên 12 triệu lượt ý kiến của cử tri, nhân dân đóng góp thì các cơ quan đã phân loại, phân nhóm và tiếp thu nhiều nội dung đưa vào trong luật. Còn những vấn đề chưa thể tiếp thu cũng đã được giải trình trước Quốc hội rất thuyết phục và hợp lý.

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2023/11/29/upload_24/dbdong.jpg?dpi=150&quality=100&w=800

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Kim Thanh 

Một trong những điểm nhấn nổi bật trong Kỳ họp này được đại biểu Hà Sỹ Đồng quan tâm là Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.  

Đại biểu nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới, Đoàn giám sát đã giải quyết nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm mới phù hợp.

Qua thảo luận, các đại biểu đã “mổ xẻ”, phân tích kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đáng lo ngại là việc phân bổ vốn đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Từ đó, đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy nhanh các chương trình.

Cũng theo đại biểu, Quốc hội đã dành nhiều thời gian đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đưa ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp căn cơ như: cải cách thể chế; phân cấp, phân quyền; tháo gỡ những khó khăn trong huy động nguồn lực…

Giải toả những bế tắc, khó khăn

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2023/11/29/upload_24/271020221032-pv-3-chu-hoi-2.jpg?dpi=150&quality=100&w=800

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn ĐBQH Hải Phòng). Ảnh: PT 

Theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn ĐBQH Hải Phòng), Kỳ họp diễn tiến trong bầu không khí sôi động, tập trung, dân chủ, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm cao. Số lượng đại biểu đóng góp ý kiến, thảo luận bằng văn bản trước và trong kỳ họp, trong thảo luận ở tổ và trên nghị trường rất nhiều, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các ĐBQH, trong khi các dạng thức góp ý kiến đều được Quốc hội xem có giá trị như nhau. 

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các trưởng ngành, các ý kiến giải trình cho từng vấn đề được thảo luận trên nghị trường đều rất sát thực, ngắn gọn, rõ ràng và có gợi mở giải pháp cụ thể. Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành đều giữ vững nguyên tắc cơ bản dựa vào chức năng của Quốc hội và nhiệm vụ kỳ họp, có những ý kiến gợi mở để tạo ra sự tương tác tốt nhất giữa các bên hỏi-đáp.

Và quan trọng các bên đều nhận thức đúng rằng chất vấn và trả lời chất vấn không phải để kết luận là ai sai đúng, mà là để các bên chia sẻ, phản ánh, tiếp nhận thông tin, trên cơ sở đó nhận diện ra những vấn đề và cách thức giải quyết chúng.

Theo đại biểu, các luật và nghị quyết lần này đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua đều là những vấn đề thực tế nóng bỏng, được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm. Chính phủ cũng xác định đó là những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc cần được giải quyết cả trong ngắn và dài hạn, đặc biệt những nút thắt, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, các thủ tục hành chính rườm rà,... đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tất cả đều cần được xem xét và ủng hộ theo thẩm quyền để tháo gỡ sớm nhất. 

Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, nhiều Luật, nghị quyết quan trọng được thông qua lần này đáp ứng ngay nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước, giúp các ngành và địa phương, các doanh nghiệp,… giải toả bế tắc, khó khăn.

Đồng nghĩa với việc tăng lòng tin đối với các quyết sách của Quốc hội và thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng và Nhà nước ta. Tạo đà giải quyết các nhu cầu dài hạn của nền kinh tế và nhu cầu chính đáng của toàn xã hội, tạo động lực tăng trưởng và góp phần bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn cho cơ sở, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Sáng tạo, đột phá để đưa các quyết sách vào cuộc sống

“Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đáp ứng được yêu cầu, niềm tin của cử tri dành cho Quốc hội. Điều này thể hiện qua việc Quốc hội đã hoàn thành rất nhiều công việc, thông qua nhiều luật và quyết định quan trọng” - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Bùi Hoài Sơn đánh giá.

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2023/11/29/upload_24/buihoaison20221229180559-1673961217309.jpg?dpi=150&quality=100&w=800

 Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu cũng chia sẻ những ấn tượng với nhiều điểm mới, cách làm sáng tạo, linh hoạt tại Kỳ họp này. Đó là, việc chia Kỳ họp thành 2 đợt và dành khoảng giữa giúp cho các cơ quan của Quốc hội có thể chuẩn bị tốt hơn các dự thảo luật. 

Cùng với đó, trong hoạt động chất vấn, thay vì chất vấn từng Bộ trưởng, từng vấn đề, tại Kỳ họp này Quốc hội tiến hành chất vấn theo nhóm lĩnh vực. Các đại biểu đều đánh giá rất cao cách thức làm việc này và các Bộ trưởng rõ ràng đã có thể có sự chủ động nhất định, thể hiện trách nhiệm của mình trong những chất vấn, câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội.

Thêm nữa, theo đại biểu, có thể thấy được sự thận trọng đối với những vấn đề mới. “Việc dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thông qua trong tại Kỳ họp này có thể khiến cho một số những người có sự thất vọng nhất định nhưng rõ ràng sự thận trọng này là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay” - đại biểu ví dụ. 

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã ban hành nhiều quyết sách, đặc biệt là những quyết sách liên quan đến vấn đề kinh tế để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, lấy lại đà tăng trưởng cho năm 2024. Nhấn mạnh điều này, đại biểu chia sẻ, chúng ta trải qua năm 2023 với rất nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu chưa đạt được. Đó không chỉ là những thách thức rất lớn cho năm 2023 mà có thể trong năm 2024. Chính vì thế, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, quan tâm thảo luận và thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng vì quá trình chúng ta thảo luận rất kỹ lưỡng như vậy, thể hiện trách nhiệm như vậy nên những kinh nghiệm của năm 2023 và những đóng góp các vị đại biểu sẽ giúp chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội trong năm 2024” - đại biểu bày tỏ. 

Để đưa những quyết sách vừa được Quốc hội thông qua vào cuộc sống, đại biểu nhấn mạnh cần có những nỗ lực, những giải pháp sáng tạo, đột phá. Trong đó, khâu quan trọng là công tác cán bộ, trách nhiệm của cán bộ. Chỉ rõ hiện nay tình trạng cán bộ né tránh, trông chờ, ỷ lại vẫn diễn ra, đại biểu nhấn mạnh "phải thay đổi, bắt quá trình chậm chạp này phải chuyển động cùng với mong đợi từ phía cử tri". 

“Đây sẽ là một yếu tố then chốt để luật vào trong cuộc sống, tạo ra được những đột phá trong thời gian sắp tới” - đại biểu nói.

Nguồn dangcongsan.vn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh